Đạo diễn Việt Tú: “Tôi đến toà để đòi lại danh dự, phía doanh nghiệp không sòng phẳng”

15/03/2019 22:40

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ sau phiên xét sơ thẩm rằng, công văn của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trả lời toà rằng: Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn phái sinh của vở diễn Thủa ấy xứ Đoài chính là điểm đột phá nhất. Với anh, đây là chiến thắng lớn nhất.

- Với các diễn biến tại phiên xử đầu tiên hôm 14/3, anh đánh giá đâu là điểm đột phá cũng như điểm nhấn lớn nhất?

- Về điểm đột phá, tôi cho đó là công văn của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trả lời toà rằng: Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn phái sinh của vở diễn Thủa ấy xứ Đoài. Với tôi đây là chiến thắng lớn nhất. Còn điểm nhấn lớn nhất có lẽ là thái độ coi thường pháp luật của họ khi không đưa ra được một chứng cứ hay cơ sở pháp lý nào. Thay vào đó, họ đã ngang nhiên áp đặt các luận điểm.

Đạo diễn Việt Tú: “Tôi đến toà để đòi lại danh dự, phía doanh nghiệp không sòng phẳng” - Ảnh 1.

Hình ảnh trên trang cá nhân đạo diễn Việt Tú chia sẻ.

- Kết luận của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với anh và tác phẩm Tinh hoa Bắc Bộ đang tiếp tục được diễn?

- Nó chứng tỏ rằng Hiệp hội nghề nghiệp, đồng nghiệp và dư luận đã thống nhất rằng Tinh hoa Bắc Bộ không phải sáng tạo của bạn đạo diễn trẻ kia mà là của tôi. Những gì của Tinh hoa Bắc Bộ được làm là dựa trên những gì tôi sáng tạo.

Điều này vô cùng quan trọng vì nhiều người đang lầm tưởng những gì họ xem là của một ai đó khác.

Trong sáng tạo việc xác nhận tác giả của sáng tạo vô cùng quan trọng. Nói "phái sinh" là dành cho nhà đầu tư, còn nói "đạo" là cho bạn ấy vì bạn ấy không những không xin phép tôi, nhận sáng tạo của tôi thành của bạn ấy mà còn kiện ngược tôi xúc phạm danh dự.

Đạo diễn Việt Tú: “Tôi đến toà để đòi lại danh dự, phía doanh nghiệp không sòng phẳng” - Ảnh 2.
Đạo diễn Việt Tú: “Tôi đến toà để đòi lại danh dự, phía doanh nghiệp không sòng phẳng” - Ảnh 3.
Đạo diễn Việt Tú: “Tôi đến toà để đòi lại danh dự, phía doanh nghiệp không sòng phẳng” - Ảnh 4.
Đạo diễn Việt Tú: “Tôi đến toà để đòi lại danh dự, phía doanh nghiệp không sòng phẳng” - Ảnh 5.

Kết luận của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

- Tuy nhiên, cũng trong phiên toà, phía luật sư biện hộ cho nguyên đơn khẳng định rằng anh mới là người phải bồi thường cho họ vì những vi phạm hợp đồng?

- Tôi khẳng định họ mới là bên vi phạm hợp đồng vì chính họ đã ký hợp đồng với một bên thứ ba trong khi hợp đồng với tôi và công ty DS còn nguyên hiệu lực. Chính họ liên tục nợ, chậm trả, thậm chí có dấu hiệu không muốn thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Người thiệt hại là tôi và các nghệ sĩ cộng tác với họ.

- Anh nghĩ vì sao luật sư nguyên đơn liên tục yêu cầu toà chỉ xem xét vụ việc dưới góc độ dân sự, kinh tế thay vì Luật Sở hữu trí tuệ?

- Cho dù xem xét vụ việc dưới góc độ nào thì qua phần tranh luận cũng như các chứng lí tại toà hôm nay đã cho dư luận thấy một điều họ không trung thực. Rất may cho tôi là hôm nay các phóng viên có mặt rất đông tại toà nên chứng kiến được rằng hầu hết các lí do họ đưa ra đều không có bằng chứng gì.

- Trở lại câu chuyện về vở diễn, việc Tuần Châu Hà Nội huỷ vở diễn của anh thay bằng Tinh Hoa Bắc Bộ là vì lý do gì? Bất đồng về quan điểm nghệ thuật liệu có phải là nguyên nhân?

- Không, tôi khẳng định mấu chốt ở đây là 10% phí bản quyền tôi mà tôi đáng ra được hưởng. Tuy nhiên phía doanh nghiệp không muốn sòng phẳng nên mọi thứ khác chỉ là công cụ để họ thực hiện đến cùng hành vi không sòng phẳng đó.

- Vậy lý do vở diễn "không chạm đến trái tim khán giả" cũng không thuyết phục?

- Một sản phẩm khi ra tới thị trường để kinh doanh phải có những định tính, định lượng rõ ràng không thể cảm tính. Với một sản phẩm du lịch ý kiến của các phóng viên, đại lý tour, khách du lịch là tối thượng.

Họ đã không đưa ra được bất kỳ thông tin có hệ thống nào như vậy rằng có bao nhiêu % trong số khách đã đến xem hài lòng hay không hài lòng, ý kiến của họ, đặc biệt tên tuổi nhân thân của những ý kiến đó. Thay vào đó, họ đưa ra luận điểm là có nhiều người đi xem nói thầm với chủ đầu tư.

Tôi cho rằng với cách tư duy không sòng phẳng như thế sẽ không bao giờ có một môi trường hợp tác đầu tư lành mạnh giữa chủ đầu tư và nghệ sĩ để tạo ra các tác phẩm tử tế. Nguy hiểm hơn mọi rủi ro sẽ dồn vào đầu những nghệ sĩ vì nhà đầu tư thích nói gì, kết tội gì nghệ sĩ cũng được vì không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp luật nào.

- Vở Tinh hoa Bắc Bộ đã được diễn từ cuối năm 2017 và đến giờ vẫn đang được diễn. Anh có bằng chứng nào để khẳng định rằng, đấy là vở diễn phái sinh từ vở diễn "Ngày xưa" của anh?

- Không lẽ một công văn xác nhận Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn phái sinh của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là chưa đủ? Bên cạnh đó còn là ý kiến của 5 nghệ sĩ, đạo diễn, biên đạo hàng đầu Việt Nam về nghề nghiệp nữa.

Đừng quên trong nghề chỉ cần có 1 trong những ý kiến này đã quá đủ thuyết phục rồi. Họ được diễn không có nghĩa họ không phải là phái sinh.

- Tiền bạc có phải là vấn đề lớn nhất trong vụ kiện này không, thưa anh?

Tôi đã nhiều lần khẳng định tôi ra toà để đòi lại danh dự. Do đó, với công văn của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và ý kiến của các đạo diễn, biên đạo hàng đầu cùng với ghi nhận của Viện kiểm soát đã cho tôi điều đó chứ không cần chờ đến ngày tuyên án.

Bên cạnh đó, chính Viện kiểm soát cũng đã ghi nhận là họ có nợ tôi tiền nợ đọng, chứ không phải không nợ như họ trắng trợn phủ nhận. Tôi không hiểu sau tôi thì ai dám cộng tác với họ nữa với cách làm việc như này.

Theo Trí Thức Trẻ