Trong khi thị trường căn hộ đang trở về với nhu cầu thực, thì cơn sốt đất vẫn lan trên diện rộng, với sự tham gia đông đảo của dân đầu cơ lướt sóng. Bất chấp cảnh báo giá đất tăng ảo, nhiều người vẫn lao vào, mong làm giàu sau 1 đêm.
Đất Sài Gòn tăng giá gấp đôi sau 1 tháng
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam chia sẻ, là người đi mua nhà, tôi thấy có những nơi tăng gấp đôi. Chỉ cách đây 1 tháng, tôi đã từng đi xe máy đi mua đất có những nơi tháng trước 600 - 700 triệu đồng thì tháng sau tăng lên 1,5 tỉ.
“Dựa trên thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM tương đương 2.000 - 2.500USD/người/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng bất động sản tăng đến 60 - 70% là không hợp lý. Đây thực sự là tăng trưởng nóng. Lãi suất ngân hàng cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, giá nhà thì quá cao. Nếu với mức thu nhập bình quân này, để mua căn hộ 1,5 tỉ đồng thì họ phải mất 20 năm mới trả hết nợ của ngôi nhà”, ông Khương chia sẻ.
Cũng theo ông Khương, giá bất động sản tăng “nóng” thời gian qua có nhiều yếu tố. Trong đó có sự đẩy giá của các thành phần môi giới. Còn ở góc độ người tiêu dùng nhu cầu ở của người dân là có thật. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 10 triệu dân, thì có 2 - 3 triệu là người dân ngoại tỉnh đến TP.HCM sinh sống và làm việc, nên có nhu cầu về nhà ở. Bên cạnh đó thì tích lũy của người dân nhiều hơn.
Hiện nay, thị trường bất động sản có nhiều sản phẩm từ đất nền đến nhà ở cao tầng. Tuy nhiên, đất nền không phải ai cũng đủ khả năng mua. Tâm lý của người dân là mua để tích lũy để đó sau 3 - 5 năm mới xây nhà. Một lý do nữa là kênh đầu tư giờ đây cũng có sự thay đổi, nếu như trước đây người dân thường gửi tiền ngân hàng và mua vàng thì nay chuyển sang đầu tư bất động sản làm của để dành. Chính vì những lý do đó đã làm cho giá bất động sản tăng lên.
“Nhiều dự án giá cao tại vì chi phí tạo lập bất động sản cao, chi phí thủ tục đền bù giải tỏa cao. Vì thế, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, định hướng các sản phẩm vừa túi tiền cho người dân. Tôi hình dung sản phẩm 1 - 2 tỉ đồng trong thời gian tới rất hiếm”, ông Khương nói.
Tạo tâm lý đám đông để thổi giá
Theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà ở, Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua có hiện tượng nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ về quận 2, Thủ Đức, quận 9 mua nhà ở, nền đất khiến giá đất ở đây tăng cao đột biến.
Ý tưởng hình thành “Khu đô thị sáng tạo” kéo giá đất đi lên. Việc cháy chung cư Carina Plaza làm cho tâm lý người dân e ngại chung cư. Nền kinh tế tăng trưởng, thu nhập tốt hơn nên có nhu cầu tạo lập nhà ở nhiều hơn. Những vấn đề này khiến người dân ngày càng có nhu cầu mua nhà ở thấp tầng. Hiện tượng này có thật.
Việc tăng giá theo thời gian, theo tiến độ, theo hoàn thiện cơ sở hạ tầng là phù hợp. Tuy nhiên, việc tăng đột biến ở một số khu vực như tăng đến 70% ở Củ Chi không đúng giá trị thật của sản phẩm, do cò môi giới đưa thông tin sản phẩm không đúng sự thật, thổi phồng dự án để hưởng lợi chênh lệch.
“Người dân khi chọn mua sản phẩm nhà ở, cần chọn sản phẩm có hạ tầng giao thông, tiện ích, tiến độ sản phẩm có hình thành theo thời gian. Cạnh đó, nên lưu ý một số khu vực có giá tăng đột biến, những khu vực này khi mua thì cần thận trọng. Tránh mắc bẫy tạo tâm lý đám đông để thổi giá của cò”, ông Sơn khuyến cáo.
Giá đất Phú Quốc cao gấp 10 giá trị thực
“Thị trường xác lập thêm một kỷ lục giá mới, cao nhiều hơn so với năm 2017. Hôm qua nhân viên tôi giao dịch đất Phú Quốc, mức giá giao dịch là 300 triệu đồng/m2, trong khi theo tôi giá trị thực chỉ 30 triệu đồng/m2”, ông Bùi Xuân Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Southern Homes Việt Nam, chia sẻ.
Theo ông Hiền, thị trường có giá ảo và không ảo. Căn hộ vẫn là thị trường thực. Còn đất nền nằm ở khu vực xa, chưa có hạ tầng, chưa có người ở chủ yếu là sốt ảo, vì đa phần người mua là nhà đầu tư.
Về cơn sốt đất ở các đặc khu, ông Hiền cho rằng, để hình thành đặc khu kinh tế, đòi hỏi nhiều điều kiện, phải hoàn thành cơ sở hạ tầng. Nếu khai thác du lịch, Phú Quốc không thu hút bằng Nha Trang và Đà Nẵng. Giá đất tăng nóng hàng chục lần như Phú Quốc đang là ảo thực sự.
Bên cạnh đó, rủi ro rất lớn khi mua đất các đặc khu chính là rủi ro pháp lý. Hiện tại, các địa phương có đặc khu đều đã có văn bản chỉ đạo ngưng chuyển nhượng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu nhà đầu tư vẫn lao vào mua bằng các hình thức giao dịch không đảm bảo về pháp lý thì nguy cơ “tiền mất tật mang” rất cao.
Theo Quốc Tuấn/VietNamNet