Đất tăng giá gấp chục lần vẫn cứ bỏ hoang, đất nước sẽ đi về đâu?

07/05/2021 12:00

Một miếng đất trải qua năm bảy “cơn sốt”, chuyển từ người này sang người khác giá tăng gấp chục lần nhưng vẫn bỏ hoang không người ở, không sản xuất kinh doanh.

Năm 2010, giá đất khu vực dọc các tuyến đường Liên Phường, Bưng Ông Thoàn, Lò Lu…quận 9 cũ (nay là Tp. Thủ Đức) chỉ dao động từ 7 – 10 triệu đồng/m2. Rất nhiều dự án đất nền được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đường xá, hệ thống chiếu sáng, cây xanh đồng bộ nhưng không một căn nhà nào được dựng lên.

Năm 2021, giá đất tại những khu vực này đã tăng lên trung bình khoảng 40 – 50 triệu đồng/m2, thậm chí một số vị trí mặt tiền đường giá “bỏng tay” xấp xỉ 80 – 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, có một điểm chung là nhiều dự án vẫn không có người về ở. Đất chỉ để cỏ mọc um tùm, cơ sở hạ tầng nội khu đã xuống cấp, hư hỏng.

Ngay tại TP.HCM, nơi được cho là quỹ đất đã cạn kiệt thì vẫn còn rất nhiều khu vực đất đai chỉ để cỏ dại mọc năm này qua năm khác. Đất không có người ở, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng mỗi lần sang tay cho người khác giá không ngừng “nhảy múa”.

Mở rộng ra các khu vực lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay nhiều tỉnh thành khác tình cảnh tương tự cũng phổ biến. Tại các địa phương này, rất dễ dàng để bắt gặp các khu đô thị được quy hoạch bài bản, nhà cửa được xây dựng khang trang nhưng suốt cả chục năm vẫn “chờ người”. Tuy nhiên, cứ mỗi lần sốt đất, những “đô thị ma” này lại được dựng dậy và giá đất lại tiếp tục trèo cao.

Cơn sốt đất từ đầu năm 2021 tại nhiều địa phương trên cả nước đến nay đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Những lô đất từ trước đến nay vẫn vậy, không có gì thay đổi nhưng giá thì có thời điểm đã được nâng lên gấp nhiều lần. Sau mỗi cơn sốt, đất đai lại chỉ để cỏ mọc và kéo theo nước mắt của biết bao người. Tuy nhiên, hệ lụy phía sau mỗi cơn sốt đất còn khủng khiếp hơn rất nhiều.

Tôi là dân tỉnh lên TP.HCM, đã đi làm được 7 năm và đang khao khát mua được một chốn an cư. Đã không ít lần, khi đi qua các dự án đất nền rất đẹp nhưng bỏ không cho cỏ dại mọc um tùm hay những dãy nhà phố khang trang nhưng ổ khóa rỉ sét vì nhiều năm chưa một lần mở tôi thầm ao ước. Tuy nhiên, với mức thu nhập của mình, tôi biết sẽ không bao giờ mua nổi mảnh đất hay căn nhà bỏ hoang đó.

Sốt đất là một phần nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên mức quá cao so với thu nhập của người dân. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, nhiều người không còn có khả năng tìm được chốn an cư phù hợp.

Một chuyên gia đã từng nói, nếu một mảnh đất mua xong để đó thời gian lời gấp mấy lần thì ai dại gì mà xây nhà. Đó là thực trạng hiện nay khi người người, nhà nhà đi buôn đất chỉ để chờ tăng giá. Một nguồn tiền rất lớn đổ vào đầu cơ đất thay vì cung ứng cho phát triển sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo ra công ăn việc làm.

Giá đất tăng cao sau mỗi cơn sốt cũng gây khó khăn cho các địa phương sau này để phát triển cơ sở hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu công nghiệp hoặc quy hoạch phát triển vùng.

Sử dụng công cụ thuế để chống đầu cơ bất động sản; minh bạch thông tin về quy hoạch đất đai, hạ tầng; Đa dạng nguồn cung, đặc biệt là những sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền... là các giải pháp ngăn chặn đầu cơ và sốt đất ảo đang được đề xuất.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/dat-tang-gia-gap-chuc-lan-van-cu-bo-hoang-dat-nuoc-se-di-ve-dau-98730.html