Phần vốn nhà nước sẽ chỉ còn dưới 50% tại Saigontourist. Dòng vốn tư nhân hứa hẹn mang tới động lực phát triển lớn hơn cho doanh nghiệp này. Ở chiều ngược lại, lợi ích của người dân, mà đại diện là nhà nước, sẽ phải được đảm bảo bằng việc định giá khách quan, tránh thất thoát khi thực hiện cổ phần hoá.
Trụ sở Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tại ngã tư Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn.
Tăng tốc cổ phần hoá
Theo kế hoạch, trong năm nay, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và công ty con - Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist sẽ cùng tiến hành cổ phần hoá, kéo tỷ lệ vốn nhà nước giảm về 65% và xuống dưới 50% tới năm 2020.
Kế hoạch cổ phần hoá Saigontourist đã được đưa ra từ lâu. Đầu năm 2015, lãnh đạo tổng công ty này khẳng định sẽ cổ phần hoá ngay trong năm. Tuy nhiên tiến trình kéo dài cho thấy thực tế là cổ phần hoá một doanh nghiệp có quy mô lớn và tính phức tạp cao như Saigontourist là không đơn giản.
Theo giới thiệu của Saigontourist, đơn vị này đang quản lý 8 công ty dịch vụ lữ hành, 54 khách sạn, 13 khu du lịch, 28 nhà hàng, đầu tư vào 50 công ty liên doanh, công ty cổ phần, công ty TNHH với quy mô phòng lên tới 8.000.
Bởi vậy, Saigontourist được coi là "ông kẹ" trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, đặc biệt ở phân khúc hạng sang, khi sở hữu và đầu tư vào 30 khách sạn 4-5 sao, trong đó có 7 khách sạn 5 sao tại TP. HCM như Rex, Caravelle, New World Sài Gòn, Sheraton, Pullman, Intercontinental.
Số lượng tài sản rất lớn, trải dài từ Nam ra Bắc khiến việc định giá doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hoá gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các giá trị vô hình cũng là yếu tố quan trọng cần tính tới. Bản thân Saigontourist là thương hiệu mang tầm quốc gia, trong khi loạt khách sạn hạng sang cũng có những giá trị riêng, ví dụ Intercontinental - khách sạn có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.
Theo quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với Saigontourist, 35 doanh nghiệp/ tổng công ty chủ chốt của TP. HCM cũng sẽ phải chuyển thành công ty cổ phần. Với lượng tài sản hấp dẫn cùng hiệu quả kinh doanh ấn tượng, nếu Saigontourist được chọn để làm "phát súng khai nòng", đó sẽ là cú hích rất lớn cho quá trình cổ phần hoá ở TP. HCM.
Minh bạch để tránh thất thoát tài sản Nhà nước
Càng sớm chuyển đổi, Saigontourist càng có thêm cơ hội phát triển. Dĩ nhiên, quá trình định giá tài sản phải được thực hiện minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước và qua đó mang về lợi ích lớn nhất cho ngân sách.
Điều này đặc biệt quan trọng khi phần lớn trong số hàng chục khách sạn lớn nhỏ của Saigontourist không được tính vào tài sản vô hình, với số dư quyền sử dụng đất tới cuối năm 2017 chỉ là 27,1 tỷ đồng.
Các khách sạn của Saigontourist chủ yếu là đất thuê trả tiền hàng năm, dẫn đến không được tính vào tài sản cố định. Tuy nhiên rõ ràng lợi thế về đất đai trên thực tế là rất lớn và ban chỉ đạo cổ phần hoá cùng cơ quan quản lý cần lưu ý vấn đề này. |
Và nữa, trong quá khứ, không ít vụ việc của Saigontourist mang đến cảm giác băn khoăn. Trong đó, phải kể đến thương vụ bán 50% vốn trong Công ty Cổ phần Sài Gòn Gôn - chủ dự án bất động sản quy mô gần 300ha tại quận 9 với giá 645 tỷ đồng - mà không đấu giá công khai theo Luật 69/2014 và Nghị định 91/2015 về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, khá nhiều trong số 54 khách sạn được Saigontourist giới thiệu quản lý, nay do tư nhân nắm giữ phần lớn như cụm Khách sạn Thanh Bình gồm 4 khách sạn ở quận Tân Bình và quận 11 với quy mô 140 phòng nay thuộc quyền chi phối (74,8% vốn) của Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công - thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công.
Đáng chú ý nhất, như Nhadautu.vn đã đề cập ở một bài viết gần đây, nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới một tập đoàn lớn đóng trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo đã và đang rất tích cực mua gom hệ thống khách sạn có "gốc gác" Saigontourist.
Một nhóm nhà đầu tư suốt nhiều năm nay "miệt mài" mua gom loạt khách sạn có "gốc" Saigontourist. Ảnh: Khách sạn Palace Sài Gòn tại 56-66 Nguyễn Huệ
Công ty Cổ phần Quê hương Liberty (Saigontourist là cổ đông sáng lập, hiện nắm 14,44% vốn) năm 2016 cũng đã được nhóm nhà đầu tư trên mua lại sau nhiều năm theo đuổi. Tại TP. HCM, Quê hương Liberty nắm trong tay hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn chỉ sau Saigontourist với 7 khách sạn cao cấp cùng 3 nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới như: Pullman Saigon Centre (5 sao), Novotel Saigon Central, Liberty Central Saigon Riverside, Liberty Central Saigon Point (4 sao)...
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, 2 cá nhân có liên hệ tới nhóm nhà đầu tư trên là các ông Chung Hán Lương và Đặng Thanh Hải đã được đề cử bầu vào HĐQT Quê hương Liberty khoá 2017-2022.
Từ cuối thập niên trước, nhóm nhà đầu tư đang đề cập đã bắt đầu mua cổ phần và dần chi phối Công ty Cổ phần Bông Sen, qua đó sở hữu loạt khách sạn ở vị trí "vàng" như Palace Sài Gòn tại 56-66 Nguyễn Huệ, Khách sạn Bông Sen Sài Gòn ở 117-123 Đồng Khởi và Khách sạn Bông Sen Annex ở 61-63 Hai Bà Trưng.
Sau khi đổi chủ, Bông Sen đã tăng vốn gấp 20 lần lên gần 4.800 tỷ đồng và mua thành công 51% cổ phần trong Khách sạn Daewoo ở Hà Nội. Doanh nghiệp này sau đó tiếp tục mua 72,5% trong Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower - chủ đầu tư toà tháp cùng tên bị bỏ hoang nhiều năm nay bên bờ Sông Sài Gòn.
Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư này cũng đã mua lại cổ phần trong cụm Khách sạn Chợ Lớn gồm gồm 3 khách sạn, 2 nhà hàng và 1 trung tâm lữ hành ở Quận 5, đồng thời nắm gần một nửa vốn tại Khách sạn Sài Gòn (41-47 Đông Du, Quận 1).