Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đau đớn, dằn vặt, cha đẻ Internet muốn sửa lại đứa con của mình

22/10/2018 10:34

Chứng kiến sáng tạo của mình giờ đây ngập ngụa trong tin giả, quyền lực kiểm soát trong tay chính phủ, Berners-Lee đã lên kế hoạch để sửa chữa tất cả.

Chứng kiến sáng tạo của mình giờ đây ngập ngụa trong tin giả, quyền lực kiểm soát trong tay chính phủ, Berners-Lee đã lên kế hoạch để sửa chữa tất cả.

Zing.vn gửi đến độc giả bài viết của cây bút Katrina Brooker về suy nghĩ của Tim Berners-Lee, người khai sinh ra hệ thống web toàn cầu cùng những kế hoạch sắp tới của ông nhằm sửa chữa những thiếu sót của công trình này.

"Với những ai cho rằng hệ thống web toàn cầu sinh ra để phục vụ cho nhân loại, họ cũng cần phải ý thức được những giá trị mà bản thân mình đang tạo dựng trên đó", Tim Berners-Lee chia sẻ với tôi vào một buổi sáng khi cả hai đang ở trung tâm thủ đô Washington. Tại đó, Berners hăng say luận bàn về tương lai của Internet với niềm đam mê cháy bỏng không giấu giếm.

Mái tóc muối tiêu, khuôn mặt góc cạnh, Berners xuất hiện ở buổi nói chuyện trong dáng dấp của một giáo sư lỗi lạc. Với chất giọng London, ông nói liên hồi, đôi khi lướt qua các con chữ để nhanh chóng truyền tải thông điệp muốn đề cập đến.

Gần ba thập kỉ trước, Berners đã phát minh ra hệ thống web toàn cầu (World Wide Web - WWW) và trong buổi sáng ngày hôm đó, một lần nữa, ông lại tới Washington với nỗ lực ra tay cứu vớt đứa con của mình.

Ở độ tuổi 63, Berners ít nhiều cũng đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Trước khi phát minh ra web, ông theo học tại Oxford, sau đó làm việc cho CERN - phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân của châu Âu. Mục đích ban đầu của thiết kế chỉ để giúp các nhà khoa học chia sẻ dữ liệu với nhau qua một nền tảng gọi là Internet. Quyết định phát hành miễn phí mã nguồn hệ thống web của Berners đã khiến sản phẩm trí tuệ của ông phát triển với tốc độ chóng mặt, cũng nhờ đó mà cuộc sống ông bước sang một trang mới.

Ông có tên trong danh sách 20 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ XX do tạp chí Time bình chọn, được trao tặng giải thưởng Turing Award cho những thành tích đạt được trong lĩnh vực khoa học máy tính, được vinh danh tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè năm 2012 tại sân vận động Olympic London, và được chính Nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ.

“Ông ấy là Martin Luther King của thời đại số hóa", Darren Walker, chủ tịch Quỹ tài trợ Ford nói. (Berners - Lee từng là ủy viên ban quản trị Quỹ tài trợ Ford).

Chưa bao giờ được hưởng lợi trực tiếp từ chính phát minh của mình, song điều này không ngăn cản Berners cố gắng bảo vệ nó.

Ngay từ những ngày đầu, Berners đã ý thức khả năng lan tỏa của hệ thống web toàn cầu đến các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Ông biết rằng phát minh của mình hoàn toàn có thể gây tổn hại nặng nề đến thế giới nếu nó rơi vào tay kẻ xấu.

Những lo ngại đó không hề thừa, đặc biệt trong thời gian qua, khi thông tin các hacker người Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống 2016 được tiết lộ, hay việc Facebook thừa nhận bán dữ liệu của hơn 80 triệu người dùng cho Cambridge Analytica, một công ty chuyên nghiên cứu chính trị làm việc cho chiến dịch bầu cử của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Với tư cách nhà sáng lập WWW, những sự kiện gần đây đã quá sức chịu đựng của Berners. “Tôi đã rất suy sụp”, ông chia sẻ về cảm nhận khi đứng nhìn phát minh của mình bị lợi dụng.

Không thể tiếp tục ngồi yên, Berners chọn cách đứng lên bảo vệ sáng tạo của mình. Cụ thể, ông phát triển một nền tảng mới tên gọi Solid nhằm đòi lại WWW từ tay các tập đoàn và trả lại sự tự do cho người dùng.

Solid vẫn được xây dựng dựa trên hệ thống web hiện tại. Tuy nhiên, người dùng có thể lựa chọn nơi lưu trữ dữ liệu cá nhân thay vì "giao nộp" tất cả cho Facebook, Google hay Amazon. Họ cũng có quyền tùy chọn những người, nhóm đối tượng nào được quyền truy cập vào ứng dụng, thông tin mà bạn lưu trữ. Việc cho phép hay không cho phép một website thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng trở nên dễ dàng, chủ động hơn.

Nhờ đó, người dùng có thể liên kết, chia sẻ dữ liệu với bất kỳ ai một cách an toàn, đồng thời xem cùng lúc một dữ liệu với nhiều người khác trên nhiều ứng dụng khác nhau. Người dùng Internet cũng không dễ bị biến thành một món hàng để các ông lớn công nghệ đọc vị và "nhắm đến" khi quảng cáo. Nói một cách dung dị, Solid khiến người dùng Internet có quyền lực hơn và khó bị xâm phạm hay lợi dụng.

Berners đang rất bận rộn với những dự định sắp tới. Đầu tiên là cuộc họp thường niên của World Wide Web Foundation do chính ông khởi xướng từ năm 2009 để bảo vệ tính dân chủ trong trong môi trường kỹ thuật số. Đây là cuộc họp mang ý nghĩa quan trọng, bởi ông ước tính vào tháng 11 tới, một nửa dân số thế giới, khoảng gần 4 tỷ người sẽ được kết nối với Internet, chia sẻ mọi thứ từ hồ sơ xin việc, quan điểm chính trị tới thông tin ADN.

“Có thêm một lượng lớn người dùng đồng nghĩa với việc các trang web lại thu thập thêm nhiều thông tin quan trọng, từ đó càng khiến cho chúng trở nên giá trị hơn, tầm ảnh hưởng mạnh hơn, và cũng nguy hiểm hơn bao giờ hết”. Berners nói.

“Chúng tôi đã chứng minh được rằng hệ thống web toàn cầu đã thất bại trong việc phục vụ con người, ở nhiều nơi, điều mà nó được lập trình để thực hiện", ông nhận định. Tính độc tài trong cách quản lý web ngày nay đã tạo nên nhiều hiện tượng phản nhân loại, cũng là bằng chứng cho thấy những người thiết kế ra chúng đã không có những suy tính kĩ lưỡng.

Ý tưởng nguyên bản của WWW xuất hiện vào đầu những năm 1960 khi Berners đang sinh sống ở London. Bố mẹ của ông đều là những người tiên phong trong kỷ nguyên máy tính. Một trong những kí ức đầu tiên của Berners là lần ông trò chuyện với cha mình về việc một ngày nào đó máy tính có thể hoạt động tựa như bộ não của con người.

Theo học tại Oxford vào những năm đầu thập niên 70, Berners đã tự chế tạo máy tính chỉ với một chiếc TV cũ và mỏ hàn. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc trong lĩnh vực vật lý, nhưng không có bất kì một kế hoạch cụ thể nào cho bản thân, Berners theo làm lập trình viên tại nhiều công ty khác nhau song tất cả đều không kéo dài được lâu. Mãi đến đầu những năm 1980, khi được nhận làm tư vấn viên tại CERN, đó mới chính là lúc cuộc đời Berners thay đổi.

Tháng 8/1991, khi Berners lần đầu tiên trình bày về ý tưởng web toàn cầu trong một phòng chat học thuật, không một ai nhận ra tầm vóc vĩ đại của nó. “Chẳng ai chú ý đến nó”, Vinton Cerf - đồng phát minh Internet, Giám đốc tuyên truyền tại Google hồi tưởng.

Ngay tại thời điểm đó cũng đã có những nền tảng tương tự nhưng điều giúp phát minh của Berners chiếm ưu thế tuyệt đối chính nhờ việc ông đã làm cho nó miễn phí: bất kỳ ai có máy tính được kết nối Internet không những truy cập mà còn có thể góp phần xây dựng hệ thống này.

Berners hiểu rằng WWW cần phải được tự do khỏi những tấm bằng sáng chế, các loại thuế, tiền bản quyền hay bất kì sự ràng buộc nào khác để phát triển. Chỉ khi đó thì những bộ óc tài năng từ khắp nơi trên thế giới mới được tự do sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình và tận dụng chúng một cách triệt để nhất.

Mong muốn của Berners đã trở thành sự thật. Các nhà khoa học máy tính, các học giả là những người áp dụng đầu tiên, phát triển ra những ứng dụng mà sau đó đã khích lệ những người khác. Chỉ trong vòng 1 năm sau ngày phát hành, các nhà phát triển đã hình thành nên nhiều cách thức thu hút ngày càng đông người dùng. Từ trình duyệt đến blog, các trang web mua bán trực tuyến đã khiến cho hệ thống web phát triển bùng nổ.

Ban đầu, WWW thực sự là một nền tảng mở và miễn phí, không chịu sự quản lí của bất kỳ công ty hay tổ chức nào. “Chúng tôi đã ở giai đoạn đầu tiên, trong sáng nhất của Internet”, Brewster Kahle, nhà sáng lập Alexa sau này được mua lại bởi Amazon cho biết. “Tim và Vint đã biến hệ thống thành một nơi mà không ai có thể lợi dụng lẫn nhau”.

"Mọi người đều có quyền bình đẳng, tất cả điều đó dựa trên việc không ai nắm giữ toàn bộ quyền lực, người dùng có thể làm bất cứ mọi chuyện mà không cần xin phép. Nhưng điều này gần như đã bị biến mất ở hiện tại", Berners nói.

Những công ty như Facebook, Google và Amazon cố gắng kiểm soát những gì người dùng đọc hàng ngày cho đến việc bắt tay hợp tác với một số cơ quan chính phủ để nghe lén, theo dõi và thao túng người dùng.

Không lâu sau cuộc bầu cử năm 2016, Quỹ World Wide Web đã tài trợ kinh phí cho một nghiên cứu kiểm tra mức độ kiểm soát các thuật toán Facebook sử dụng để quản lý người dùng. “Cái cách mà những thuật toán này kiểm soát lượng thông tin người dùng có thể tiếp cận rất quan trọng với mạng lưới toàn cầu,” Berners chia sẻ.

Bằng cách hiểu được bản chất vấn đề đặt ra ở trên, họ có thể tránh khỏi việc bị dắt mũi bởi công nghệ. “Số lượng người dùng vượt ngưỡng 50% dân số thế giới là một cột mốc đáng để chúng ta dừng lại và suy ngẫm”, ông nói. Đối với Berners, vấn đề không chỉ nằm ở những người đã được tiếp cận với Internet mà còn với những ai chưa được kết nối với nó.

Dù buổi nói chuyện chỉ có hai người, Berners vẫn như trong một diễn đàn kêu gọi nỗ lực của hàng nghìn người. Ông lấy giấy bút phác họa một đồ thị xã hội về sức mạnh của Internet. “Đây là Elon Musk với chiếc siêu máy tính của ông ấy,” Berners nói, đồng thời vẽ một ô vuông trên đầu trang giấy để mô tả vị thế của ông chủ SpaceX và Tesla. Thấp hơn ở phía dưới, ông vẽ một ô vuông khác: “Còn đây là tất cả người dùng Internet ở Ethiopia đang hoàn toàn bị theo dõi trên mạng”.

World Wide Web, đứa con mà Berners hi vọng sẽ là công cụ để nâng cao quyền bình đẳng nhưng trớ trêu thay, đến nay dường như chỉ gia tăng thêm bất bình đẳng vốn đã rất trầm trọng.

Khi 1/5 trang giấy được bao phủ bởi những đường thẳng, mũi tên, hình minh họa, Berners chỉ tay vào khoảng không còn lại và nói, “Mục đích của chúng ta là làm cách nào đó để phủ đầy khoảng trống này, sao cho toàn bộ nhân loại đều có thể tận dụng tối đa một cách an toàn hệ thống web”.

“Tôi đã bỏ đi một vài đoạn code để cải tiến khả năng của email”, Berners nói chuyện với một vài lập trình viên trên Gitter, nền tảng trực tuyến cho phép các lập trình viên chia sẻ và phát triển ý tưởng cùng nhau. Cuộc trò chuyện diễn ra vài ngày trước khi Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mĩ, và Berners đang cố gắng để khiến những lời khai ấy trở nên bất hợp lý.

Ý tưởng của Berners, nói một cách ngắn gọn là, phân cấp lại hệ thống web, hay còn gọi là web phân quyền. 30 năm sau ngày WWW ra đời, cấu trúc truyền tải dữ liệu trên Internet chủ yếu vẫn theo mô hình Client - Server (máy khách - máy chủ). Mặc dù Internet không của riêng ai, các dịch vụ vẫn dựa vào tài nguyên tập trung ở một số máy chủ vật lý hoặc ảo, mà chủ sở hữu chính là các tổ chức, tập đoàn lớn như Google, Facebook.

Với web phân quyền, cộng đồng người dùng và các mạng lưới máy tính độc lập sẽ là những bên vận hành hệ thống thay vì một vài tổ chức lớn như hiện nay. Hệ thống này được xây dựng dựa trên nhiều công nghệ, một trong số đó là Blockchain - công nghệ chuỗi khối nền tảng của đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin.

Với công nghệ chuỗi khối, các máy tính tham gia vào mạng lưới phân lưới phân quyền chia sẻ tài nguyên với nhau mà không cần tin tưởng hoặc thông qua bất kỳ trung gian nào.

Các dữ liệu khi đó không còn bị tập trung mà sẽ phân tán thành hàng nghìn chuỗi mạng, mỗi chuỗi là một phần trang web. Do đó, hacker không thể sử dụng hình thức tấn công phổ biến là DDos, thường tập trung "hỏa lực" vào mục tiêu duy nhất.

Giờ đây ông dành phần lớn thời gian của mình trên Solid. “Có rất nhiều người đang cố gắng từng ngày để thay đổi website, trả lại cho người dùng sự riêng tư cũng như quyền kiểm soát dữ liệu của chính bản thân họ,” Berners chia sẻ.

Hiện tại, Solid vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để ra mắt nhưng nếu nó thực sự hoạt động tốt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi của mạng lưới toàn cầu.

Công nghệ của Solid cũng miễn phí với mọi người, tất cả những ai có máy tính và kết nối mạng đều có thể sử dụng. “Cứ mỗi ngày lại có thêm nhiều lập trình viên mới, một ít trong số đó sẽ biết đến Solid và sẽ sát cánh với chúng tôi trong sứ mệnh cải tiến website này", Berners nói.

Một phần lý do khi đến với Solid của những lập trình viên này là cơ hội được làm việc với chính thần tượng của bản thân. Đối với một nhà khoa học máy tính, được làm việc cùng với Berners cũng giống như việc được chơi guitar với Keith Richards. Nhưng lý do của những người lập trình viên này, trên cả chuyện được làm việc cùng với nhà phát minh ra mạng lưới toàn cầu, còn là vì họ muốn thay đổi thế giới.

Họ là những hình mẫu lý tưởng của nền công nghệ kỹ thuật số, những người tiên phong, những nhà cách mạng muốn phá bỏ các quy tắc cũ kỹ và còn là các cá nhân muốn đứng lên đấu tranh lật đổ hệ thống tập trung quyền lực của mạng lưới toàn cầu hiện nay. Về phần mình, làm việc trên Solid đem lại cho Berners cảm giác giống như những ngày đầu ông tạo ra WWW.

Đây mới chỉ là những bước đi chập chững đầu tiên của Solid nhưng nó đang phát triển một cách rất nhanh chóng. Những đồng nghiệp thân thiết của Berners nói rằng ông đã lao mình vào phát triển dự án với lịch làm việc dày đặc cùng quyết tâm cao độ, y hệt cái cách mà Berners đã tạo ra hệ thống web trước đó.

Tại Ấn Độ, một nhóm các nhà lập trình đã thành công trong việc ngăn chặn Facebook triển khai dịch vụ mới kiểm soát lượng người truy cập Internet tại nước này. Ở Đức, một lập trình viên trẻ tuổi đã xây dựng thành công phiên bản Twitter phân quyền tên gọi Mastodon. Còn tại Pháp, một nhóm lập trình đã phát hành Peertube, một phiên bản thay thế cho Youtube.

“Tôi rất khó chịu khi các tập đoàn công nghệ cố gắng kiểm soát mọi người và cuộc sống của họ, đồng thời cực kỳ lên án cái xã hội khi mọi thứ đều bị giám sát”. Amy Guy chia sẻ. Amy là một lập trình viên người Scotland, có công rất lớn trong việc xây dựng ActivityPub, nền tảng giúp kết nối các trang mạng phân quyền mới ra đời.

Berners-Lee không phải là người lãnh đạo cuộc cách mạng này, nhưng trong cuộc đối đầu với những nền tảng như Facebook hay Google, ông lại là một vũ khí rất lợi hại. Chính Berners cũng nhận ra rằng để thay đổi cách hoạt động của mạng toàn cầu hiện nay khó hơn nhiều so với việc phát minh ra nó gần ba thập kỉ về trước.

“Khi WWW được tạo ra, không ai chú ý đến nó và cũng chẳng có ai đứng lên chống lại”, Brad Burnham nói. Brad là thành viên của Union Square Venture, công ty đầu tư mạo hiểm nổi gần đây đang tập trung đầu tư cho những trang web phân quyền hướng đến người dùng mới nổi.

Đã và đang có những nhóm hưởng lợi từ việc kiểm soát những trang mạng, tiêu biểu là những cái tên như Amazon, Google hay Facebook và chắc chắn một điều, tất cả sẽ không đời nào chịu từ bỏ món lợi này một cách dễ dàng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, ngay cả khi người đứng đầu của Facebook đã lên tiếng xin lỗi vì làm rò rỉ dữ liệu của người dùng thì Facebook vẫn kiếm được số tiền lên đến 11,97 tỷ USD, Google là 31 tỷ USD từ dữ liệu người dùng.

Giờ đây, dưới sức ép của báo chí và cộng đồng, những ông lớn ngành công nghệ buộc phải tuyên bố rằng họ sẽ điều chỉnh để trả lại sự riêng tư cũng như bảo vệ người dùng của họ. “Tôi cam kết sẽ sửa chữa những vấn đề này”, Zuckerberg nói với Quốc hội Mỹ trong phiên điều trần hồi tháng 4.

Google gần đây cũng đã tiến hành cho ra đời những tính năng bảo mật mới giúp người dùng quản lí tài khoản thư điện tử tốt hơn, khi cho phép họ quyết định cách mà thư được chuyển tiếp, sao chép, tải xuống hay in ra.

Các chính phủ cũng đã có những động thái tích cực hơn. Năm ngoái, Liên minh Châu Âu đã xử phạt Google 2,7 tỷ đô về những cáo buộc thao túng thị trường mua bán trực tuyến. Quy định mới của năm nay yêu cầu Google và các công ty khác phải xin phép người dùng trước khi sử dụng dữ liệu cá nhân của họ. Tại Mỹ, Quốc hội cũng đang cân nhắc những cách thức để kiểm tra hoạt động của Facebook và các công ty công nghệ khác.

Nhưng những văn bản luật trên vẫn không mấy khả quan khi áp dụng cho công nghệ trong tương lai. Tháng 12/2017, nhiều nhà vận động làm việc cho các công ty viễn thông đã buộc Hội đồng thông tin Liên bang (Federal Communications Commission) áp dụng lại các quy định bảo vệ quyền truy cập mạng của người dùng.

Vào tháng Giêng, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu tán thành dự luật cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia tiếp tục chương trình giám sát trực tuyến toàn quốc. Những nhà vận động của Google cũng đang nghiên cứu để làm đơn khiếu nại những quy định về cách thức mà các công ty có thể thu thập, lưu trữ dữ liệu sinh trắc học như dấu vân tay, võng mạc và nhận diện khuôn mặt của người dùng.

Phát minh của Berners gần ba thập kỷ về trước giờ đây đang phát triển với một tốc độ chóng mặt khiến không một ai có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Hiện nay, khi một nửa dân số thế giới đã được tiếp cận Internet, càng đẩy chúng ta đến một ngã rẽ mới: liệu con người sẽ tiến đến một xã hội nơi mà hàng loạt tập toàn sẽ theo dõi và thao túng cuộc sống của chúng ta, hay sẽ là một thế giới trực tuyến an toàn, nơi sẽ giúp người dùng tìm ra cách chữa các căn bệnh, vạch trần những tham nhũng và đảo ngược bất công?

Zuckerberg không phát minh ra Facebook để thao túng cuộc bầu cử cũng như Jack Dorsey không tạo ra Twitter nhằm chế giễu ông Donald Trump. Việc cộng đồng mạng phẫn nộ với những gì các tập đoàn lớn gây ra, giúp cho ngày càng có thêm nhiều lập trình viên tham gia với Berners trong nỗ lực phi tập trung hóa các trang web lớn, củng cố thêm lòng tin cho ông về việc họ có thể dành chiến thắng.

Trong một bức thư đăng trên website cá nhân, Berners viết: “ Tôi không phủ nhận việc có nhiều chướng ngại vật rất lớn, nhưng không vì thế mà chúng ta được chùn bước, hãy nhìn nhận chúng như các lỗi trong hệ thống: Bản thân chúng ta đã tạo ra những bản mã, những phần mềm ấy thì chính chúng ta cũng sẽ là người sửa được nó”.

Về bản chất, thế giới world wide web hiện tại vẫn chưa thể được sửa chữa, bởi nỗ lực của Berners và các cộng sự đang gần giống với dã tràng xe cát - nó quá ít ỏi so với hàng trăm ngàn website mới lập ra mỗi ngày. Nhưng nếu việc này được cộng đồng đón nhận, và các hệ thống mới thành lập về sau được phát triển theo mô hình phi tập trung, nỗi lo của cha đẻ Internet sẽ được giải tỏa.

Khi được hỏi những cá nhân không phải là lập trình viên có thể giúp được gì, Berners trả lời: “Bạn không cần phải sở hữu bất kỳ một kỹ năng lập trình nào. Bạn chỉ cần một trái tim để biết đâu là con đường nên đi".

Huỳnh Lộc

Đồ họa: Nhân Lê

Theo Zing