Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đâu là nơi an toàn trên thế giới giữa đại dịch Covid-19?

03/05/2020 10:33

Quỹ đầu tư mạo hiểm Deep Knowledge Ventures (DKV) xếp Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước an toàn nhất trong đại dịch viêm phổi thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mặc dù không tin tưởng vào dữ liệu Trung Quốc công bố, các nhà phân tích của Deep Knowledge Ventures lại cho điểm cao đối với các phản ứng nhanh và khắc nghiệt trong khống chế dịch của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 với 594,91 điểm – xếp sau Bỉ và đứng trên Thái Lan. Thành tích khống chế và kiểm soát dịch của Việt Nam trong hai tuần cuối tháng 4/2020 này sẽ giúp thứ hạng của Việt Nam lên cao trong bảng xếp hạng kế tiếp dự kiến công bố đầu tháng 5 tới.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo công bố hôm 12/4, DKV nói rằng một số quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á lại có nhiều rủi ro nghiêm trọng.

DKV là quỹ đầu tư mạo hiểm ở Hong Kong chuyên nhắm vào lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe và tuổi thọ. DKV từng rao giải thưởng lên đến 1 triệu USD dành cho người đầu tiên trên thế giới sống thọ đến 123 tuổi. Hiện quỹ này đang lượng giá xử lý khủng hoảng dịch viêm phổi Vũ Hán của 150 quốc gia và lãnh thổ trong một dự án vẫn đang tiến triển.

Quỹ Deep Knowledge Ventures xếp Việt Nam hạng 9 trong bảng xếp hạng an toàn trong đại dịch Covid-19 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Graphics: Nikkei Asian Review)

Chống dịch tốt, thu hút đầu tư tốt

DKV tin rằng cách thức các quốc gia phản ứng hôm nay sẽ quyết định quốc gia đó hấp dẫn như một điếm đến về kinh doanh và đầu tư trong tương lai hay không.

“Các nước có thể cung cấp cơ chế bảo vệ lâu dài với công dân họ và duy trì sự ổn định, về mặt nào đó họ sẽ tự động thu hút được các hoạt đông tài chính”, Dmitry Kaminskiy, người sáng lập và đồng điều hành quỹ, nhận định.

Israel đứng đầu trong bảng xếp hạng của DKV, không khác mấy với bảng xếp hạng an toàn trước đây, đạt được 632,32 điểm trên thang điểm 800 nhờ vào các yếu tố như: lãnh thổ nhỏ, hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, sử dụng công nghệ và quân đội mạnh. Bên cạnh đó, trong đợt đánh giá mới nhất vào hôm 12/4, Đức đã từ hạng chín nhảy lên vị trí thứ hai, trong khi Hàn Quốc vọt lên vào top 3 từ vị trí thứ 10.

Các nước từ hạng 4 đến hạng 10 trên bảng xếp hạng toàn cầu đều thuộc vùng châu Á – Thái Bình Dương: Australia, Trung Quốc, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản và Hong Kong.

Các nước khác trong top 10 được khen ngợi bởi khả năng quản lý khủng hoảng, ví dụ như Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Kaminskiy nhấn mạnh rằng: “Khi bạn so sánh với các quốc gia hàng đầu, chúng ta cần đi vào thảo luận những chi tiết, thước đo cụ thể ảnh hưởng đến vị trí của họ”.

Giữa quốc gia đứng đầu là Israel và nước xếp hạng 10 chỉ có 11 điểm cách biệt.

So sánh vị trí thứ 9 của Nhật Bản với Israel, ông Kaminsky giải thích rằng: “Theo ý kiến của các nhà phân tích chúng tôi, Nhật Bản có nền quản trị công kém hiệu quả hơn, nhưng có mức độ chuẩn bị tốt hơn trong điều trị, cấp cứu. Trong khi người Israel lại có những chiến thuật hữu hiệu hơn trong kiểm dịch và phong tỏa”.

Trong bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 với 594,91 điểm – xếp sau Bỉ thứ hạng 19 với 597,52 điểm và đứng trên Thái Lan với 591,45 điểm

Israel luôn giữ vị trí “an toàn nhất thế giới” trong bảng xếp hạng toàn cầu gồm 150 quốc gia của quỹ DKV. (Graphics: Nikkei Asian Review)

Hơn 70 tiêu chí đánh giá

Nổi tiếng với thuật toán sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI), DKV cho điểm các quốc gia dựa vào hơn 70 tiêu chí và dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bảng xếp hạng có các tiêu chí như “hiệu quả kiểm dịch” bao gồm hạn chế đi lại; “hiệu quả quản trị của chính quyền” trong đó năng lực phòng vệ; “phát hiện và giám sát” như khả năng thực hiện xét nghiệm; và “các biện pháp chữa trị khẩn cấp có sẵn sàng không” như số giường bệnh chẳng hạn.

Israel, Đức và Hàn Quốc đã vật lộn với các đợt bùng phát dịch mạnh mẽ. Nhưng Kamminskiy nói “Chúng ta không chỉ xem xét yếu tố các quốc gia đã thành công trong việc giảm thiểu số ca nhiễm bệnh mà còn xét đến câu chuyện là quốc gia đó đã từng bị ảnh hưởng nặng nhưng đã cố gắng khống chế dịch bệnh”.

Ba nước đầu bảng đã ghi nhận hàng ngàn ca nhiều hơn các nước khác, chẳng hạn như New Zealand chỉ có 1.300 ca nhiễm và 5 người tử vong. Nhưng họ cũng ngăn chận số ca tử vong vượt quá mức kiểm soát: Khoảng 100 người tử vong ở Israel, hơn 200 người ở Hàn Quốc và hơn 3.000 ở Đức. Trong khi đó, con số tử vong ở Italy vọt lên đến 20.000 người và chỉ riêng bang New York của Hoa Kỳ đã vượt qua con số 10.000.

Cả ba quốc gia này đã chịu những căng thẳng tinh thần tột độ, và họ đang vượt qua.

Không thể tin hoàn toàn Trung Quốc

Không có quốc gia nào đối mặt với thử thách nhiều như Trung Quốc. Quỹ DKV đã không đưa Trung Quốc vào thống kê trước đó do “có tranh cãi” và “nhiều đồn đoán” về tỷ lệ tử vong thấp của nước này – khoảng 3.000 người trong tổng số 82.000 ca nhiễm bệnh. Nhưng Kaminskiy nói nhóm 10 chuyên gia phân tích của DKV đã nhìn thấy những yếu tố tích cực của Trung Quốc và đưa nước này vào vị trí thứ 5 của bảng xếp hạng.

“Trung Quốc cũng thực hiện các biện pháp kiểm dịch hiệu quả như Israel, đặc biệt là khi chúng ta xét đến quy mô dân số khủng của họ. Bên cạnh đó, họ cũng hiệu quả tương tự như nước Đức trong mảng điều trị. Họ thực sự có khả năng trong điều trị, không chỉ là hỗ trợ máy thở cho bệnh nhân”, Kaminskiy nhận xét.

Ông chỉ ra các biện pháp của Trung Quốc, như hình thành bệnh viện dã chiến, thực hiện truyền huyết tương lấy từ bệnh nhân đã hồi phục, đưa robot vào làm y tế hay chuyện drone nhắc nhở mọi người phải ở nhà. Nhưng ông vẫn e ngại về các yếu tố rủi ro, trong đó có tính minh bạch.

“Chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng vào dữ liệu của Trung Quốc”, Kaminskiy nói.

Số ca nhiễm biến động mạnh

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bảng xếp hạng của DKV cho thấy nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á có mức độ an toàn thấp như Bangladesh, Indonesia và Philippines. Ông nói những quốc gia này sẽ có khả năng “gặp những yếu tố bất lợi” trong những tuần tới, chẳng hạn như Philippines vốn kém về quản trị công.

Các nước ở nhóm giữa gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ.

Theo bảng xếp hạng của quỹ DKV hôm 12/4, Singapore đã bị tụt hạng từ thứ 2 xuống thứ 8 trên bảng xếp hạng toàn cầu bởi số ca bệnh tăng vọt trong hai tuần đầu tháng 4. Nhưng với tốc độ tăng phi mã với gần 1.000 ca trong Chủ Nhật 26/4 và đạt con số 13.624, thứ hạng của Singapore chắc chắn sẽ trượt dài. Trong khi đó, thành tích khống chế dịch tốt của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam có thứ hạng tốt hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Kaminskiy nói Ấn Độ có khoảng 10.000 ca nhiễm và 300 người tử vong thì có thể được xem là “tương đối tốt” khi so sánh với quy mô dân số khổng lồ của họ. Nhưng với biện pháp phong tỏa đầy tham vọng như hiện nay, có điều khó hiểu là quốc gia này chưa bị ảnh hưởng trầm trọng, cho dù tình trạng vệ sinh kém và nguồn lực bị phân tán.

Tình trạng không thể đoán trước dịch bệnh bùng phát thế nào ở Ấn Độ và những nơi khác là lời nhắc nhở rằng “có nhiều điều chúng ta chưa biết về virus corona chủng mới”. Các ảnh hưởng lâu dài với sức khỏe, việc chữa trị và vaccine đều chưa có gì rõ ràng.

Không phải là đại dịch cuối cùng

Nhưng Kaminskiy tin rằng các quốc gia vượt khủng hoảng dịch bệnh sẽ có vũ khí sắc bén về lâu dài.

“Đức và Trung Quốc hiện có vị trí tốt hơn so với các nước khác. Mặt khác, các quốc gia cho thấy họ không thể bảo vệ công dân mình trước sự tấn công của virus và có các cơ chế an toàn lâu dài, họ sẽ không thể chứng minh rằng sẽ giữ được nền kinh tế ổn định”.

Đối với quốc gia có dân số lão hóa nhanh chóng như Nhật Bản, dịch bệnh có thể gây thiệt hại lớn hơn.

“Có một yếu tố khiến Nhật Bản không có vị trí cao”, Kaminskiy nhận định. “Dân số lão hóa sẽ ít có sức kháng cự với bất cứ chủng virus nào. Nhật Bản không chỉ nghĩ đến vượt qua cơn dịch lần này mà còn nghĩ đến chính sách bảo vệ dân số trong những năm sắp tới.

Dịch Covid-19, Kaminskiy nói thêm, sẽ không phải là là đại dịch đầu tiên và cũng không phải là bệnh dịch cuối cùng.

Ricky Hồ (theo TGHN)