Đó là quan điểm của chuyên gia hàng không PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống (Nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) trong bài viết vừa gửi đến Người Đô Thị.
Tôn trọng thông tin đa chiều và để bạn đọc có thêm dữ kiện tiệm cận trở lại bài viết đã đăng trước đó của PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống “Làm sao có nguồn vốn đầu tư rất lớn cho sân bay Long Thành?”, Người Đô Thị trân trọng giới thiệu bài viết này và mong nhận được những trao đổi khác của chuyên gia, nhà quản lý, bạn đọc để rộng đường dư luận về một dự án từng được khuyến cáo “tính toán tài chính cách nào cũng lỗ” là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Xã Suối Trầu (Long Thành, Đồng Nai) đã giải thể, xóa tên để lấy đất xây sân bay Long Thành. Ảnh: Hữu Khoa
PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống |
Ngày 25.6.2015 Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nghị quyết cũng nêu rõ tổng mức đầu tư: khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng tỷ giá 21.000 VND/USD năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích 5.000 ha, quy mô năng suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó giai đoạn 1 xây dựng một đường cất hạ cánh dài 4.000 m, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với năng suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Báo cáo số 45/BC-CP ngày 27.10.2014 của Chính phủ về việc giải trình, bổ sung về Báo cáo dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có Phụ lục cho biết Cảng hàng không quốc tế Long Thành với diện tích quy hoạch 5.000 ha (5 km x 10 km) là một sân bay cấp 4F với cấu hình 4 đường hạ cất cánh (4.000 m x 60 m), dãn cách giữa 2 cặp đường hạ cất cánh 2.570 m đảm bảo tiếp cận hạ cất cánh song song, độc lập… và có khu vực dành riêng cho quân sự (1.000 ha) đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tháng 7.2019) thì giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 112.427 tỷ đồng tương đương 4,81 tỷ USD (tỷ giá 23.370 VND/USD năm 2019), thì có giảm một ít so với so với báo cáo năm 2014 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD, áp dụng tỷ giá 21.000 VND/USD năm 2014).
Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: TL
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất lãng phí khi sử dụng cấu hình 4 đường cất hạ cánh dài 4.000 m.
Cấu hình 4 đường hạ cất cánh (dài 4.000 m) với dãn cách giữa 2 cặp đường hạ cất cánh 2.570 m có tần suất tối đa giờ cao điểm là 120 chuyến/giờ để cho năng suất 100 triệu hành khách/năm.
Cấu hình 2 cặp đường cất hạ cánh này của sân bay Long Thành vừa tốn rất nhiều diện tích đất vừa làm cho đường lăn máy bay giữa nhà ga hành khách với hai đường cất hạ cánh ngoài cùng rất lớn, gây chậm trễ và tốn kém nhiên liệu.
Trong khi dự án sân bay mới Western Sydney ở Úc cũng cấp 4F có cấu hình 2 đường hạ cất cánh (3.700 m x 60 m) với dãn cách giữa 2 cặp đường cất hạ cánh 1.900 m đảm bảo tiếp cận cất hạ cánh song song, độc lập… có tần suất cất hạ cánh tối đa giờ cao điểm là 98 chuyến/giờ với năng suất 82 triệu hành khách/năm.
Chiều dài đường cất hạ cánh 3.700 m bảo đảm cho máy bay code E cất cánh với tầm bay 13.800 km. Chiều dài đường cất cánh cho máy bay Airbus A380-800 là 2900 m và cho máy bay Boeing 747-8 là 3050 m. Trong tương lai, máy bay lớn cần đường cất hạ cánh dài không còn được ưa chuộng nữa.
Tương tự như vậy, dự án mở rộng sân bay Gatwick ở phía Nam London có cấu hình 2 đường cất hạ cánh (3.316 m x 60 m) với dãn cách 1.045 m cũng có tần suất cất hạ cánh tối đa giờ cao điểm là 98 chuyến/giờ với năng suất 95 triệu hành khách/năm, mặc dù chỉ hoạt động 16 giờ/ngày do cấm bay đêm.
Như vậy dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không nên lãng phí với cấu hình 4 đường cất hạ cánh dài 4.000 m và dãn cách 2570 m mà chỉ nên xây dựng 2 đường cất hạ cánh dài 3.700 m với dãn cách 1.900 m để có nhà ga hành khách ở giữa.
Lộ trình thu hồi đất để làm dự án sân bay Long Thành. Nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai. Đồ họa: Tấn Đạt - Tuổi Trẻ
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất lãng phí khi sử dụng 5.000 ha đất cho quy mô năng suất 100 triệu hành khách/năm.
Trong Phụ lục 1 của Báo cáo số 45/BC-CP ngày 27.10.2014 của Chính phủ về việc giải trình, bổ sung về Báo cáo đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thông tin về quy mô các Cảng hàng không quốc tế trên thế giới hiện nay có sử dụng diện tích đất lớn tương tự hoặc lớn hơn diện tích Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được cố tình đưa ra một cách phiến diện nhằm kết luận rằng: “Nhìn chung các Cảng hàng không có năng suất lớn đều có quy mô từ khoảng 4.000 ha đến 10.000 ha, ngoại trừ Cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore).”
Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều sân bay có năng suất lớn mà diện tích nhỏ lại không được Báo cáo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa ra để tham khảo. Cách trình bày một nửa sự thật như thế cũng là không khách quan, không trung thực.
Bảng 1 cho thấy các sân bay có năng suất 70 – 85 triệu khách/năm chỉ có diện tích từ 900 đến 1.800 ha.
So với sân bay Western Sydney ở Úc cũng cấp 4F với diện tích quy hoạch 1.768 ha và năng suất thiết kế 82 triệu hành khách/năm thì sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha, lớn gần gấp 3 lần là quá lãng phí và ảnh hưởng cuộc sống của khoảng 4.730 hộ dân.
Đến nay việc giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 22.900 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với dự toán ban đầu 9.540 tỷ đồng. Nếu giảm diện tích sân bay Long Thành xuống mức 1.800 ha như sân bay Western Sydney thì chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư có thể giảm xuống rất nhiều.
Như thế, với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.800 ha với 2 đường băng cất hạ cánh.
Rừng cao su ở Đồng Nai đã đốn hạ để lấy đất xây sân bay Long Thành. Ảnh: A Lộc
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD) là vốn đầu tư rất lớn và rất lãng phí khi so sánh với các sân bay tương tự trên thế giới.
Chẳng hạn, sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok có mức tổng đầu tư 5 tỷ USD năm 2006 với năng suất 100 triệu hành khách/năm, bình quân 50 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.
Tổng mức đầu tư cho sân bay Long Thành với năng suất 100 triệu hành khách/năm là 16,03 tỷ USD, bình quân 160 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách /năm, đắt gấp 3,2 lần so với sân bay Suvarnabhumi.
Sân bay Western Sydney ở Úc có năng suất 82 triệu hành khách/năm được đầu tư 3,8 tỷ USD (5,3 tỷ AUD) trong 10 năm tới cho giai đoạn 1 với năng suất 40 triệu hành khách/năm, bình quân 95 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.
Mức đầu tư cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành với năng suất 25 triệu hành khách/năm là 4,81 tỷ USD, bình quân 192 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm, đắt gấp 2 lần so với sân bay Western Sydney.
Tóm lại, nếu cần đầu tư xây dựng sân bay Long Thành thì tổng vốn đầu tư phải giảm xuống để tương đương với suất đầu tư của sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok và sân bay Western Sydney ở Úc. Mà việc này đi đôi với việc giảm diện tích sân bay xuống mức 1.800 ha với cấu hình hai đường cất hạ cánh dài 3.700 m.
PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống
(Nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM)
Người Đô Thị.