Làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi đường dài vì tiêu dùng sản phẩm hữu cơ dù có tăng nhưng vẫn còn rất hạn chế
Nhận chứng nhận hữu cơ cả về canh tác, chế biến và nông sản theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU) từ năm 2016, Vinamit chuẩn bị lấy chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc và lên kế hoạch "đánh" mạnh hàng organic vào thị trường này.
Rộng cửa vào Trung Quốc
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết dự kiến chậm nhất là vào tháng 1-2019, chứng nhận hữu cơ do Trung Quốc cấp cho Vinamit sẽ về tới công ty. "Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc là một trong những chứng nhận khó nhất. Chính thị trường tràn ngập thực phẩm bẩn lại đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho sản phẩm hữu cơ" - ông Viên nói.
Theo ông Viên, để được Trung Quốc xét cấp chứng nhận, doanh nghiệp (DN) phải có chứng nhận của USDA, EU. Trên cơ sở đó, phía Trung Quốc liên tục khảo sát, đánh giá… trong vòng 3 năm rồi mới cấp chứng nhận.
"Cũng bởi quy định chặt chẽ này mà ngay ở Trung Quốc, số DN được chứng nhận rất ít. Có chứng nhận, vị thế của Vinamit tại Trung Quốc sẽ thay đổi, đường đi sẽ thênh thang hơn" - ông Viên hào hứng. "Vua trái cây sấy" đang chuẩn bị đưa mít, thanh long, chuối organic (cả tươi và chế biến) sang thị trường này và đặt mục tiêu tăng 50% doanh thu từ đây trong năm 2019.
Năm 2018, thị trường organic Việt Nam xuất hiện nhiều gương mặt mới cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn phân phối. Khá nhiều DN sản xuất gia nhập thị trường. Ở khâu phân phối, bên cạnh các cửa hàng chuyên doanh, hàng loạt siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Lotte Mart, Auchan, AEON, Emart… cũng đưa hàng organic vào quầy kệ, tích cực quảng bá cho nhóm sản phẩm này. Đây cũng là một năm bùng nổ của Vinamit với hàng loạt sản phẩm mới ra đời trên nền tảng công nghệ sấy đông khô. Đầu tiên là cà phê sấy, nước mía sấy rồi nước rau má, nước thơm, mãng cầu, chanh dây… sấy. Nước rau củ hỗn hợp, cà phê + trái cây, nước cam, nước cốt dừa… sấy thì đang trong quá trình thử nghiệm trước khi đưa vào thương mại hóa. "Phần lớn các mặt hàng đang bán cho thị trường nước ngoài, trừ nước mía và mãng cầu có bán trong nước" - ông Viên chia sẻ.
Phải đi đường vòng
Lý do chọn "đánh" thị trường xa là những sản phẩm này phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam và cộng đồng người châu Á trên thế giới. Đến nay, Vinamit đã xuất sang Mỹ gần 20 tấn nước mía, mãng cầu và cà phê tươi sấy. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước có sẵn nguồn trái cây tươi để sử dụng và đại bộ phận chưa sẵn lòng chi trả cho khoản chênh lệch giá giữa sản phẩm sạch, organic và sản phẩm thường.
"Mấy mươi năm trong nghề, tôi rút ra được kinh nghiệm là thực phẩm, trừ những mặt hàng thiết yếu, khó bán ở thị trường trong nước. Vinamit muốn bán được hàng Việt cho người Việt thì phải đi đường vòng: bán ra nước ngoài, nhờ người tiêu dùng ở nước ngoài kiểm chứng, đánh giá chất lượng và quảng bá thương hiệu giùm rồi mới quay lại bán cho khách hàng trong nước. Đó cũng là cách trước đây Vinamit từng làm và thành công" - ông Viên bộc bạch.
Cũng từ quan niệm "đi đường vòng" mà Vinamit đang xây dựng thương hiệu chuỗi cửa tiệm tại Mỹ để trực tiếp tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nước này. Mỗi tiệm sẽ có quy mô nhỏ, vừa vặn để bán các loại nước thân thiện với sức khỏe được làm từ sản phẩm của Vinamit đi kèm với bánh mì và sẽ là nơi bày bán các mặt hàng Vinamit cho khách tự mua về pha uống. "Trong tháng 1-2019 sẽ ra mắt cửa tiệm đầu tiên. Chúng tôi sẽ mở khoảng 10 tiệm, chuẩn hóa hệ thống và tiến hành nhượng quyền. Nếu có người hợp tác, chúng tôi sẽ nhượng quyền mô hình này về Việt Nam" - ông Viên tiết lộ.
Chưa thể sản xuất đại trà
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc làm rất nhiều sản phẩm nhưng sản lượng từng loại không nhiều, độ phủ không lớn, ông Viên cho rằng hữu cơ là bài toán đường dài, không thể làm ẩu. Cụ thể, với dòng sản phẩm tươi sống, tất cả rau củ organic của công ty đều được trồng ở trang trại chính tại Bình Dương nên chưa thể tăng sản lượng nhanh. Sản phẩm sấy thì do công nghệ mới, mất nhiều thời gian để ra sản phẩm nên hạn chế số lượng.
Bên cạnh đó là yếu tố thị trường. "Chúng tôi phải vừa làm vừa theo dõi thị trường. Nhất là tại thị trường nội địa, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ dù có tăng nhưng vẫn còn rất hạn chế nên chưa thể sản xuất đại trà" - ông Viên bộc bạch.
Theo Người Lao Động