"Bố nói với mình: Kể cả khi mọi người đi hết và mình là người cuối cùng trụ lại thì con vẫn phải làm bằng được." - Cô con gái Ngọc Mỹ kể về lời dạy của bố.
Nhiều người biết đến ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Alphanam trong hình ảnh một doanh nhân bất động sản – xây dựng với nhiều dự án ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Con trai ông là Nguyễn Minh Nhật và con gái Nguyễn Ngọc Mỹ đều nổi tiếng, không phải vì họ là thiếu gia, tiểu thư nhà giàu với ngoại hình xinh đẹp mà còn vì tài năng và trí tuệ nổi bật.
Nhưng một đại gia như ông Hải dạy con như thế nào để có được thành tựu như thế? Trong một bài phỏng vấn mới đây, Nguyễn Ngọc Mỹ đã chia sẻ về sự "huấn luyện" mà bố dành cho cô.
Ngọc Mỹ cho biết, ông Hải luôn nhắc nhở: "Dù con làm gì, ở đâu thì cũng phải làm lãnh đạo".
Chính vì thế, khi phải thường xuyên chuyển trường (ở Việt Nam cũng như ở Mỹ), Ngọc Mỹ luôn biết thích nghi và trở nên nổi bật nhanh chóng trong môi trường mới.
Mùa hè đầu tiên khi đi du học, Ngọc Mỹ về Việt Nam chơi và được bố cho đi cùng chuyến xuyên Việt để xây dựng hệ thống đại lý sơn trên toàn quốc. Đích thân ông Nguyễn Tuấn Hải đi khắp nơi để phỏng vấn tuyển dụng, xây dựng bộ máy.
Ngồi cùng và chứng kiến bố phỏng vấn nhân sự, thuyết phục đối tác tham gia hệ thống đại lý sơn với Alphanam, Ngọc Mỹ nhận thức được sự khác biệt rất lớn với môi trường học hành và "cảm thấy được bước ra khỏi bong bóng trong cuộc sống của mình".
Những mùa hè sau đó, mỗi khi về Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Hải đều đưa con gái đi tham dự các sự kiện hoặc hoạt động của Alphanam. Từ những trải nghiệm này, dù còn đi học, Ngọc Mỹ đã ý thức rất rõ về trách nhiệm của một đứa con sinh ra trong gia đình có điều kiện.
"Mỗi lần về, bố lại bảo ‘mỗi năm đi học con tiêu hết của bố một cái nhà máy’ thì tự nhiên mình cảm thấy phải có trách nhiệm. Đúng là để cho mình được đi học với điều kiện như vậy, ở Việt Nam, bố và rất nhiều người Alphanam đã phải làm việc vất vả như thế nào!".
Năm 20 tuổi, khi vẫn còn trên ghế giảng đường của Đại học Boston, Ngọc Mỹ nhận lời khuyên của ông Nguyễn Tuấn Hải trở thành đồng sáng lập một công ty tư vấn thiết kế có tên S-Design cùng với một doanh nhân khác và Salvador Perez Arroyo - kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Tây Ban Nha.
Khi quyết định trở thành đồng sáng lập S-Design, Ngọc Mỹ đơn giản nghĩ là bố đem lại cho mình một cơ hội để thử thách bản thân chứ không nghĩ đó là một định hướng chiến lược cho con gái sau này.
Để có thể điều hành một công ty tư vấn thiết kế, Ngọc Mỹ phải ghi danh theo học nhiều lớp liên quan đến kiến trúc và mỹ thuật. Trong vòng 6 tháng, tiểu thư nhà Alphanam đã biết cách viết các email đúng chuẩn chuyên ngành và có góc nhìn khi nhận xét về bản vẽ của các kiến trúc sư trong công ty…
Kết thúc việc học ở Mỹ, cô gái nhà Alphanam về nước, đồng thời cũng rời S-Design và nộp đơn vào làm việc tại Savills một thời gian vì muốn làm về bất động sản. Sau đó, khi rời Savills, Ngọc Mỹ bắt đầu góp ý qua các email với những kế hoạch của gia đình cho siêu thị thực phẩm 79 Market, 79 Wine and Spirits và nhà hàng 1915 Indochine. Sau vài lần góp ý, Ngọc Mỹ nhận được một email phản hồi từ bố mình với nội dung đại ý là: nếu muốn tạo thay đổi thì phải đến công ty làm.
2 tháng làm việc trực tiếp tại công ty gia đình, Ngọc Mỹ đề nghị thay toàn bộ team marketing và được bố đồng ý. Thời điểm dựng lại đội ngũ chỉ cách ngày khai trương nhà hàng một tháng khiến cô gặp nhiều "trải nghiệm nóng". Tuy nhiên, chính những kinh nghiệm đó khiến Ngọc Mỹ có lòng tin vào bản thân khi phải xây đội ngũ từ đầu. "Bố nói với mình: kể cả khi mọi người đi hết và mình là người cuối cùng trụ lại thì con vẫn phải làm bằng được."
Ngọc Mỹ chia sẻ: "Bây giờ, khi nhìn lại những việc bố nói mình làm, hoá ra bố đã có chủ ý dạy mình làm bất động sản từ khi còn đang học ở Mỹ với các bước rất bài bản".
Trong rất nhiều bài học mà bố dạy 2 anh em, đúc kết lại có cụm từ quan trọng nhất là ‘phải đối mặt’. Bài học mà bố luôn nhắc đi nhắc lại là: cái gì mình cũng phải đối mặt thôi".
Theo Ngọc Mỹ, ai muốn thành công đều phải đối mặt với nỗi sợ hãi của của chính mình, đối mặt với khó khăn ngoại cảnh, đối mặt với những người không thích mình, đối mặt với những hoàn cảnh khó xử trong xã hội, đối mặt với mất mát trong cuộc sống, công việc… "mà cuối cùng mình đều phải vượt qua".
Ở nhà, ông Nguyễn Tuấn Hải dạy con hiểu về khó khăn bằng việc thách thức Ngọc Mỹ từ những chuyện nhỏ lúc còn đi học. "Khi về kể với bố là con không thích bạn này hoặc bạn kia không thích con thì bố bảo: ‘Con phải làm thế nào để vẫn chơi được với bạn đó mới giỏi. Ai chả làm được cái mình thích, chỉ có người giỏi mới làm được cái mình không thích’. Những thách thức như vậy cứ theo mình đến lớn và giúp mình quen với nó", Ngọc Mỹ nói.