Đây mới chính là kỹ năng lãnh đạo quan trọng mà bất cứ Sếp nào cũng phải có.

10/12/2018 10:26

Một số công ty tại Mỹ tin rằng sự đồng cảm rất quan trọng đến nỗi họ gửi các nhà quản lý của mình được đi "đào tạo" về kỹ năng này

Theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Development Dimensions International (DDI), thấu cảm là kỹ năng lãnh đạo cần có nhất hiện nay. Theo Richard S. Wellins, phó chủ tịch cấp cao của DDI, khả năng lắng nghe và trả lời với sự đồng cảm là một kỹ năng tương tác vượt trội hơn tất cả các kỹ năng khác. Dianne Crampton tại Đại học Gonzaga nhận thấy rằng kỹ năng thấu cảm còn là một giá trị nhóm phổ quát, thúc đẩy sự cam kết và hợp tác cao tại nơi làm việc.

Dưới đây là năm lý do khiến sự đồng cảm đang trở thành kỹ năng lãnh đạo số một:

1. Nhân viên của bạn sẽ trung thành hơn

Một trong những vấn đề nhân sự mà mọi tổ chức phải đối mặt là giữ chân nhân viên tài năng. Một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến việc hiền tài rời khỏi một tổ chức là do thiếu tin tưởng và đánh giá cao từ cấp quản lý. Sự đồng cảm làm tăng lòng tin, một cảm giác khiến nhân viên được coi trọng và quan tâm. Cho dù trong các mối quan hệ cá nhân hoặc quan hệ công việc, nhân viên sẽ có nhiều khả năng ở lại với tổ chức khi họ cảm thấy bản thân được lắng nghe, được đánh giá cao và quan tâm nhiều hơn.

2. Nhân viên của bạn sẽ gắn kết hơn

Bạn có bao giờ nhận thấy rằng khi ai đó thân với bạn nhận ra cảm xúc của bạn cũng như đánh giá cao những gì bạn đang làm cho họ? Bạn tự động có sự thôi thúc để làm nhiều điều hơn cho họ. Về phương diện gắn kết của nhân viên, khi biết rằng người lãnh đạo quan tâm đến nhân viên, nhân viên sẽ phản ứng "cho đi và nhận lại" và họ sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để phấn đấu cho tổ chức. Rất nhiều tổ chức đã bỏ lỡ điều cơ bản, nhưng rất quan trọng này khi đề cập đến các hành vi lãnh đạo. Các tổ chức thành công nhận thức được điều này và các nhà lãnh đạo của họ liên tục tìm cách để thông báo, khen ngợi và tìm cách thể hiện sự đánh giá cao của họ đối với nhân viên cấp dưới của mình.

3. Nhân viên của bạn sẽ làm việc tốt hơn với nhau

Không chỉ những nhân viên cảm thấy có giá trị và được đánh giá cao muốn cống hiến nhiều hơn trong công việc của bản thân, họ còn muốn giúp đỡ nhiều hơn đối với đồng nghiệp của mình. Khi sự đồng cảm được thể hiện ở phía trên (nhóm quản lý, lãnh đạo), nó sẽ được truyền dẫn đến mọi nhân viên trong tổ chức, làm gia tăng tinh thần đồng đội, giảm xung đột giữa con người với nhau và giảm sự gián đoạn nơi làm việc. Sự hợp tác này sẽ dẫn đến nỗ lực phối hợp tốt hơn và tăng năng suất trong công việc

4. Nhân viên của bạn sẽ hạnh phúc hơn

Nhân viên cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao sẽ cảm thấy hài lòng hơn với công việc của họ và kết quả là họ sẽ "siêng năng" làm việc hơn. Khi mức độ hài lòng của công việc tăng lên, mức độ vắng mặt cũng vậy. Nhân viên cảm thấy ít cam kết với tổ chức sẽ cảm thấy ít động lực hơn để làm việc. Những nhân viên này thường có suy nghĩ vì không ai quan tâm, vậy tại sao họ phải cố gắng? Sự vắng trong công việc sẽ khiến những nhân viên này càng lúc càng "chán nản, mất nhuệ khí" nhất là khi đồng nghiệp phải "đón nhận" sự chậm chạp trong công việc và trở nên bực bội. Điều này có thể tạo ra một vòng xoắn ốc đi xuống về tinh thần của nhân viên và tỷ lệ vắng mặt tại nơi làm việc.

5. Mọi người sẽ sáng tạo hơn

Những người nhận thức được họ là một phần không thể thiếu của tổ chức và cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao có xu hướng mạo hiểm nhiều hơn và tìm ra cách để tạo ra giá trị gia tăng cho tổ chức. Họ có nhiều khả năng phát huy thời gian và năng lượng của bản thân để tìm ra những ý tưởng, quy trình và phương pháp mới để cải thiện công việc của chính họ và đưa tổ chức tiến về phía trước. Cam kết của họ đối với tổ chức khiến họ cảm thấy rằng thành công của họ và của tổ chức có mối quan hệ mật thiết với nhau, do họ thúc đẩy mong muốn tìm ra những cách làm việc mới, tốt hơn và hiệu quả hơn.

Ý Nhi/Theo Fast Company