Sinh nhật 10 tuổi Winmart

ĐBQH lo dự án cao tốc 'xây đi, xây lại xây hoài không xong'

15/08/2019 19:54

Tiến độ thực hiện loạt dự án từ đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, tuyến tránh TP Long Xuyên đến cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị là một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) chất vấn.

Tiến độ thực hiện loạt dự án từ đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, tuyến tránh TP Long Xuyên đến cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị là một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) chất vấn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) dành trọn ngày 15/8 để chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Bổ sung hơn 2.000 tỷ đồng cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

“Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về cam kết giải pháp đảm bảo tiến độ của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sắp tới như thế nào vì hiện nay ngoài chi vốn ngân sách bổ sung, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về vay vốn ở ngân hàng?”, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) chất vấn.

Thừa nhận dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai đã 10 năm đến nay tiến độ vẫn chậm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, vừa qua Chính phủ đã bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà đầu tư điều chỉnh dự án, cộng với 3.000 tỷ đồng nhà đầu tư hiện đã bỏ vào và khoản vốn bổ sung của các tổ chức tín dụng thì dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe và sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2021.

Với dự án cầu Mỹ Thuận 2, hiện QH đã bố trí 5.100 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng đã làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. “Theo kế hoạch quý I năm 2020 sẽ khởi công dự án này”, ông Nguyễn Văn Thể nói.

Với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, vẫn chưa mở thầu vì Thủ tướng vẫn chưa có quyết định chính thức bổ sung vốn cho dự án này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thể, từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu đồng thời làm việc với tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long để cố gắng nhanh nhất và sớm nhất thông tuyến đường này.

Không hài lòng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu (ĐBQH đoàn An Giang) cho rằng, từ nay đến thời điểm Bộ trưởng khẳng định sẽ thông tuyến, đưa vào khai thác chỉ còn 16 tháng là rất ngắn, trong khi công việc phải triển khai còn rất bề bộn.

Ông Nguyễn Văn Giàu còn đề cập tuyến đường tránh TP Long Xuyên đã được 2 nhiệm kỳ Thủ tướng rất quan tâm nhưng đến nay chưa khởi công được. “Những việc này tôi rất lo lắng và muốn đặt câu hỏi là chúng ta có giải pháp gì hay có khó khăn gì cần báo cáo trước QH để hỗ trợ Chính phủ, Bộ trưởng hoàn thành các công việc này”, ông Nguyễn Văn Giàu nêu.

Quan điểm của Chính phủ khi làm cao tốc Bắc - Nam?

Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, Thủ tướng đã chỉ đạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã hứa là chỉ đạo các ngân hàng thương mại bằng mọi cách cung cấp vốn cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 đã có vốn.

“Đáng quan ngại nhất là đoạn từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, thời điểm này vẫn chưa mở thầu. Hiện Bộ đang chờ Chính phủ chính thức bố trí 932 tỷ đồng để mở thầu. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ cố gắng mở thầu tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ. Chắc chắn đầu năm 2020, chúng ta sử dụng 932 tỷ đồng cho các tỉnh giải phóng mặt bằng, đồng thời nhà đầu tư được lựa chọn sẽ thiết kế và tổ chức thi công”, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Còn dự án tuyến tránh TP Long Xuyên, Tư lệnh ngành GTVT cũng khẳng định sẽ triển khai trong năm 2020 và cố gắng năm 2022 thì xong.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Văn Giàu dẫn câu thơ mà ông đọc được trên mạng là: “Ví dầu cao tốc miền Tây, xây đi xây lại xây hoài không xong”. “Tôi thấy quyết tâm của Bộ GTVT và chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng tôi mừng lắm. Tuy nhiên, tôi nhắc lại câu này “thấm” vào nhiều người”, ông nói.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chất vấn về vấn đề đang được cử tri quan tâm nhất là thực hiện tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết quan điểm chính thức của Chính phủ trước những vấn đề dư luận đặt ra.

Trả lời, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ triển khai dự án này dựa trên 3 nguyên tắc: Thứ nhất là thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra; Thứ hai là công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; Thứ ba, đây là dự án tác động lớn đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nên cần quan tâm đặc biệt.

"Đây là dự án có ý nghĩa kinh tế nhưng phải đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc", ông Nguyễn Văn Thể nói.

“Truy” trách nhiệm 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn “khủng”

Quan tâm đến việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA, ĐBQH Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Theo ĐB, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều chậm tiến độ, “đội vốn” dự kiến khoảng 80.000 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

ĐB hỏi, nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý điều hành, sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian qua và giải pháp thời gian tới. Câu hỏi này cũng gửi đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước 1/7/2018, chức năng quản lý Nhà nước về ODA thuộc Bộ KH&ĐT. Sau khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính cũng chỉ là đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định.

Còn nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ trưởng là do giao dự toán chậm, giao kế hoạch cũng chậm. Quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án, hay những vấn đề nội tại như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng… làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

“Liên quan đến dự án chậm tiến độ, “đội vốn”… trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó là trách nhiệm các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án. Chúng tôi có tham gia nên có trách nhiệm liên quan”, Tư lệnh ngành Tài chính nói.

“Chia lửa”, theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam lần đầu tiên thực hiện dự án đường sắt đô thị nên kinh nghiệm, năng lực từ tư vấn đến quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Nguyên tắc sử dụng nguồn ODA là thu hút công nghệ, kinh nghiệm của quốc tế nên các nhà thầu, tư vấn của quốc tế lập dự án và các cơ quan của ta xem xét phê duyệt. Nhưng chúng ta không lường hết được từ khâu đầu đến khâu cuối dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn.

Vì vậy, đã phải điều chỉnh tăng vốn rất lớn. Bộ trưởng dẫn chiếu như tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP Hồ Chí Minh đã tăng khoảng 30 nghìn tỷ đồng hay dự án của Hà Nội tăng khoảng 40-50 nghìn tỷ đồng.

“Chúng ta tính chưa hết, tính chưa đầy đủ, nhưng chưa triển khai nên đội vốn cũng ở chừng mực thôi. Tất nhiên, càng kéo dài chi phí càng phát sinh là đúng rồi”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, từ điều chỉnh vốn kéo đến 4 hệ lụy phải xử lý là: Nguồn vốn ở đâu? Thẩm quyền phê duyệt dự án? Vốn đã tính vào kế hoạch trung hạn chưa? Khả năng cấp phát và vay lại của địa phương thế nào? Tuy nhiên, ông khẳng định, đến nay, các dự án đường sắt đô thị đã đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện, chỉ còn chờ TP Hồ Chí Minh phê duyệt lại các quyết định điều chỉnh.

Hương Giang