Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Đế chế' Benthanh Group giàu có đến mức nào?

04/09/2019 23:39

Các thành viên của Benthanh Group sở hữu một loạt bất động sản có giá trị lớn tại trung tâm Sài Gòn. Thế nhưng, có rất ít thông tin về Benthanh Group, đặc biệt là tài sản thực của Tổng công ty này có thể khổng lồ hơn rất nhiều so với con số mà Benthanh Group công bố trên báo cáo riêng lẻ.

Đế chế Benthanh Group

Thành lập vào tháng 12/1997, Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group) vẫn là một cái tên kín tiếng hàng đầu trong số các doanh nghiệp nhà nước của TP HCM.

Sau 22 năm hoạt động, "đế chế" đang đầu tư vốn và tham gia quản lí tại 32 doanh nghiệp thành viên tại 4 lĩnh vực gồm dịch vụ bất động sản, dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại và sản xuất công nghiệp.

Ở lĩnh vực bất động sản, Benthanh Group cho biết hệ thống Tổng Công ty hiện đang kinh doanh 76.460m2 văn phòng, 298 căn hộ dịch vụ hạng A với tổng diện tích 28.995m2, 120.994m2 sàn thương mại, 273.402m2 hạ tầng khu công nghiệp.

Một số cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này như Somerset Chancellor Court Ho Chi Minh City, Norfolk Mansion, toà nhà văn phòng HanNam, trung tâm thương mại Savico Megamall Hà Nội, Lam Sơn Square Vũng Tàu, Khu Công nghiệp Bình Chiểu, toà nhà văn phòng 27 Nguyễn Trung Trực, quận 1,…

Lĩnh vực dịch vụ du lịch, Benthanh Group cho hay đã đầu tư vào hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng trải dài từ Bắc Trung Bộ vào Nam gồm 25 khách sạn và resort với 2.337 phòng, được quản lí bởi các tập đoàn lớn trên thế giới như Accor, Marriott, Norfolk Group, Centara.

khach-san-renaissance-riverside-saigon

Renaissance Riverside Hotel Saigon - một trong những khách sạn trong hệ thống của Benthanh Group

Các đơn vị thành viên trong lĩnh vực dịch vụ du lịch của Benthanh Group gồm những cái tên tầm cỡ như Sofitel Saigon Plaza, Renaissance Riverside Hotel Saigon, Norfolk Hotel, BenThanh Tourist, Muine Bay, Saigon Quang Binh Hotel, Saigon Ninhchu Hotel & Resort, Saigon Muine, Maxim's Club, Tháng Mười Hotel & Resort…

Ngoài ra, hệ thống trung tâm hội nghị tiệc cưới, nhà hàng tại TP. HCM và các tỉnh thành khác của Tổng Công ty có khả năng phục vụ đến hơn 12.200 khách.

Hàng loạt bất động sản giá trị thuộc quản lí của các thành viên

Bên cạnh một số thành viên hoạt động kinh doanh bất động sản của bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh doanh nhà Bến Thành (Coresco), Như Ngọc Corporation, Titco, Bến Thành House thì các thành viên khác của Benthanh Group cũng sở hữu rất nhiều bất động sản giá trị ngay trung tâm Sài Gòn.

Hiện Benthanh Group là cổ đông lớn nhất sở hữu 41,39% cổ phần Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Bến Thành (Benthanh TSC- Mã: BTT) – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại những trung tâm kinh doanh lớn như Chợ Bến Thành, Chợ Dân Sinh…

Dịch vụ Bến Thành cũng chính là đơn vị sở hữu một loạt toà nhà văn phòng cho thuê tại trung tâm Quận 1 như Tòa nhà 36-38 Nguyễn Cư Trinh, Tòa nhà 28A Lê Lợi, Tòa nhà 90-92 Đinh Tiên Hoàng, Tòa nhà 186-188 Lê Thánh Tôn, Tòa nhà 25 Trương Định, Tòa nhà 208-210 Lê Thánh Tôn, Tòa nhà 2-4 Lưu Văn Lang, Tòa nhà 361 Trần Hưng Đạo và Tòa nhà 289 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.

Benthanh Group hiện cũng đang sở hữu 20,86% cổ phần tại CTCP Thương mại Phú Nhuận (PNCo), doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1992 đang sở hữu một loạt các nhà hàng, bất động sản giá trị tại quận Phú Nhuận như:

Nhà hàng Hoa Viên Tri Kỷ số 123 Hồng Hà, Trung tâm tiệc cưới hội nghị Phú Nhuận Plaza - Cao ốc văn phòng cho thuê Phú Nhuận Plaza tại số 82 Trần Huy Liệu, Nhà hàng Tiệc cưới Hội nghị Phú Nhuận tại số 124 Phan Đăng Lưu. Ngoài ra, PNCo còn hợp tác với Novaland triển khai dự án Orchard Garden tại khu đất số 128 Hồng Hà và dự án Newton Residence tại số 38 Trương Quốc Dung.

Tại CTCP Dịch vụ Bến Thành (BSC), Benthanh Group sở hữu 47,11% vốn tại đơn vị hoạt trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, các sạp chợ đầu mối như chợ Tam Bình, chợ Bình Điền. BSC còn có một kho bãi cho thuê với diện tích 5.000 m2 trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, ngay cạnh Cảng Sài Gòn.

Ngoài ra, Benthanh Group cũng là đơn vị quản lí và kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu Hóc Môn.

02

Sofitel Saigon & Central Plaza (nguồn: Siamp)

Ở lĩnh vực dịch vụ và thương mại, Benthanh Group đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 40,81% cổ phần tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico – Mã: SVC) - nhà phân phối ô tô chiếm 10% thị phần tại Việt Nam với 43 đại lí phân phối ô tô 2S và 3S trên toàn quốc của các thương hiệu như Toyota, Ford, Hyundai, Honda, Volvo, Mitsubishi, Chevrolet,…

Một công ty khác trong lĩnh vực thương mại là Công ty Vàng bạc đá quý Bến Thành (BTJ), tiền thân là Cửa Hàng Kinh Doanh Vàng Bạc Quận 1, được thành lập năm 1987. Năm 2016, sau khi hợp tác với Mekong Capital, BTJ cho ra đời thương hiệu Precita tạo được sức hút đáng kể trên thị trường nữ trang.

Ở lĩnh vực sản xuất công nghệp, Benthanh Group đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Công nghiệp & Thương mại Lidovit - doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ốc vít, ren, trục và liên doanh với tập đoàn sản xuất nhôm định hình lớn nhất thế giới Sapa AB (Nauy) để sản xuất nhôm định hình cao cấp.

Bí ẩn tình hình tài sản

Mặc dù là đơn vị có khối tài sản khổng lồ nằm trong danh sách 93 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trước năm 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng mới đây, nhưng đến nay, tình hình tài sản của Benthanh Group vẫn là một ẩn số.

Theo qui định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp phải xây dựng báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng và báo cáo tài chính năm trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán).

Đồng thời, doanh nghiệp phải gửi các báo cáo này đến cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố theo quy định.

Tuy nhiên, thông tin của Benthanh Group công bố trên website https://benthanhgroup.com cũng như công bố tại http://dnnn.hochiminhcity.gov.vn và http://business.gov.vn đều chỉ có duy nhất BCTC riêng của Công ty mẹ mà không bao gồm BCTC hợp nhất.

Theo đó, báo cáo riêng lẻ của Benthanh Group không thể hiện đúng quy mô và tình hình tài sản nhà nước đang được Tổng công ty quản lí do việc hạch toán theo phương pháp giá gốc trên báo cáo tài chính công ty mẹ.

Tại ngày 31/12/2018, vốn điều lệ của công ty mẹ Benthanh Group đạt 1.936 tỉ đồng, tổng tài sản của Công ty mẹ chỉ ở mức 3.237 tỉ đồng. Trong đó, tổng giá trị đầu tư vào liên doanh liên kết tính theo giá gốc chỉ là 1.198.

Cũng theo BCTC riêng, năm ngoái, công ty mẹ Benthanh Group ghi nhận doanh thu thuần 385 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 166 tỉ đồng, chủ yếu là cổ tức được chia là quá nhỏ bé so với quy mô thực sự của Benthanh Group.

Báo cáo riêng 6 tháng đầu năm 2019 chưa kiểm toán của Benthanh Group công bố, doanh thu giảm mạnh từ 234 tỉ xuống còn 52 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 46 tỉ đồng, chưa bằng 1/2 cùng kì năm trước.

Trong khi đó, tại cuộc họp tổng kết năm 2018, Tổng Công ty Bến Thành cho biết doanh thu toàn hệ thống đạt 22.569 tỉ đồng, tăng hơn 11% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống đạt 1.011 tỉ đồng, tăng gần 6% so với năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Benthanh Group cho biết doanh thu toàn hệ thống ước đạt 12.044  tỉ đồng, tăng 21,2% so với cùng kì năm 2018; Lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống ước đạt 537 tỉ đồng, tăng 2,5% so với cùng kì năm 2018.

Ngoài ra, Benthanh Group như đã nói ở trên là chưa từng công bố BCTC hợp nhất kèm thông tin về tài sản. Câu hỏi vì sao, người viết đã cố gắng liên hệ nhưng vẫn không có được câu phản hồi.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế thì việc công khai BCTC là tất yếu để đảm bảo tính minh bạch tại các doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đó, không chỉ các cơ quan quản lí vốn nhà nước mà để cho công chúng cũng có thể giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong khối này, qua đó có thể giúp hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà cho đến nay vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp chưa chịu thực hiện đúng công bố thông tin, mặc dù quy định đã có từ lâu.

Theo Vietnambiz.

Bạn đang đọc bài viết "'Đế chế' Benthanh Group giàu có đến mức nào?" tại chuyên mục Bất động sản.