Để start up Việt vươn ra toàn cầu, Bộ trưởng Bộ TT-TT đề nghị Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 29/11.
Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp trẻ có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư đưa ra đề xuất, sáng kiến, giải pháp đóng góp cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và hỗ trợ hiệu quả cho thanh niên khởi nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nói về start up chính là nói về những cái mới, bắt buộc phải có cách tiếp cận mới.
“Chúng ta có hàng chục ngàn công ty vừa và lớn có từ 1000 người trở lên. Những doanh nghiệp này phải chính là những doanh nghiệp đầu tư vào start up. Điều này không chỉ tốt cho start up mà còn tốt cho chính họ, làm cho họ sáng tạo hơn và tạo ra không gian mới.
Chúng ta nói đến start up không chỉ ở Việt Nam mà cần dần vươn ra toàn cầu. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.
Trước đó, ngay từ năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam và coi đây là 1 nội dung đáng chú ý trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục từ năm học 2016-2017.
Ở một góc nhìn khác, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley lại cho rằng Việt Nam cần phải giải quyết nhanh các thủ tục để không bị tuột mất các nhà đầu tư “thiên thần”.
"Chúng tôi đã kêu gọi những nguồn quỹ trị giá 30 triệu USD, có rất nhiều nhà đầu tư có thể xác nhận, thông qua số tiền như vậy. Nhưng quay về với Việt nam, tôi đã thử làm với tập đoàn Lotte. Giai đoạn đầu tiên chỉ là 200.000 USD, nhưng bây giờ đã quyết định đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 triệu USD. Nhưng có một việc khó là xin giấy phép từ cả Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng", bà Thạch Lê Anh cho biết.
Còn theo ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sau 2 năm phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp, đã có nhiều chương trình, cuộc thi nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó khó khăn lớn nhất tập trung vào vấn đề chính sách ưu đãi, vốn, đầu tư…
Anh Phan Anh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nêu ý kiến: “Chính sách vay vốn, ưu tiên cho các doanh nghiệp sẽ tạo ra các cơ hội về thị trường, định hướng thị trường. Chúng ta có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp đầu tư FDI hoặc các doanh nghiệp lớn ở đây. Những sản phẩm sản xuất trong nước tốt nhưng vẫn nhập khẩu thì nhà nước cũng nên có định hướng để đặt hàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để họ đầu tư vào các lĩnh vực đó, đáp ứng nhu cầu trong nước”.
Các đại biểu trẻ cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn để nhận đầu tư, nhưng điều mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần là vốn và môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết khâu đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, quy trình về đấu thầu, đầu tư rất chặt chẽ trong việc kiểm tra về tài chính, kinh nghiệm, nếu áp dụng các quy trình đó đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp rào cản rất lớn./.
Theo N.T
VOV