Trước thông tin về việc Bộ TT&TT vừa đề xuất gỡ bỏ quy định vốn gây nhiều khó khăn và phiền phức này, nhiều người dùng cho biết, giá mà có đề xuất này sớm thì sẽ đỡ hơn rất nhiều cho người dân.
Vừa qua, Bộ TT&TT đã có tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Một trong những điểm mới của dự thảo này là chủ thuê bao di động không cần phải chụp ảnh chân dung để xác định là thuê bao chính chủ.
Như vậy, khi kí kết hợp đồng dịch vụ với nhà mạng, người dùng di động chỉ cần xuất trình cho nhà mạng các giấy tờ tùy thân, bao gồm bản chính hộ chiếu, thẻ căn cước hoặc chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng là đủ.
Thông tin thuê bao mới sẽ bao gồm số thuê bao, thông tin trên giấy tờ tùy thân, bản số hóa các giấy tờ tùy thân, hình thức thanh toán giá cước (trả trước, trả sau), ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ và ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ.
Các nhà mạng đông nghịt người dân đến đăng ký ảnh thông tin thuê bao chính chủ vào tháng 4 vừa qua khiến người dân mệt mỏi.
Trước đó, vào tháng 4/2018, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tính xác thực của thông tin thuê bao, bao gồm cả ảnh cá nhân và chứng minh thư theo quy định của Nghị định 49.
Với người dùng di động, nếu không cập nhật ảnh chụp chân dung sau ngày 24/4, các chủ thuê bao này sẽ phải đối mặt với việc cắt liên lạc 1 chiều hay thậm chí là ngừng cung cấp dịch vụ.
Đại diện Cục Viễn thông thời điểm đó cũng cho biết, việc nộp ảnh chân dung cá nhân của chủ thuê bao di động là hành động cần thiết nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và quyền lợi chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian ngắn áp dụng với những bất cập xảy ra, quy định này có thể sẽ bị bãi bỏ nếu Nghị định mới được thông qua và chính thức có hiệu lực.
Từng mất nhiều lần đi lại để bổ sung thông tin và chụp ảnh chân dung tại một điểm giao dịch của nhà mạng Viettel trên đường Hoàng Quốc Việt, bà Mai Thu Lan (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết: “Tôi rất bất ngờ vì đến bây giờ mới có đề xuất này. Trước đây dù có nhiều phản ánh từ báo chí và người dân nhưng các cơ quan hữu quan không hiểu vì sao không sớm xem xét mà bây giờ mới đề xuất. Là người dùng, tôi cũng đã lớn tuổi lại không am hiểu gì về công nghệ thông tin, tôi sử dụng đầu số của mình cũng lâu rồi, bỏ thì tiếc vì người già chỉ cần quan trọng liên lạc được nên cố nhờ mấy đứa cháu đưa đi. Nhưng mấy lần đến đều đông quá, các cháu lại bận nên lại đi về, mấy lần đều không được. Vất vả mãi tôi mới đăng ký được cập nhật ảnh chính chủ”.
Nhiều người phải ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt.
Trong khi đó, với những người trẻ tuổi hơn so với bà Lan, đang sở hữu những số điện thoại dùng cho công việc thì việc cập nhật ảnh cho thuê bao chính chủ là quá bất tiện bởi nhu cầu người dân là quá lớn. Trong khi từ các điểm giao dịch đến các App hỗ trợ đều treo khiến họ mất quá nhiều thời gian.
“Còn nhớ cách đây mấy tháng, tôi phải xin nghỉ để đi đăng ký ảnh chân dung cho thuê bao mấy lần không được. Đăng ký trên App cũng không được. Trong khi không đăng ký thì có khả năng bị khóa thuê bao khiến tôi sốt sình sịch. Quá tải, xếp hàng đông nghịt đến tối vẫn chưa được làm khiến tôi thực sự nản. Giá mà đề xuất bỏ từ sớm thì đỡ vất vả bao nhiêu cho người dân như tôi”, chị Phạm Quỳnh Trang (Giảng Võ, Cát Linh, Hà Nội) chia sẻ.
Trong khi đó, với nhiều người đang sử dụng trên 1 thuê bao thì còn gặp nhiều phiền phức hơn nhiều. Anh Nguyễn Đăng Dũng (Khâm Thiên, Thổ Quan), hiện sử dụng tới 3 thuê bao khác nhau của 3 nhà mạng, trong đợt đi đăng ký cập nhật ảnh chân dung vừa rồi, dù rất cố gắng anh chỉ có thời gian đi đăng ký 2 số thuê bao, còn 1 số thuê bao xác định “mất thì thôi”. Tuy nhiên, với đề xuất mới của Bộ TT&TT, anh Dũng vui mừng vì không bị khóa số.
Nhiều người lớn tuổi gặp nhiều vất vả trong việc cập nhật ảnh chính chủ cho thuê bao.
“Nhớ lại đợt phải đi xếp hàng cả giờ đồng hồ vẫn chưa đến lượt vừa qua ở Nguyễn Chí Thanh, tôi thực sự ám ảnh. Đợi mãi không đến lượt lại chạy đi điểm giao dịch khác vẫn đông nghịt. Dù thấy vô cùng bất tiện và không hợp lý nhưng số điện thoại của tôi dùng cho công việc lâu nay, không thể bỏ được nên tôi buộc phải thu xếp để đi đăng ký. Đợt đó, các cửa hàng quá tải, các App thì treo, không chỉ tôi mà những người xếp hàng như tôi ai cũng thấy quá mệt mỏi. Bây giờ lại có đề xuất bỏ dù sao muộn còn hơn không”, anh Dũng nói.
Thực tế, đa phần người dùng đều cho rằng, vấn đề cập nhật ảnh chân dung cho thuê bao có quá nhiều bất tiện vì một số cửa hàng giao dịch còn thực hiện cập nhật bằng điện thoại di động cá nhân, dẫn đến có thể lộ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, là cảnh tượng các nhà mạng “thất thủ”, người dân xếp hàng mệt mỏi hay việc khi đăng ký thuê bao đã nộp chứng minh thư nhân dân, lại tiếp tục phải cập nhật thêm lần nữa. Đó là chưa kể tới tình trạng nhiều thuê bao khi đăng ký bổ sung thông tin ảnh chân dung chính chủ mới phát hiện ra thuê bao của mình đang đứng tên người khác đồng nghĩa với việc sẽ mất số v.v…
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hiện có không ít thuê bao di động chưa thực hiện bổ sung thông tin và ảnh chụp chân dung vẫn sử dụng dịch vụ bình thường. Nhiều khách hàng cho biết, trong đó có nhiều người là người lớn tuổi, không thấy dịch vụ bị cắt hay ảnh hưởng gì nên vẫn duy trì sử dụng bình thường.
Trí Anh
Theo Tiền Phong