Sắp tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia lại họp bàn về việc tăng mức lương tối thiểu vùng vào năm sau. Việc tăng hay không tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ tiếp tục gây nhiều tranh cãi giữa người sử dụng lao động và người lao động. Theo ông Lê Đình Quảng (ảnh), Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc đàm phán mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020 tới đây sẽ có những điểm mới so với mọi năm.
Rõ ràng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là một yếu tố rất quan trọng để xác định mức lương tối thiểu của năm. Bởi theo quy định của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu phải căn cứ vào đời sống tối thiểu của người lao động, điều kiện kinh tế xã hội và giá trị sức lao động trên thị trường lao động. Tuy nhiên, do không có một công thức tính chung cho nên hàng năm mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu khác nhau. Đây cũng là khó khăn chung cho Hội đồng Tiền lương trong quá trình đàm phán thương lượng mức lương tối thiểu hàng năm.
Theo Điều 91 của Bộ luật Lao động, để xác định tiền lương tối thiểu thì cần căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đây cũng chính là mức sống tối thiểu. Như vậy, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu sẽ được xác định bằng các tiêu chí như: Nhu cầu lương thực thực phẩm; nhu cầu phi lương thực thực phẩm; nhu cầu nuôi con. Cách tính xác định theo nhu cầu chi tiêu thực tế của người lao động với rổ hàng hóa là 45 mặt hàng để đảm bảo nhu cầu 2.300kg Kalo/ ngày cho người lao động làm những công việc đơn giản nhất, trong điều kiện bình thường, cộng với nhu cầu nuôi con bằng 70%.
Vậy năm nay, việc xác định mức sống tối thiểu làm căn cứ điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ có gì mới không, thưa ông?
Như mọi năm, mức sống tối thiểu làm căn cứ điều chỉnh tăng lương hàng năm do bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra cách tính khác… Những số liệu, cách tính khác nhau của các bên dẫn đến tranh cãi, khó thống nhất về mức tăng tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, cùng một rổ hàng hóa như vậy, nhưng nếu lấy tỷ lệ lương thực là 48%, phi lương thực là 52% thì giá của nhu cầu sống tối thiểu cũng có sự khác nhau. Bởi vậy, cần phải có một cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức, qua đó nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết.
Năm nay có một điểm mới rất quan trọng đó là khi xác định tiền lương tối thiểu của năm 2020 thì chúng ta có Nghị quyết 27. Trong đó, Nghị quyết có nói rõ là giao cho cơ quan thống kê của Nhà nước đánh giá xác minh và công bố mức sống tối thiểu để làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương đàm phán. Nghị quyết 27-NQ/TƯ 2018 về cải cách chính sách tiền lương cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy, năm nay, mức sống tối thiểu là vấn đề hết sức quan trọng.
Để chuẩn bị cho công tác đàm phán lương, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có công văn gửi Chính phủ kiến nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ tiến hành nghiên cứu để công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương thương lượng, tránh đưa ra các số liệu khác nhau như những năm trước.
Với mức tăng 5,3% của năm 2019, tình hình thảo luận lương tối thiểu 2020 tại Hội đồng Tiền lương tới đây sẽ rất căng thẳng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ mục tiêu như Nghị quyết 27 đã đề ra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Thảo (ghi)
Theo Hải Quan