Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Di dời 10 cảng trên sông Sài Gòn: Bến Nhà Rồng sẽ quy hoạch thế nào?

25/08/2018 21:38

Bộ giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo tổng kết 4 năm gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biến nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải. Đáng chú ý, Bộ GTVT đặt mục tiêu hết 2018 phải hoàn thành di dời toàn bộ các cảng trên sông Sài Gòn, không tạo áp lực lên giao thông đô thị khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Di dời 10 cảng trên sông Sài Gòn: Bến Nhà Rồng sẽ quy hoạch thế nào?

Bến Nhà Rồng sẽ thành khu phức hợp

Trong văn bản số 5208/BGTVT-KHĐT của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ nêu rõ: Sau quy hoạch, nhóm cảng biển Đông Nam Bộ có 4 cảng biển gồm cảng TP. HCM, cảng Đồng Nai, cảng Vũng Tàu (bao gồm Côn Đảo) và cảng Bình Dương.

Trong đó, nhóm cảng TP. HCM được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, gồm khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến trên sông Nhà Bè, khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp.

Trao đổi với VietnamFinance, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam (HHVN) Nguyễn Xuân Sang cho biết để thực hiện mục tiêu di dời, kể từ năm 2013 đến nay, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT không thoả thuận, cấp phép đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng các bến cảng container cũng như các bến cảng tổng hợp...

Điều này cũng hạn chế cạnh tranh không lành mạnh đối với dịch vụ hỗ trợ container tại khu vực Cái Mép – Thị Vải đồng thời đẩy mạnh di dời 10 bến cảng trên sông Sài Gòn và nhà máy đóng tàu Ba Son.

Về tiến độ di dời, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết bến cảng Tân Cảng Sài Gòn đã hoàn thành di dời toàn bộ sang Cát Lái từ năm 2014. Riêng cảng Sài Gòn đã hoàn tất các hạng mục cơ bản của dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước để có thể tiếp nhận tàu và hàng hoá di dời từ cảng Nhà Rồng – Khánh Hội. Đến nay, các hoạt động khai thác cảng đã chuyển xuống khu cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, trong quý III/2018 hoàn tất công tác di dời.

Nút thắt khó khăn nhất là dự án cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, tuy nhiên hiện UBND TP. HCM đã yêu cầu phải bàn giao mặt bằng trước ngày 31/12/2018. Sau khi di dời xong, mặt bằng sẽ được giao cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông thực hiện dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.

Theo quy hoạch, dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội là nhà cao tầng chức năng hỗn hợp, gồm trung tâm thương mại dịch vụ, 3.116 căn hộ, 32 căn biệt thự , trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo phê duyệt của UBND TP. HCM về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của tiểu khu cảng quận 4.

Địa điểm thực hiện dự án tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội là phường 12, 13 và 18 của quận 4, TP. HCM với diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 31,5 ha.

Theo Bộ GTVT, những bến cảng chưa di dời tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không cải tạo nâng cấp, mở rộng và nghiên cứu di dời sau năm 2020, hoặc chấm dứt hoạt động khi hết thời hạn.

Đối với Xí nghiệp Liên hợp Ba Son, hiện đã bàn giao toàn bộ mặt bằng và hệ thống cầu cảng cho nhà đầu tư và thực hiện di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, nhà xưởng xuống khu chuyển tiếp là Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu; dự kiến hoàn thành công tác di dời trong năm 2018.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Ban chỉ đạo thực hiện Quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son đã hoạt động hiệu quả, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết kịp thời kiến nghị các doanh nghiệp cảng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và người lao động. Đến nay, các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành giai đoạn khó khăn nhất trong việc thực hiện quy hoạch di dời.

“Như vậy, có thể nói việc di dời các bến cảng từ khu vực sông Sài Gòn ra bến cảng Hiệp Phước đã góp phần phân loại cỡ tàu và phân bố hợp lý luồng hàng hoá, nhằm giảm tải lưu lượng giao thông, ùn tắc tại TP. Hồ Chí Minh, từng bước đạt mục tiêu bố trí hợp lý các nhóm cảng biển”, Thứ trưởng Công đánh giá.