WinEco

Đi làm mà chỉ trông cậy vào lương thì khó giàu

03/05/2019 16:06

 Lương chỉ là nền tảng để tích lũy, vốn này phải được đem đi đầu tư sinh lợi.

 Lương chỉ là nền tảng để tích lũy, vốn này phải được đem đi đầu tư sinh lợi.

Khi tôi nói lương tôi 100 triệu đồng/tháng thì nhiều người cho rằng ai có mức lương đó sẽ không có thời gian đọc tin tức. Thật ra, người có mức lương càng cao càng phải đọc báo nhiều hơn để nắm tin tức, suy luận và dự đoán xu hướng phát triển tiếp theo của xã hội từ đó áp dụng vào công việc.

Khác với người lương thấp đọc báo chỉ để biết nơi này nơi nọ xảy ra việc gì, chúng tôi đọc báo để nắm thông tin, so sánh với thông tin thị trường do công ty tự thu thập.

Google, Facebook thu thập thông tin của người dùng bán cho các công ty kinh doanh cũng như thế, nhưng quy mô to hơn và đa dạng hơn rất nhiều. Phần lớn nhân viên của 2 hãng này là người chuyên phân tích thông tin chứ không phải là nhân viên IT đâu ạ.

Lương của tôi đem so với mấy người này có thể nói là "rất khiêm tốn". Tôi làm việc 30 năm mới có mức đó. Ngày nay có rất nhiều bạn trẻ kém tôi 20 tuổi cũng đã đạt đến lương đó rồi. Đó là do họ được đào tạo bài bản hơn tôi, năng động sáng tạo hơn tôi, tóm lại là nền tảng xuất phát của họ cao hơn tôi.

Để nâng cao thu nhập, chúng ta không thể chỉ dựa vào lương. Lương chỉ là nền tảng để tích lũy vốn. Tích lũy được chút vốn, nắm được cơ hội đầu tư thì tung vốn ra đầu tư để gia tăng thu nhập.

Lúc đầu tôi đầu tư "lướt sóng" vàng, ngoại tệ, chứng khoán rồi bất động sản sau đó thì loại hình đầu tư càng ngày càng mở rộng. Như vậy bạn có thể hiểu tôi hoạt động gần như là 1 "shark" (phân tích rủi ro và cho vay vốn).

Có bạn sẽ hỏi, vậy công việc của công ty thì thế nào ? Làm việc ngần ấy năm, chả lẽ bạn còn chưa quen việc, chưa lập được kế hoạch cho công việc "tự động" chạy, bạn chỉ giám sát và can thiệp khi có sự cố.

Công việc của người có chức vụ to đơn giản chỉ là đưa ra quyết định đúng đắn, nhanh chóng và kịp thời với các sự cố phát sinh ngoài ý muốn mà thôi. Sự vụ hàng ngày đã có cấp dưới làm hết.

Đặc biệt, nếu bạn từ nhân viên phát triển lên như tôi, khó có cấp dưới nào có thể qua mặt được bạn vì công việc của họ mình từng làm qua với thời gian không ngắn.

Tôi có đọc qua các tranh luận về mua nhà và thuê nhà. Dựa vào kinh nghiệm của tôi, tôi có thể đưa ra nhận xét như sau. Nên mua hay thuê phụ thuộc vào công việc mà bạn đang làm trong hiện tại và sẽ làm trong tương lai.

Nếu bạn thích công việc ổn định có cơ hội thăng tiến cao, tuy đồng lương ban đầu hơi thấp, thì bạn nên mua nhà (1). Nếu bạn thích nhảy việc để luôn có lương cao thì bạn nên thuê nhà (2).

Ở (1) bạn phải làm việc ở nơi có bán kính nhất định xung quanh nơi bạn ở. Ở (2), ở đâu sẵn sàng trả lương cao cho bạn, bạn dọn đến ở gần nơi đó.

(1) gần gũi với văn hóa doanh nghiệp Nhật và châu Âu, cần nhân viên trung thành và tận tâm.

(2) gần gũi với văn hóa doanh nghiệp Mỹ, cần nhân viên có năng lực.

(1) bạn gần như làm việc cả đời ở một nơi và (2) bạn chỉ làm việc ở nơi đó một thời gian ngắn, khi công việc hoàn tất hoặc là bạn tự nghỉ hoặc là người ta sa thải bạn. Mua trả góp là hình thức trung hòa giữa (1) và (2).

Bạn có công việc (có thu nhập) thì bạn mới có tiền để trả góp. Mất việc thì người ta sẽ lấy lại đồ vật mà bạn chưa trả góp xong và bán lại cho người khác góp tiếp.

Khi bạn trả góp xong, đồ vật ấy hoàn toàn thuộc sở hữu của bạn. Ít nhất 50% xã hội Mỹ chọn hình thức này nên khi ta xem phim hay truyện của Mỹ ta có cảm giác người Mỹ luôn bị tiền bạc thúc vào mông.

Từ đó có thể hiểu, khi đang trả góp chính là bạn đang thuê đồ vật của người bán và nếu trả dứt điểm xong chính là đã mua đứt. Trả góp bị gián đoạn cũng không phải là việc gì đáng xấu hổ.

Bạn được thăng chức, được lên lương, bạn thanh lý hợp đồng trả góp với người bán và trả lại món đồ bạn đã dùng một thời gian, ký hợp đồng trả góp mới với món đồ ngon hơn xịn hơn.

Ngược lại cũng tương tự khi bạn bị giảm thu nhập. Xã hội luôn có người xài đồ mới và xài đồ cũ. Còn văn hóa "mua đứt bán đoạn" như ở ta thì khi bán lại đồ cũ, người bán bị chém giá xuống còn người mua bị chém giá lên mà chất lượng đồ vật thì khó xác minh được.

Dĩ nhiên, văn hóa trả góp sẽ phát sinh ra đầu tư trả góp. Từ đây, nhu cầu xài thẻ tín dụng tăng mạnh vì nếu thuê người đi thu tiền trả góp rồi trả lương cho người đó thì lại tốn thêm một khoản phí không nhỏ.

Cả người mua người bán đều mở tài khoản ngân hàng, tiền trả góp trừ thẳng vào lương. Giao dịch không dùng tiền mặt có cơ hội để phát triển, góp phần ngăn chặn lạm phát và và những việc đại loại như "hét giá" thiếu cơ sở dẫn đến bong bóng giá cả và vô số hệ lụy phát sinh kèm theo.

Lâm

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết "Đi làm mà chỉ trông cậy vào lương thì khó giàu" tại chuyên mục Tài chính.