Tính đến việc khởi kiện một số đối tác để đòi nợ
Nêu ý kiến tại báo cáo hợp nhất bán niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), kiểm toán viên đã có một loạt ngoại trừ, trong đó có các khoản nợ phải thu, khoản góp vốn cho đối tác để triển khai một số dự án đầu tư với số tiền nợ gốc đã bù trừ với số dư phải trả và dự phòng đã trích lập là 312,7 tỷ đồng.
“Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản trả trước/phải thu/dự án này bằng các thủ tục thanh thế”, kiểm toán viên cho hay.
Dư chấn từ vụ việc lãnh đạo cũ bị bắt vẫn ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của OGC |
Về vấn đề này, lãnh đạo OGC cho hay, tập đoàn này và các đơn vị thành viên vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để đôn đốc, thu hồi các khoản hỗ trợ vốn này bao gồm việc thuê đơn vị tư vấn luật có chức năng đòi nợ để thực hiện đánh giá các khoản công nợ và thực hiện các thủ tục đòi nợ theo quy định, khởi kiện một số đối tác nhằm thu hồi nợ.
Các đối tác này vẫn đang có các hoạt động sản xuất kinh doanh và thể hiện trách nhiệm thanh toán đối với các khoản công nợ với OGC.
Cũng theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, đến cuối tháng 6, Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang cho Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tràng Tiền Nha Trang vay số tiền gốc 162,2 tỷ đồng và lãi phát sinh tương ứng là 35,55 tỷ đồng.
Tại ngày lập báo cáo tài chính, Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang (doanh nghiệp mà OGC nắm 100% vốn) đang đánh giá khả năng thu hồi các khoản này. Đối với số dư này, kiểm toán cho biết chưa có đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi khoản này cũng như không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.
Trước ý kiến đó của kiểm toán, OGC cho biết, Ban lãnh đạo Sao Hôm Nha Trang đang làm việc với đối tác. Đồng thời khẳng định, khoản công nợ có thể thu hồi và cũng chưa có đủ cơ sở để trích lập dự phòng khoản công nợ chưa xác định thời điểm thanh toán. OGC sẽ xem xét việc thực hiện trích lập dự phòng trong tương lai (nếu có).
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Kiểm toán viên lưu ý rằng, tại ngày 30/6/2018, tài sản ngắn hạn của OGC đã nhỏ hơn nợ ngắn hạn 370,1 tỷ đồng trong khi con số lỗ lũy kế lên tới 2.899,3 tỷ đồng (chưa bao gồm ảnh hưởng của các vấn đề ngoại trừ).
“Những yếu tố này cùng những vấn đề ngoại trừ đã được nêu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, đơn vị kiểm toán lo ngại.
Thừa nhận thực trạng nói trên, song lãnh đạo OGC cho biết, công ty mẹ đang có chủ trương thoái vốn, chuyển nhượng ở một số dự án và cũng đang tích cực thu hồi các khoản công nợ từ hỗ trợ vốn ngắn hạn cho đối tác và các khoản đã góp vốn vào các dự án đầu tư.
“Chính vì vậy, OGC đánh giá báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định rằng OGC hoạt động liên tục là phù hợp”, lãnh đạo tập đoàn này nhìn nhận.
Trên báo cáo tài chính, kiểm toán viên cũng lưu ý chi tiết, OGC đang đánh giá lại khả năng thu hồi một số khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn và trả trước cho người bán dài hạn đối với một số công ty trên cơ sở bù trừ với các khoản mà OGC phải trả với tổng số tiền hơn 600,6 tỷ đồng. Vấn đề là OGC chưa ký với các đối tác này thỏa thuận về việc bù trừ công nợ phải thu, phải trả phát sinh từ các hợp đồng kinh tế khác nhau.
Trong công văn giải trình, lãnh đạo OGC cho biết, theo các hợp đồng hỗ trợ vốn đã ký với các đối tác, các công ty này đã đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả bằng các khoản phải thu của các đối tượng này với OGC.
Do vậy, OGC đánh giá rằng việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản hỗ trợ vốn, phải thu dài hạn khác trên cơ sở bù trừ công nợ phải thu, phải trả từ các hợp đồng kinh tế khác nhau là phù hợp dù giữa các bên chưa ký các biên bản bù trừ công nợ.
Số liệu báo cáo soát xét bán niên cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, OGC vẫn tiếp tục thua lỗ, tuy nhiên con số thua lỗ đã giảm đáng kể từ 287,8 tỷ đồng hồi năm ngoái xuống 9,4 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Nguyên nhân là doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 12,2 tỷ đồng lên 53,5 tỷ đồng nhờ ghi nhận lợi nhuận kế toán từ giao dịch chuyển nhượng cổ phần của CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS). Trong khi đó, chi phí lãi vay giảm mạnh từ 67,6 tỷ đồng xuống còn 22,3 tỷ đồng sau khi đàm phán được với các ngân hàng tái cấu trúc các khoản nợ vay và không phải trích thêm lãi của một số khoản vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 353,1 tỷ đồng xuống còn 159,9 tỷ đồng do giảm mạnh trích lập dự phòng các khoản công nợ quá hạn thanh toán. |
Theo Dân trí