Dịch bệnh kéo dài, đầu tư công trở thành bệ đỡ tăng trưởng kinh tế: Kỳ vọng vào cổ phiếu nào?

19/07/2021 14:12

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đầu tư công trở thành bệ đỡ, đầu kéo khả thi nhất cho tăng trưởng. Nhiều ngành được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh này, bao gồm: Bất động sản, Vật liệu xây dựng, Xây dựng, Thi công công trình...

z2624632579450-dc11b3331617c5bca81e8469383e55f4-1626678514.jpg

Dịch bệnh kéo dài, đầu tư công trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng: Kỳ vọng vào cổ phiếu nào?

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế kỳ vọng được dẫn dắt bởi 3 yếu tố: Tiêu dùng, Xuất nhập khẩu và Đầu tư công. Nhìn lại thành quả từ đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5,64%, đang phần nào thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6% - 6,5% năm nay gặp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) trong báo cáo Cập nhật triển vọng đầu tư công: Kỳ vọng đẩy mạnh nửa cuối năm và cơ hội trên thị trường chứng khoán công bố gần đây, đẩy mạnh đầu tư công bắt buộc phải trở thành động lực tăng trưởng chính sau khi những đầu kéo như Xuất khẩu, Tiêu dùng đang gặp nhiều trở ngại.

Trên thực tế, nửa đầu năm nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư công ước tính đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2020 nhưng mới đạt 36,8% kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể so với mức tăng trưởng khoảng 30% của năm 2020 so với năm 2019.

Tính từ đầu năm, chỉ có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 3% và có tới 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân 0%. Các dự án giải ngân từ đầu năm chủ yếu là các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016 – 2020 tập trung chủ yếu ở một số dự án lớn như Cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành.

Agriseco cho rằng việc giải ngân chưa đạt kỳ vọng là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, kế hoạch đầu tư công năm nay trùng với giai đoạn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2025 tại các vùng, địa phương, vì vậy các dự án triển khai từ đầu năm chủ yếu từ các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, trong khi các quy hoạch phát triển tại từng vùng/địa phương bao gồm quy hoạch về đầu tư công khả năng tới cuối năm 2021 hoặc năm 2022 mới dần được hoàn thiện và thông qua.

Thứ hai, giá nguyên vật liệu xây dựng đang tăng cao như thép, cát, đá (tăng khoảng 60% từ đầu năm) ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu và hiệu quả của dự án. Trong nửa cuối năm, điều này có thể được cải thiện khi giá nguyên vật liệu hạ nhiệt sau khi cung cầu cân bằng.

Thứ ba, dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, kéo dài, bùng phát tại nhiều địa phương nơi có những dự án trọng điểm, đặc biệt là khu vực phía Nam. Tiến độ giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều khúc mắc, chậm kết toán công trình.

"Đầu tư công nửa đầu năm đạt tỷ lệ giải ngân thấp. Tuy nhiên, Agriseco đánh giá đây là đầu kéo khả thi nhất cho giai đoạn 6 tháng cuối năm nay và năm 2022. Việt Nam có thể chủ động được trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới", báo cáo của Agriseco nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái đáng chú ý để đẩy mạnh đầu tư công. Cụ thể, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành tháng 6/2021 nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về thể chế, chính sách. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95% - 100% kế hoạch được giao. Trong đó, đến hết quý III/2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Bên cạnh đỏ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 13/CT- TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Trong đó nêu rõ, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút tối đa các nguồn lực khác.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12/2021. Đồng thời, các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến hết tháng 12/2021. Đồng thời, tất toán hết các công trình có nguồn vốn kéo dài từ năm 2020. Đây sẽ là nhóm được tập trung giải ngân mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021. Trong đó đến hết 31/12/2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2021 được giao.

Agriseco hay hay đầu tư công có tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành, từ bất động sản, vật liệu, hạ tầng cho đến việc tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.

Theo công ty chứng khoán này, nhiều ngành và cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp. Cụ thể, đó là các ngành Bất động sản (tiêu biểu là các cổ phiếu VHM, NVL, KDH, NLG), Vật liệu xây dựng (HPG, HSG, HT1, BCC, KSB), Xây dựng (CTD, HBC, VCG), Thi công công trình (FCN, ITD), Logistics & Cảng biển (ACV, GMD).

Nhóm hưởng lợi gián tiếp là ngân hàng khi được tăng cường cấp tín dụng để giải ngân trong lĩnh vực này.

Agriseco đưa ra gợi ý một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, được hưởng lợi từ quá trình triển khai đầu tư công giai đoạn tới, phù hợp để giải ngân tại các nhịp điều chỉnh của thị trường, với thời hạn nắm giữ 6 tháng - 1 năm, đó là: VHM, HPG, HT1, KSB, FCN và ACV.

Theo Thanh Long/VietnamFinance