Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Điểm chung bất ngờ giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng và bầu Đức

28/04/2020 10:45

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và bầu Đức, hai người đàn ông nổi tiếng trên thương trường Việt Nam tưởng chừng không liên quan gì đến nhau nhưng hóa ra lại có điểm chung bất ngờ.

Ở Việt Nam, doanh nhân nổi tiếng không phải ít. Nhưng nếu kể tên một số gương mặt nổi bật, có tầm ảnh hưởng cả về kinh doanh lẫn xã hội thì hẳn phải nhắc đến Phạm Nhật Vượng và Đoàn Nguyên Đức.

Hai người đàn ông này hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực. Nói đến ông Phạm Nhật Vượng, người ta nghĩ đến một tỷ phú đa ngành nghề, có cả một hệ sinh thái mang tên Vingroup (y tế, ô tô, bất động sản, bán lẻ, giáo dục, du lịch…). Còn ông Đoàn Nguyên Đức, dư luận biết đến ông nhiều nhất ở mảng bóng đá, nhưng thực tế, bầu Đức nổi lên là nhờ kinh doanh khoáng sản, gỗ, thủy điện, địa ốc…

Hai người đàn ông rắn rỏi trên thương trường, dạn dày, đầy kinh nghiệm. Họ đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong và ngoài nước. Nhìn qua, có lẽ chẳng ai nghĩ hai vị đại gia này có liên quan gì đến nhau. Thực tế họ còn chưa bao giờ đứng chung một khung hình. Thế nhưng, nếu nghĩ kỹ thì cả hai có một điểm chung đặc biệt, đó chính là bóng đá. Nói cách khác, bóng đá là dấu gạch nối giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng và bầu Đức.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và bầu Đức đều làm bóng đá. Chỉ có khác biệt là một người khá thầm lặng, còn một người lại nổi đình nổi đám, được nhắc đến rất nhiều trên báo chí lẫn mạng xã hội. Người ta nói đến bóng đá là nói đến bầu Đức, những phát ngôn gây sốc và cả những đóng góp của ông trong công cuộc tìm chỗ đứng cho Việt Nam trong bộ môn thể thao vua.

Cái tên bầu Đức từ lâu luôn gây ra tranh cãi trong làng túc cầu Việt Nam. Người thích thì ca ngợi, cảm ơn, kẻ không ưa thì mỉa mai, giễu cợt… Nhưng dù gì đi nữa, vẫn không thể phủ nhận rằng bầu Đức chính là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho bóng đá Việt khẳng định mình trên trường quốc tế.

Gần 20 năm trước, bóng đá Việt Nam chỉ là một chấm mờ nhạt, ngay cả Đông Nam Á cũng chẳng biết nhiều về chúng ta. Ấy thế mà lúc đó, Kiatisuk – danh thủ hàng đầu Thái Lan đã đầu quân cho HAGL. NHM toàn khu vực bắt đầu nháo nhào, tò mò không biết HAGL là gì? Ở đâu? Vì sao Kiatisuk lại đến đó?

Thương vụ năm ấy khiến ĐNÁ chấn động. Sau này, bầu Đức thừa nhận, lúc đó ông xác định phải mua bằng được Kiatisuk để ĐNÁ biết đến Việt Nam và HAGL. Sau cú sốc Kiatisuk, bầu Đức làm điều chưa từng có tại Việt Nam với một học viện bóng đá liên kết với CLB Arsenal. Sự ra đời của Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG là cú hích, viên gạch đầu tiên cho bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp.

Người trong làng bóng dành lời khen ngợi cho bầu Đức. Họ nhận định bước đi đó của ông đã giúp cả khu vực biết đến Việt Nam và dành sự tôn trọng nhất định. Bóng đá Việt Nam vươn tầm được như hiện tại, phần nhiều cũng nhờ thế hệ vàng mà học viện của bầu Đức đào tạo nên.

“Bầu Đức còn mang đến sự ảnh hưởng rất lớn khi giúp bóng đá Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Họ rất nể Việt Nam. Từ đó, các nhà đầu tư về bóng đá, kinh tế. Khi kinh tế phát triển lên thì bóng đá Việt Nam mới phát triển được”, cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng từng nói.

Còn HLV Park Hang Seo, ngày đến HAGL đã phải thốt lên: “Khi thấy cơ ngơi của HAGL tôi rất bất ngờ. Nếu không có tầm nhìn của bầu Đức thì khó được như vậy. Nên tôi xin cảm ơn bầu Đức. Để từ nay bóng đá phát triển hơn phải chú trọng đào tạo trẻ để mang niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân”.

Phải nói rằng, tầm nhìn của bầu Đức khi đó đã góp phần khiến bóng đá Việt Nam thay đổi. Để rồi giờ đây chúng ta ghi dấu ấn ở nhiều đấu trường lớn trên thế giới như VCK U23 châu Á, ASIAD 18, ASIAN Cup 2019 và trước mắt là giấc mơ World Cup.

Khác với bầu Đức, tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm bóng đá rất lặng lẽ. Nhiều người còn không biết rằng ông có liên quan đến môn thể thao vua này. Mãi đến năm 2018, khi tên ông xuất hiện trong top những ông chủ người châu Á giàu có nhất đang đầu tư vào bóng đá, nhiều người mới ngã ngửa.

Chưa bao giờ ông Vượng chia sẻ về triết lý bóng đá hay nói gì về môn thể thao này. Nhưng nhìn vào những gì ông làm, có thể thấy suy nghĩ của ông và bầu Đức khá giống nhau. Họ đều muốn xây dựng từ gốc rễ, tạo cái móng vững vàng trước khi nói đến những thứ lớn lao hơn.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là ông chủ của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. PVF đã quá nổi tiếng trong làng bóng Việt Nam khi đào tạo ra hàng loạt ngôi sao trẻ như Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Trương Văn Thái Quý... Dù rất thành công trong công tác đào tạo trẻ nhưng Phạm Nhật Vượng lại chọn lối đi khác biệt với các ông bầu khác. Ông không đầu tư vào một CLB cụ thể nào mà quyết định đầu tư phát triển bóng đá trẻ nhiều hơn. Các chuyên gia cho rằng đây là lựa chọn khôn ngoan của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Năm 2018, tập đoàn Vingroup của Phạm Nhật Vượng chính là đơn vị tổng tài trợ mua bản quyền cho 2 giải là VCK World Cup và Asiad 2018 khi các đài ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc đàm phán. Những đóng góp thầm lặng đó khiến nhiều NHM cho rằng nên gọi ông với một cái tên khác là “bầu Vượng”.

Thêm một điểm chung giữa ông Phạm Nhật Vượng và bầu Đức trong mảng bóng đá là đều góp phần đưa và giữ HLV Park Hang Seo gắn với Việt Nam. Bầu Đức chính là người ngỏ lời, trả lương cho vị chiến lược gia người Hàn Quốc trong giai đoạn đầu.

Còn sau này, ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký của VFF đã tiết lộ rằng Vingroup là một trong những đơn vị tiên phong giúp Liên đoàn bóng đá Việt Nam trả lương cho HLV Park Hang Seo. Hai vị đại gia này vô tình đều có tác động đến HLV Park Hang Seo, giúp ông đến và gắn bó với bóng đá Việt Nam.

Bóng đá cơ bản chỉ là một môn thể thao, một phương thức giải trí. Nhưng ở thời điểm hiện tại, bóng đá còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Nó góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, giúp chúng ta được biết đến nhiều hơn. Mà để làm được những điều đó, sự đóng góp của những con người như ông Phạm Nhật Vượng và Đoàn Nguyên Đức là không thể không nhắc đến.

https://www.nguoiduatin.vn/techzvn/187-420-1-diem-chung-bat-ngo-giua-ty-phu-pham-nhat-vuong-va-bau-duc--ylt509079.html