Cuối năm 2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo toàn bộ quá trình xây dựng đề án, cấp phép xây dựng đầu tư cho nhà máy của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, sau khi Văn Phòng Chính Phủ có văn bản về nghi vấn gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu nhôm của công ty này.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trong quá trình kiểm tra, doanh nghiệp xây dựng các công trình đúng giấy phép xây dựng được Ban quản lý các khu công nghiệp cấp. Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, công ty đã tiến hành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ. Tình hình sản xuất kinh doanh tăng trưởng theo từng năm. Sản phẩm của công ty chủ yếu được xuất qua các thị trường Hồng Kông, Ai Cập, Indonesia, Hoa Kỳ…
Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua biên giới năm 2017, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ số nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thông qua kiểm tra của đoàn liên ngành, của hải quan và của các cơ quan khác, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, các nghi vấn về sai phạm cụ thể của doanh nghiệp như báo chí nêu chưa có cơ sở, chưa có căn cứ.
Trước đó, từ thông tin trên báo Wall Street Journal (WSJ) về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) nghi của tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian - Chủ tịch tập đoàn China Zhongwang chuyên về nhôm - được âm thầm chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam, với mục đích là che giấu nguồn gốc xuất xứ nhằm trốn thuế.
Cụ thể, theo WSJ, sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ. So với mức 374% cho nhôm Trung Quốc, nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ phải chịu thuế 5%.
WSJ dẫn dữ liệu nhập khẩu từ Công ty Dịch vụ thông tin thương mại toàn cầu (GTIS) cho thấy, một lượng lớn nhôm nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam trong năm 2016 đến từ công ty Perfectus Aluminum Inc.
Công ty Perfectus Aluminum Inc từng được sở hữu bởi con trai ông Liu, còn giờ đây được quản lý bởi Jacky Cheung, một đối tác kinh doanh của ông Liu. Ông Jacky Cheung là đồng sở hữu Công ty nhôm Aluminicaste Fundición de México - đơn vị quản lý số hàng nhôm vận chuyển đến Việt Nam. Ông cũng là tổng giám đốc và là đồng sở hữu Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam.
Tăng vốn thần tốc
Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam (tên tiếng Anh: Global Vietnam Aluminum Co) được thành lập ngày 8/8/2011, là công ty 100% vốn nước ngoài, có Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Jacky Cheung. Công ty đặt trụ sở tại KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất nhôm định hình, nhôm anot hóa.
Đến đầu năm 2018 (ngày 31/1/2018), Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam tăng vốn thần tốc từ 1.025 tỷ đồng lên 4.978 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của công ty gồm hai cá nhân là Jacky Cheung (10%) và Wang Tong (90%). Cả hai cùng có quốc tịch Australia.
Cũng trong đầu năm 2018, Hội đồng các doanh nghiệp sản xuất nhôm Mỹ (AEC) đã kiến nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam (Global Vietnam Aluminum) ngang với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Reuters.
Trong hồ sơ gửi Bộ Thương mại Mỹ, AEC cho rằng sản phẩm nhôm ép của Zhongwang đã được chuyển vào Việt Nam thông qua công ty con là Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam để hợp thức hóa trước khi xuất khẩu sang Mỹ, nhằm trốn thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Phản ứng trước cào buộc này, phía công ty Zhongwang đáp trả rằng "các cáo buộc đưa ra không có căn cứ".
Anh Mai/Nhà đầu tư