Thống kê các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, loại trừ các ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm do đặc thù kinh doanh, tại thời điểm 30/6 có 90 doanh nghiệp ghi nhận chỉ tiêu tổng tiền (bao gồm tiền, tương đương tiền cùng với khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ngắn và dài hạn) lớn hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong danh sách này rất nhiều doanh nghiệp có ngành kinh doanh đặc thù như bán lẻ, với hệ thống hàng nghìn cửa hàng dẫn tới lượng tiền mặt luôn ở mức cao. Đó là Petrolimex (HoSE: PLX), Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL), Masan Group (HoSE: MSN).Trong đó, Vingroup (HoSE: VIC) đứng đầu về chỉ tiêu này với 33.306 tỷ đồng tổng tiền. Dù vậy, so với tổng tài sản lên đến 419.881 tỷ đồng, thì tỷ lệ tiền/tổng tài sản chưa tới 8%. Lượng tiền của Vingroup tại thời điểm 30/6 đa phần là gửi ngân hàng với lãi suất khoảng từ 2,8% đến 7%/năm. Riêng quý II, Vingroup có hơn 568 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, cho vay và các khoản đặt cọc.
Đứng thứ 2 trong danh sách "vua" tiền trên thị trường chứng khoán là TCT Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV). Doanh nghiệp này thường xuyên nắm giữ lượng tiền lên tới 50-70% tổng tài sản. Tại 30/6, tổng lượng tiền mặt và tiển gửi là 33.191 tỷ đồng. Mặc dù có nguồn tiền gửi dồi dào nhưng hiện tại ACV cũng đang có tổng cộng 18.103 tỷ đồng nợ phải trả. Lượng tiền mặt lớn giúp ACV làm đối ứng cho các khoản vay lớn để triển khai dự án sân bay Long Thành sau này.
Hay như Hòa Phát (HoSE: HPG) với kết quả kinh doanh khả quan và đã hoàn thành dự án Dung Quất giai đoạn I nên liên tục tăng lượng tiền mặt và tiền gửi trong 3 quý gần đây lên 31.850 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I và 45% so với cuối năm 2020.
Một thống kê khác cho thấy có 20 doanh nghiệp có tỷ lệ tiền/tổng tài sản ở trên mức 40% trong quý II và số dư tiền trên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh ACV như đã đề cập ở trên thì còn có những cái tên quên thuộc như PV Gas (HoSE: GAS), Vinamilk (HoSE: VNM), FPT (HoSE: FPT), Sabeco (HoSE: SAB), VEAM (UPCoM:VEA)... Điểm chung của các doanh nghiệp này là sở hữu lượng tiền lớn cả về số tuyệt đối (trên 15.000 tỷ đồng) và cả tỷ lệ trong tổng tài sản. Vì vậy, đây cũng là những doanh nghiệp lớn thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao bằng tiền mặt.
Trong đó, PV Gas có 31.598 tỷ đồng tiền trong bảng cân đối kế toán. Tỷ lệ tiền/tổng tài sản của doanh nghiệp này thường xuyên duy trì ở mức trên 40%. 6 tháng đầu năm, GAS có hơn 405 tỷ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng. Riêng trong năm 2020, lượng tiền lãi thu về là 1.528 tỷ đồng. Với việc liên tục kinh doanh có lãi và lượng tiền mặt lớn, PV Gas luôn đảm bảo được việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ khoảng trên 20% cho các cổ đông.
Trong danh sách này cũng có những công ty con có "khẩu vị" duy trì bảng cân đối kế toán an toàn với tiền mặt cao như FPT Online (UPCoM: FOC), đơn vị vận hành quảng cáo cho hệ thống Báo điện tử VnExpress. Tỷ lệ tiền/tổng tài sản của FPT Online liên tục được duy trì ở trên mốc 80% và trong quý II là 81%.
Tương tự như Vinamilk, các công ty con trực tiếp và gián tiếp trong hệ thống đều duy trì tỷ lệ tiền trên tổng tài sản ở mức rất cao như GTNFoods (HoSE:GTN) 60% hay Mộc Châu Milk (UPCoM:MCM), Vilico (UPCoM:VLC) trên 70%. Điều này là dễ hiểu bởi đây những công ty mẹ - con hợp nhất báo cáo tài chính.Cũng cần lưu ý, tỷ lệ tiền trên tổng tài sản cao của các công ty này chỉ sau khi về cùng nhà với Vinamilk vào năm 2019 - trong khi trước đó chỉ duy trì mức 25-30%.
Tuy nhiên, không có nghĩa là bao giờ có nhiều tiền mặt cũng tốt. Lượng tiền mặt cao có thể khiến cho nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp không đem đi sử dụng mà lại chỉ để gửi ngân hàng? Rõ ràng duy trì lượng tiền cao sẽ khiến doanh nghiệp đã mất các cơ hội đầu tư với lợi nhuận tốt hơn lãi suất tiền gửi hiện đang ở mức khá thấp.Lượng tiền mặt dồi dào trong nhiều trường hợp là một điểm lợi thế, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh mà không phải chịu áp lực từ nguồn vốn vay cùng với đó là có được khoản lợi nhuận tài chính ổn định hàng năm. Ngoài ra, lượng tiền lớn cũng có thể giúp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có tính chu kỳ giải quyết các nghĩa vụ ngắn hạn hay dùng để vượt qua những giai đoạn khó khăn.