Doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển “bùng nổ” nhưng 90%... “chết đứng”

27/10/2018 19:01

Đây là nhận định của các chuyên gia trong buổi giới thiệu hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra tại TPHCM. >> Doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải tìm đến "tín dụng đen" >> Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất đàng hoàng và rất đáng thương


Đây là nhận định của các chuyên gia trong buổi giới thiệu hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra tại TPHCM.

Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ: Việt Nam ảnh hưởng nặng

Trong bối cảnh xung đột thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thì điều khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất về khả năng đi đến cuộc chiến tranh thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, CEO Trường Doanh nhân Bizlight cho biết, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu rộng hơn khi mà cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại hết sức quan trọng.

Các chuyên gia kinh tế, ngân hàng chia sẻ các thông tin xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
Các chuyên gia kinh tế, ngân hàng chia sẻ các thông tin xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Cuộc chiến tranh thương mại không chỉ tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn tác động đến hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần hết sức chú ý đến vấn đề pháp lý trong giao dịch thương mại.

“Chúng ta có hơn 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thế nhưng các doanh nghiệp này rất bị động về vấn đề pháp lý. Các doanh nghiệp thường chờ có ‘bệnh’ mới chữa, chúng ta ít khi tính toán đến phương án phòng ngừa rủi ro như các doanh nghiệp nước ngoài”, tiến sĩ Tín nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, các doanh nghiệp nước ngoài thường phòng ngừa rủi ro rất tốt, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thì phải xảy ra vấn đề mới nhờ đến sự tư vấn của luật sư.

Khi có vấn đề về tranh chấp thương mại thì chi phí nhờ các công ty luật, luật sư giải quyết sự việc lại rất lớn, có thể lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi chi phí phòng ngừa lại rất rẻ. Cụ thể như các doanh nghiệp thường xây dựng phòng pháp chế nội bộ và việc vận hành phòng pháp chế cũng không tốn quá nhiều chi phí nhưng sẽ rất hiệu quả.

“Các doanh nghiệp có rất nhiều rủi ro, điển hình như rủi ro về hợp đồng và các điều khoản trong hợp đồng như: giải quyết tranh chấp, điều khoản về việc bất khả kháng, hợp đồng áp dụng theo luật ở quốc gia nào… Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể gặp rủi ro trong đàm phán, rủi ro trong thực thi hợp đồng”, ông Tín nói.

Chủ động tìm thị trường thay thế

Theo ông Hà Huy Cường, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thì nếu doanh nghiệp không chặt chẽ về pháp lý là đã thua ngay từ đầu. Các doanh nghiệp Việt Nam rất thiệt thòi về vấn đề tranh chấp pháp lý.

Cũng theo ông Cường, việc nắm các quy định trong giao thương, chặt chẽ trong các hợp đồng là điều vô cùng quang trọng.

Hiện nay, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại không chỉ là các doanh nghiệp xuất khẩu qua Mỹ ở Trung Quốc mà còn có cả doanh nghiệp ở các nước thứ 3 đang gia công và xuất khẩu hàng gia công sang Trung Quốc.

Điều này khiến doanh nghiệp ở các nước thứ 3 cũng bị ảnh hưởng theo, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải khéo léo và nhạy bén để tìm thị trường thay thế.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp rất dễ bị “tổn thương” trước các áp lực kinh tế, điển hình như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp rất dễ bị “tổn thương” trước các áp lực kinh tế, điển hình như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Cũng theo ông Cường, hiện nay, các ngân hàng đang cấp tín dụng dựa theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ lựa chọn những ngành nghề trọng điểm trong những khoảng thời gian cụ thể và các ngân hàng phải dựa trên những định hướng này để lựa chọn những ngành nghề có lợi thế, có sự hỗ trợ của Chính phủ, có cơ hội tăng trưởng trong tương lai.

“Tôi nói ví dụ, biết đâu đó trong năm 2019 - 2020 thì ngành thủy sản Việt Nam sẽ được quan tâm trở lại khi Mỹ muốn tìm một thị trường mới để thay thế, dù thời gian qua thì ngành thủy sản đã tạo ra nợ quá hạn rất nhiều tại các ngân hàng”, ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cũng cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ là các doanh nghiệp rất dễ bị “tổn thương”. Trong thời gian qua đã có sự “bùng nổ” về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới nhưng tính hết quý 3/2018 đã có gần 80.000 doanh nghiệp “chết”. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có thể tồn tại khi “bước” được qua được năm thứ 3, nhưng điều đáng nói là có đến 80-90% số doanh nghiệp này đã “hy sinh” trong 3 năm đầu tiên.

Chính vì vậy, nguồn vốn và định hướng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là mấu chốt để cứu các doanh nghiệp khỏi nguy cơ giải thể, phá sản.

Đại diện của ngân hàng cũng thừa nhận, mặc dù số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn, rất tiềm năng nhưng rủi ro đến từ các doanh nghiệp này cũng rất cao và nhiều ngân hàng vẫn chưa có chính sách, phương án cụ thể cho phân khúc này.

Đại Việt

Theo Dân Trí