Doanh nhân Ấn Độ có tài sản 1,2 tỉ USD hiến một quả thận cho tài xế

17/01/2019 11:21

Hành động hiến thận của doanh nhân nổi tiếng bang Kerala tạo ra tiêu chuẩn mới về cấy ghép nội tạng ở Ấn Độ.

Khi gần bước qua tuổi 60, Kochouseph Chittilappilly không thể không thừa nhận rằng cuộc sống thật tốt đẹp. Doanh nhân giàu có này từ tay trắng xây dựng nên đế chế kinh doanh các thiết bị điện tử, thiết bị ngành điện và công viên giải trí. Tuy nhiên, trong lòng Chittilappilly lúc nào cũng thôi thúc “làm điều gì đó lớn lao hơn với cuộc đời mình.” Năm 2011, hai tháng sau sinh nhật 60 tuổi, nhà tài phiệt vào bệnh viện ở thành phố Kochi phía nam Ấn Độ, cùng với những người thân đang rất lo lắng của ông.

Doanh nhân Ấn Độ có tài sản 1,2 tỉ USD hiến một quả thận cho tài xế  - ảnh 1

Kochouseph Chittilappilly: “Đó không phải là việc quá khó. Tất cả những gì bạn cần là một chút can đảm.” ảnh: Ritam Banerjee for Forbes

Tại đó, ông trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài bốn giờ để cắt một quả thận, nhưng không phải vì bệnh hoặc rối loạn chức năng. Chittilappilly đã đồng ý hiến thận cho một tài xế bị bệnh, người hoàn toàn xa lạ với ông. Nguyện vọng của Chittilappilly là khởi đầu chương trình hiến thận hoặc điều mà ông hi vọng sẽ là mối liên kết đầu tiên trong một loạt những người hiến thận. Một thành viên trong gia đình của người nhận (trong trường hợp này là vợ của người lái xe tải, có thận không tương thích với chồng) phải đồng ý hiến thận cho người khác có nhu cầu. Hành động từ thiện không giống nguyên tắc thông thường này chính là “chiếc phao cứu sinh” cuối cùng khi người bệnh không thể nhận hiến tạng từ gia đình, nhưng cũng là bước ngoặt đối với người hiến tạng ban đầu.

Kể từ khi đó, Chittilappilly đã bàn giao hoạt động của hai công ty đã niêm yết, V-Guard Industries (doanh thu: 320 triệu đô la Mỹ) và Wonderla Holidays (doanh thu: 38 triệu đô la Mỹ), cho hai con trai, còn ông tập trung chủ yếu vào các hoạt động từ thiện. Năm 2012, ông thành lập quỹ K. Chittilappilly – ông góp phần lớn thu nhập hằng năm của mình vào quỹ này, bao gồm cả cổ tức (trị giá 1,2 triệu đô la Mỹ năm 2017). Và còn hơn thế nữa. Chittilappilly lọt vào danh sách tỉ phú trong năm nay của Forbes với tài sản ròng 1,2 tỉ đô la Mỹ. Mặc dù không ký Cam kết Hiến tặng (Giving Pledge) nhưng ông hứa sẽ hiến tặng 1/3 tài sản trong cả cuộc đời mình và đã chuyển một số cổ phần của các công ty đã niêm yết sang mục tiêu từ thiện. (Thị trường chứng khoán gần đây và cuộc khủng hoảng rupee đã làm giảm giá trị tài sản ròng của ông xuống 850 triệu đô la Mỹ).

Chittilappilly, người không xuất hiện nhiều trước công chúng cho đến khi hành động hiến thận của ông khiến mọi người chú ý, hiện nay được công nhận là người cổ súy nhiều nhất cho việc hiến tạng ở bang Kerala, quê nhà của ông. “Với cố gắng của riêng mình, Kochouseph đã thay đổi cái nhìn của xã hội đối với việc hiến tạng. Việc làm của ông khiến công chúng có nhận thức mới,” bạn của Chittilappilly, C.J George, nói. Ông là người sáng lập và giám đốc quản lý công ty dịch vụ tài chính Geojit, đồng thời cũng là thành viên hội đồng quản trị của V-Guard.

  "Kochouseph đã thay đổi cái nhìn của xã hội
đối với việc hiến tạng. Việc làm của ông dẫn đến
một nhận thức mới."

Hiến tạng là một chủ đề nóng ở Ấn Độ. Theo ước tính của chính phủ, Ấn Độ có 200 ngàn người cần ghép thận mới mỗi năm nhưng chỉ có 7.500 người hiến tặng. Sự cách biệt giữa cung và cầu đã khiến người nghèo bán thận của họ cho những bệnh nhân giàu có. Trong những năm gần đây việc mua bán bất hợp pháp này đã bị phát hiện ở cả một số bệnh viện nổi tiếng tại Mumbai và Delhi. Đạo luật năm 1994 cấm bán các bộ phận cơ thể người để cấy ghép, nhưng những kẻ buôn bán nội tạng tìm đủ mọi cách để lách luật. Vivekanand Jha, giám đốc điều hành của viện Sức khỏe toàn cầu George, đơn vị nghiên cứu của Delhi tập trung vào các bệnh không lây nhiễm, nói: “Luật pháp rất tốt, nhưng mọi người thường cố ý bất tuân”.

Ngoài một số ít người hiến tạng sống, những cấm kỵ tôn giáo và văn hóa lâu đời đã ngăn cản việc hiến tạng sau khi chết. Với Chittilappilly, phá vỡ những điều cấm kỵ như vậy để tăng nguồn cung cấp nội tạng từ cả người hiến tặng còn sống lẫn tử vong đã trở thành nhiệm vụ cá nhân.

Ngồi bên chiếc bàn hội nghị chiếm diện tích lớn trong văn phòng của mình, Chittilappilly có giọng nói nhẹ nhàng và hành xử giống nhà hoạt động xã hội nhiều hơn là doanh nhân thành công. Bộ sưu tập cúp và bằng khen, biểu thị nhiều giải thưởng dành cho ông và các công ty của mình, được sắp xếp dựa vào bức tường có câu nói được đóng khung “Tôi sẽ biến phần đời còn lại của mình thành giai đoạn tốt đẹp nhất trong cuộc đời.”

Thay vì bán nội tạng hợp pháp, hằng năm, quỹ của ông giúp đỡ các gia đình nghèo của những người hiến tạng sau khi mất bằng cách trao tặng khoản tiền mặt từ 1.400 đến 7.000 đô la Mỹ. “Vì ở Ấn Độ không có an sinh xã hội, nên nếu người trụ cột của gia đình nghèo bị ốm và chết, gia đình phải trải qua khó khăn tài chính rất lớn,” ông George Sleeba, giám đốc điều hành của quỹ cho biết. Quỹ cũng chi trả phí điều trị lọc máu cho hơn ba nghìn bệnh nhân nghèo mỗi năm. Gần đây, quỹ này mở rộng phạm vi để hỗ trợ các bệnh khác như bệnh giun chỉ bạch huyết, hay còn gọi là “phù chân voi,”căn bệnh nhiễm ký sinh trùng do muỗi lây truyền sang con người gây nên tình trạng sưng to bất thường ở các bộ phận cơ thể. Và gần đây, sau khi lũ lụt tàn phá bang Kerala, Chittilappilly chi ra 700 nghìn đô la Mỹ để hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa.

Là thành viên trong gia đình có sáu anh chị em, Chittilappilly lớn lên giữa những cánh đồng lúa tại ngôi làng gần thị trấn đền thờ Guruvayur, và mơ ước trở thành nhà khoa học. Gia đình ông sở hữu đất đai nên khá giàu có và hào phóng. Cha mẹ ông đã trả học phí cho những đứa trẻ không đủ tiền đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành vật lý và điện tử, Chittilappilly vào làm ở công ty nhỏ sản xuất ổn áp, một sản phẩm rất cần thiết ở Ấn Độ, vì nguồn điện thường bị chập chờn. Nhưng công ty không hoạt động tốt do vấn đề tài chính. Tự tin rằng mình có thể tạo ra sản phẩm cao cấp, Chittilappilly muốn lập công ty của riêng mình, nhưng không có ngân hàng nào cho ông vay tiền. “Các doanh nghiệp ở Kerala có tỉ lệ thất bại cao,” ông nhớ lại.

Năm 1977, ông vay của cha một khoản tương đương 1.400 đô la Mỹ và khởi nghiệp trong nhà kho nhỏ với hai nhân viên. V-Guard kinh doanh nhờ sự chập chờn của mạng lưới truyền tải điện quốc gia ở miền nam Ấn Độ. Vì nguồn điện bị sụt áp thường xuyên, hộ gia đình nào cũng cần ổn áp. Nhưng rắc rối về lao động đến quá nhanh, và Chittilappilly đã phải đích thân đưa hàng hóa lên xe tải.  Để tránh các cuộc đình công, ông thuê ngoài các nhóm phụ nữ, những người được ông đào tạo để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Trong những năm qua, ông đã phát triển thêm các sản phẩm như máy bơm, máy đun nước nóng bằng điện và thiết bị nhà bếp. Một lần nữa phải đối mặt với sự hoài nghi của các ngân hàng, Chittilappilly đã nghĩ Kerala có thể cần một công viên giải trí. Ông đoán những công nhân nhập cư ở Kerala sẽ nhớ lại những kỷ niệm vui mà họ có khi còn ở nước ngoài. “Hơn nữa, có rất nhiều công nghệ hỗ trợ phía sau một công viên giải trí, và điều đó làm tôi phấn khích,” ông giải thích.

Sau khi khai trương công viên giải trí đầu tiên ở Kochi vào năm 2000, ông mở thêm các công viên khác ở Bangalore và Hyderabad, và công viên thứ tư đang được xây dựng ở Chennai. Chitilappilly nói tinh thần từ thiện xuất hiện trong ông trễ. “Ba ưu tiên đầu tiên của tôi gồm kinh doanh, kinh doanh, và kinh doanh,” ông thừa nhận. Nhưng khi cả hai công ty của ông niêm yết trên sàn chứng khoán trong thập kỷ qua, ông có những ưu tiên mới. Được gia đình khích lệ, ông mua đất để xây một căn nhà dành cho những người phụ nữ lớn tuổi kém may mắn trong làng mình. Ông cũng xây nhà tế bần cho các bé gái nghèo ở nông thôn.

Ông nảy sinh ý tưởng hiến thận khi người họ hàng xa chết vì suy thận. Khi ông nói với gia đình mình, “chúng tôi nghĩ cha đùa,” con trai Mithun, cựu sinh viên Melbourne Business School, giám đốc điều hành V-Guard nói. Vợ của Chittilappilly rất lo lắng, cố gắng ngăn ông làm điều mạo hiểm và đề nghị ông tặng tiền. Trong cuốn hồi ký ông viết sau đó, Chittilappilly đã giải thích rằng từ thiện thực sự không có nghĩa là cho tiền hoặc vật phẩm mà cho đi “cái của chúng ta.” Ông nói đùa với người thân ông chỉ cho đi một quả thận cũ mà thôi và tự tin là nguy cơ rất nhỏ: “Tôi được các bác sĩ tốt nhất chăm sóc. Triết lý của tôi là, tôi không thể leo lên đỉnh Everest, nhưng việc này tôi làm được.”

Sau một loạt kiểm tra nhằm xác định ông phù hợp về mặt y tế, Chittilappilly tìm kiếm người nhận xứng đáng. Ông liên lạc với Davis Chiramel, linh mục Công giáo đã hiến thận cho một người hoàn toàn xa lạ vào năm 2009. Chiramel cũng là người sáng lập liên đoàn Thận Ấn Độ, tổ chức phi lợi nhuận kêu gọi hiến tạng ở Kerala. (Chittilappilly hiện là người đồng bảo trợ cho tổ chức này, cùng với các nhà tài phiệt Trung Đông là M.A.Yusuff Ali của tập đoàn Lulu, ông trùm bất động sản P.N.C. Menon và nhà bán lẻ đồ trang sức Joy Alukkas.)

Chiramel nhớ lại rằng ban đầu ông hoài nghi liệu một doanh nhân tầm cỡ như Chittilappilly có sẵn sàng làm điều này hay không và yêu cầu được gặp gia đình ông. Sau khi hài lòng, Chiramel đã liên lạc với tài xế xe tải.Theo quy định của Ấn Độ, người hiến tặng nội tạng nên là “người họ hàng gần gũi”. Do không liên quan đến người nhận, Chittilappilly phải đấu tranh với một loạt các chấp thuận quan liêu yêu cầu bản tuyên thệ và giải trình trước một ủy ban đạo đức y tế. “Ngày nọ, một sĩ quan cảnh sát thậm chí còn đến nhà của tôi để kiểm tra xem tôi có được trả tiền bán thận hay không,” ông cười. Trước cuộc phẫu thuật, có tin đồn rằng đó là diễn viên đóng thế và ông sẽ không thực sự làm phẫu thuật.

Hai tuần sau khi xuất viện, Chittilappilly quay lại làm việc. Ông khẳng định rằng hiện nay mình đang sống bình thường và không có kiêng cử gì. “Tôi không cảm giác chút nào về việc chỉ có một quả thận.” (Người nhận cũng vậy, vẫn khỏe mạnh.) Chiramel của liên đoàn Thận Ấn Độ nói việc hiến tạng của Chittilappilly là sự thúc đẩy rất lớn. Nó giúp kêu gọi được hàng trăm người hiến tạng tình nguyện và cả một số lượng lớn những người đăng ký hiến tạng sau khi chết. Liên đoàn hiện có 1 triệu hồ sơ đăng ký.

Chittilappilly nói sự cuồng nhiệt của truyền thông sau việc ông hiến thận đã khiến ông bất ngờ. Nhưng nó giúp ông có được các hợp đồng diễn thuyết (ví dụ, với TedX), nơi ông có thể truyền bá việc tốt và kể lại câu chuyện bất thường của mình. “Thành thật mà nói, đối với tôi, đó không phải là một việc quá khó,” ông nói. “Tất cả những gì bạn cần là một chút can đảm.”

Từ thiện là khái niệm mới
với những ông lớn của nền kinh tế mới
Doanh nhân Ấn Độ có tài sản 1,2 tỉ USD hiến một quả thận cho tài xế  - ảnh 2

ảnh: ARINDAM DEY/AFP/Getty Images

Người Ấn Độ không xa lạ với khái niệm về daan, hay còn gọi là từ thiện, dù là bố thí cho người ăn xin ven đường hay quyên góp tại đền thờ. (một số đền thờ giàu nhất thế giới là ở Ấn Độ). Tuy nhiên, từ thiện theo quy mô lớn, từ thiện kiểu phương Tây vẫn chưa bắt kịp với tốc độ làm giàu gần đây của đất nước này.

Ấn Độ hiện có số lượng tỉ phú lớn thứ tư thế giới, với hơn 100 khối tài sản tỉ đô la Mỹ. Trong năm năm qua, thị trường chứng khoán tăng đã góp phần làm tăng 40% tổng tài sản của 100 người giàu nhất Ấn Độ, lên đến 492 tỉ đô la Mỹ. Mặc dù tài sản của tầng lớp siêu giàu ngày càng tăng, nhưng nghiên cứu năm 2016 của chuyên gia tư vấn từ thiện thuộc quỹ Hỗ trợ từ thiện (CAF) Ấn Độ ước tính tổng giá trị “cho đi” ở Ấn Độ chỉ chiếm 0,37% tổng sản phẩm quốc nội, so với con số 1,44% ở Mỹ.

“Khoảng cách giữa việc tạo ra của cải và cho đi đang ngày càng xa,” Deval Sanghavi, đồng sáng lập và đối tác của Dasra, công ty ở Mumbai chuyên tư vấn cho các tổ chức phi lợi nhuận và từ thiện, thừa nhận. “Thậm chí còn có khoảng cách lớn hơn giữa việc cho đi và tác động của nó.” Những gia tộc giàu có lâu đời hơn như Birla, Bajaj và Godrej có truyền thống từ thiện từ xa xưa. Họ làm giàu trong thời kỳ tiền độc lập và chịu ảnh hưởng của triết lý Gandhi về ý tưởng san sẻ sự giàu có cho mọi người. Chẳng hạn như con cháu của gia tộc Tata thậm chí còn không nằm trong số 100 người giàu nhất nước vì tổ tiên họ đã chuyển giao cổ phần của mình cho một số quỹ tín thác từ thiện.

Rohini Nilekani, vợ của Nandan Nilekani, tỉ phú công nghệ, chủ tịch Infosys và là người sáng lập Arghyam, quỹ từ thiện tập trung vào nước và vệ sinh môi trường, cho biết: ý niệm làm từ thiện xã hội chỉ đang dần hình thành trong suy nghĩ của những nhà tài phiệt mới nổi. Nilekani là một trong những nhà từ thiện hàng đầu của Ấn Độ và là một trong bảy gia đình ở Ấn Độ ký Cam kết hiến tặng Gates-Buffett.

Văn hóa “cho đi” của Ấn Độ đã có bước tiến triển trong năm 2014, khi chính phủ bắt buộc các doanh nghiệp có quy mô nhất định phải dành 2% lợi nhuận cho các dự án phúc lợi xã hội. Mặc dù vậy, trong báo cáo chỉ số “cho đi” (World Giving 2018) của CAF (về số tiền quyên góp, thời gian tình nguyện và giúp đỡ người lạ), thứ hạng của Ấn Độ giảm 43 điểm so với năm trước, xếp thứ 124 trên tổng số 146 quốc gia.

Meenakshi Batra, CEO của CAF Ấn Độ, cho biết nguyên nhân của việc sụt hạng này có thể do vào năm ngoái, chính phủ đã thu hồi quy định miễn thuế 100% đối với các khoản quyên góp cho các tổ chức từ thiện được phê duyệt. Các chuyên gia khác trong lĩnh vực này cho biết cần phải đẩy mạnh công tác từ thiện trong khu vực xã hội đang phát triển tốt. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, chính quyền theo chủ nghĩa quốc gia của thủ tướng Narendra Modi đã thẳng tay trừng trị các tổ chức phi lợi nhuận, khiến họ phải xem xét cẩn thận hơn về nguồn tài trợ nước ngoài.

Gần đây, chi nhánh Ấn Độ của tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) đã bị cơ quan thực thi luật pháp liên bang khám xét, các tài khoản ngân hàng của họ bị đóng băng vì cáo buộc liên quan đến nguồn tài trợ nước ngoài. Tổ chức này cho biết họ tuân thủ luật pháp Ấn Độ.

Theo Forbes VietNam