Theo ông Bảo, người Việt ở những thời khắc đất nước khó khăn, nguy biến thì không dân tộc nào sánh được. Nhưng ở thời bình, thì đó là câu chuyện khác. Ngaynay.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Cao Bảo về chủ đề này.
PV: Cuốn sách Khát vọng Việt, vì sao đất nước còn nghèo được ra mắt từ năm 2018, có thể nói theo hiểu biết của cá nhân tôi thì đó là cuốn sách hiếm của giới doanh nhân đương thời. Nói chung những người đang kinh doanh, khi chưa rửa tay gác kiếm thì cũng ít viết sách, bởi nó tiêu tốn thời gian, trí lực rất nhiều. Vậy tại sao ông dành nhiều tâm sức để ra đời cuốn sách này?
Ông Đỗ Cao Bảo: Câu hỏi tôi đưa ra chính là tựa đề cuốn sách, tôi muốn truyền lửa tinh thần và khát vọng của người Việt, khát vọng xoá nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu, vươn tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Trong đó việc đầu tiên là cần trả lời câu hỏi “vì sao đất nước còn nghèo”. Đây không phải câu hỏi và câu trả lời được viết ra trong 1 tuần, 1 tháng hoặc 1 vài năm, mà câu hỏi này tôi đã trăn trở từ 25 năm, 27 năm, từ năm 1989 tôi sang Đức, năm 1990 tôi sang Pháp.
Tôi thực sự là choáng ngợp với những cung điện, lâu đài, nhà thờ, những tòa nhà cực lớn, cực hoành tráng với những cột đá granite bóng láng. Đấy là những công trình họ đã xây dựng từ 500, từ 700 năm trước. Câu hỏi “tại sao 700 năm trước họ đã làm được những công trình kiến trúc kỳ vĩ như vậy, mà mãi 700 năm sau người Việt chúng ta vẫn lấy đất sét trộn bùn rơm đắp làm tường nhà và lấy rơm lợp mái nhà.
Những năm sau này, tôi còn đi nhiều nước Châu Phi, Nam Á để phát triển kinh doanh, trong đó có những nước còn nghèo, lạc hậu hơn cả Việt Nam, họ đã nỗ lực rất nhiều, kể cả áp dụng thể chế dân chủ phương tây, học nguyên si mô hình của Anh, của Mỹ, thế mà họ nghèo vẫn hoàn nghèo.
Sau gần 30 năm suy nghĩ, trăn trở thì một phần nào đó, tôi cũng đã trả lời được câu hỏi vì sao đất nước ta còn nghèo? Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên, quan trọng nhất trong các nguyên nhân, đó là tố chất và tính cách của dân tộc Việt. Người Việt chúng ta có những điểm yếu cố hữu đã cản trở sự phát triển của đất nước, đó là lười biếng, dễ hài lòng, đó là tư duy nhỏ, quanh quẩn xó nhà nhưng lại hay áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác và cuối cùng đó là nền tảng triết học của chúng ta yếu lại không chuẩn. Đây chính là những nguyên nhân cốt lõi nhất khiến chúng ta vẫn còn nghèo.
Việc tôi dành tâm sức để ra đời cuốn sách, một phần muốn chúng ta nhìn rõ được những điểm yếu cố hữu của mình để mỗi người tự thay đổi chính mình, tự khắc phục những điểm yếu, phát huy các điểm mạnh. Tôi muốn mỗi người Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ có tư duy và cách nghĩ đúng, dẫn đến có hành động đúng, nhờ đó nhận được kết quả tốt hơn, thành công hơn. Khi mà nhiều người Việt thành công thì tất nhiên đất nước sẽ giàu có và thịnh vượng hơn.
PV: Nền tảng triết học yếu, áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, nên có nhiều người trong chúng ta có nhận thức sai lầm về đồng tiền nên không thể làm giàu 1 cách chính đáng và nhanh chóng?
Ông Đỗ Cao Bảo: Đúng là có rất nhiều người Việt tuyệt đối hóa giá trị đồng tiền, họ cho rằng đồng tiền là vạn năng, có tiền mua tiên cũng được. Ở khía cạnh khác, nhiều người Việt lại coi khinh đồng tiền, họ cho rằng tiền bạc lắm. Đặc biệt trong quan nhiệm Nho giáo ngày xưa, coi tiền là xấu xa, là tội lỗi, đã coi tiền là xấu xa, là tội lỗi thì không bao giờ kiếm được nhiều tiền.
Cái quan niệm tiền bạc là xấu xa, là tội lỗi này thì có thể đọc được, nghe được trong rất nhiều câu chuyện dân gian, chúng ta luôn thấy những nhân vật nhà giàu, là xấu, là ác, là lừa đảo, chính vì vậy nên doanh nhân, người buôn bán thường bị gọi là con buôn, một kiểu gọi rất miệt thị, coi thường, khinh bỉ.
PV: Nếu đặt người Việt cạnh người Nhật, người Trung Quốc, người Hàn Quốc… ông thấy chúng ta có điểm gì mạnh, điểm gì yếu so với họ, tại sao chúng ta đang ở cách họ một khoảng rất xa trên hành trình phát triển, giàu có?
Ông Đỗ Cao Bảo: Đúng, chúng ta còn 1 khoảng cách rất xa so với họ. Người Hoa (bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore) họ rất chăm chỉ, tính cộng đồng rất cao, họ đề cao thương mại, tôn trọng doanh nhân và buôn bán cũng rất giỏi. Có thể nói, nếu xét về buôn bán, thương mại thì Châu Á không ai qua được người Hoa. Người Nhật, người Hàn thì có tính kỷ luật rất cao, ý chí và nghị lực, chúng ta không sánh được với họ về mặt này.
Tôi nói điều này, có thể nhiều người sẽ phản đối nhưng thực tế là người Hoa, người Hàn, người Nhật họ yêu nước hơn chúng ta. Yêu nước của họ là gì, là họ sẵn sàng mua hàng hóa nội địa, dùng xe ô tô nội địa, dùng quần áo nội địa, chính nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng nội địa mà các doanh nghiệp của họ với vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, trụ vững và lớn mạnh rồi khi đủ tiềm lực sẽ vươn ra thị trường quốc tế, chinh phục thị trường toàn cầu.
Còn chúng ta thì sao, luôn có vô vàn những lý do để không ủng hộ hàng Việt, thậm chí còn bị ném đá tơi tả. Rất nhiều người nói rằng, sản phẩm của ông cứ tốt đi đã, rồi chúng tôi sẽ mua, sẽ ủng hộ, đừng sống nhờ vào lòng yêu nước của chúng tôi.
Nhưng nếu hàng hoá đã thực sự tốt rồi thì cần gì sự ủng hộ, tốt rồi thì bán ra nước ngoài luôn chứ. Chính vì vậy, nếu không có những thay đổi lớn về tư duy, về cách nghĩ, chúng ta sẽ rất khó để bắt kịp 3 đất nước, 3 dân tộc này.
PV: Thế hệ của ông, thời làm FPT thì có thể coi như những doanh nhân đầu tiên của Việt Nam sau đổi mới. Thời đó, để làm giàu, để bung ra buôn bán làm những thứ chưa ai làm, ông và các cộng sự chắc chắn phải gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Cao Bảo: Thời của chúng tôi khởi nghiệp, nói thẳng ra khó hơn bây giờ rất nhiều lần. Thậm chí bây giờ sau Covi-19 cũng chưa khó bằng khi đó. Ngày chúng tôi khởi nghiệp chưa có Luật doanh nghiệp, hành lang pháp lý để bắt tay vào làm chưa có gì cả, rất khó, phải vừa đi vừa dò dẫm. Muốn lập công ty thì buộc phải trực thuộc cơ quan nhà nước, với đủ thứ trói chân trói tay, mặc dù nhà nước không cấp vốn, không cấp tài sản, không cấp nhà cửa.
Thứ 2 nữa là nếu muốn đi nước ngoài, thì phải có quyết định từ cơ quan cấp bộ, có quyết định đồng ý cho đi thì mới được đi, chứ không phải như bây giờ muốn đi là đi, như đi chợ vậy. Thêm nữa là dù có tiền trong tài khoản nhưng tiền mặt không có, muốn có tiền mặt thì buộc phải đổi 10 đồng trong tài khoản lấy 8 đồng tiền mặt, thế mà chưa chắc đã đổi được. Nếu ngồi kể thì có vô vàn khó khăn. Ngay cả đến việc cần lắp một cái điện thoại bàn ở công ty, ở nhà riêng thôi cũng phải làm công văn đi xin giấy phép của bưu điện. Đại thể là phải đến chức nào đó, cấp nào đó mới được phép lắp đặt điện thoại chứ không phải cứ ông doanh nghiệp có tiền là có điện thoại.
Bạn cứ thử hình dung, so sánh như thế này, ngày xưa 100 ông muốn lập doanh nghiệp, thì may ra chỉ 1, 2 ông lập được. Chỉ nói là lập doanh nghiệp thôi đã, chưa nói làm gì. Tức là ở ngay bước đầu tiên đã khó lắm rồi. Giờ thì muốn lập bao nhiêu cũng được, lập nhanh lắm, vấn đề chỉ là lập ra có làm được hay không thôi.
Bây giờ các bạn trẻ khởi nghiệp có nhiều thuận lợi. Thị trường rất rộng mở, nền tảng công nghệ thông tin, internet có thể nói rất mạnh. Nếu chưa đủ vốn, chưa thể làm lớn thì hoặc gọi vốn từ nhà đầu tư, không có thì buôn bán online cũng là khởi nghiệp rồi.
PV: Những cái mà ông và đồng sự tại FPT làm được tất nhiên ai cũng biết, là rất nhiều. Nhưng nếu nhìn nhận lại sau hơn 30 năm, ông thấy điều gì mà ông chưa kịp làm, tập đoàn chưa kịp làm khiến ông thấy tiếc nhất?
Ông Đỗ Cao Bảo: Có nhiều thứ chưa làm được lắm chứ. Ví dụ như ngày xưa, cơ hội lớn nhất lẽ ra chúng tôi nên làm viễn thông di động, thực ra nếu thời đó chúng tôi xin làm, chắc là sẽ được cấp giấy phép. Nhưng lúc đó chúng tôi đã bỏ lỡ.
Nếu làm viễn thông di động thì bây giờ tầm vóc của FPT đã rất khác, viễn thông di động mới là 1 thị trường mênh mông chứ internet chỉ là muỗi thôi. Vì viễn thông di động là thị trường hàng chục tỷ USD, còn internet chắc chỉ bằng 1/10 thôi.
PV: Có lĩnh vực nào mà ông và đồng sự đã thất bại không?
Ông Đỗ Cao Bảo: Có chứ, có thời chúng tôi cũng làm về ngân hàng và bất động sản nhưng đều không thành công, bởi những ngành ấy không phải là sở trường của chúng tôi, hay nói cách khác là chúng tôi đã làm trái ngành.
PV: Sau FPT, theo hiểu biết của cá nhân tôi, thì có rất ít doanh nghiệp tư nhân của người Việt có được thành công giống như cách mà FPT đã khởi nghiệp, đã thành công?
Ông Đỗ Cao Bảo: Tôi cũng nhiều lần đặt câu hỏi tương tự như vậy. Đúng là cũng có nhiều doanh nghiệp tư nhân hình thành, phát triển nhưng quy mô thì chỉ lên tới khoảng 1000-2000 nhân viên là không thể lớn tiếp được nữa. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn làm phần mềm xuất khẩu trước FPT, nhưng khi đến qui mô 1000-2000 người là họ chững lại và đi ngang hoặc tụt dốc.
Tôi cho rằng có thể những doanh nghiệp đó gặp vấn đề về mặt quản lý, lãnh đạo hoặc cũng có thể có những doanh nghiệp họ sớm thoả mãn, họ chấp nhận chỉ ở qui mô đó thôi. Cũng lạ là có nhiều doanh nghiệp nhà nước lại phát triển với quy mô lớn và rộng, với qui mô lên đến hàng chục nghìn người, chỉ có điều số doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả không nhiều.
PV: Tôi xin phép đặt thử 1 giả thiết, nếu hành trình khởi nghiệp của ông bắt đầu ở giai đoạn hiện tại, ông sẽ bắt đầu với lĩnh vực gì?
Ông Đỗ Cao Bảo: Thực ra rất khó để nói được, mỗi thời mỗi khác. Tôi nghĩ rằng, mỗi người có 1 sở trường riêng biệt, vì vậy để khởi nghiệp hay làm bất cứ việc gì, thì đầu tiên cần xem mình có sở trường, có đam mê ở lĩnh vực nào, rồi từ đó mà bắt tay khởi nghiệp ở lĩnh vực đó. Bạn thích ẩm thực chẳng hạn, thì không thể khởi nghiệp với công nghệ thông tin, hoặc ngược lại. Bây giờ là thời đại mở cửa, chúng ta được làm tất cả những gì nhà nước, pháp luật không cấm.
Khi nào bạn thấy thôi thúc, thấy nhất định phải làm việc này, không làm thì không chịu được, không thấy hạnh phúc, lúc đó, bạn nên khởi nghiệp. Hãy làm thứ bạn thấy mình đam mê, bạn có sở trường, chứ không phải làm thứ thị trường đang hot.
Nhưng cũng phải luôn chuẩn bị tâm thế rằng, khởi nghiệp là công việc khó khăn, ai cũng có thể thất bại. Người khởi nghiệp thành công ngay lần đầu tiên rất hiếm. Thực tế đã chứng minh rằng cứ 100 công ty khởi nghiệp thì có đến 70 công ty thất bại, 20 - 25 công ty tồn tại lay lắt và chỉ có 5 - 10 công ty thành công mà thôi. Chính vì vậy mà khởi nghiệp thất bại lần 1, thậm chí thất bại lần 2 cũng là lẽ rất thường tình, không có gì đáng cười chê cả.
PV: Sau Covid -19 chắc hẳn chuyện khởi nghiệp để kiếm tiền, làm giàu cho bản thân, cho xã hội sẽ khó khăn hơn gấp bội?
Ông Đỗ Cao Bảo: Sau Covi-19 này, có thể xảy ra 1 tình huống xấu nhất là không tìm ra vắc xin và covid-19 không biến mất, buộc chúng ta phải sống chung với nó, khi ấy có nhiều ngành nghề sẽ chết. Chẳng hạn nếu khách nước ngoài không thể vào được Việt Nam như trước đây thì hàng không, du lịch, khách sạn sẽ rất lay lắt, không thể hồi phục được.
Chúng ta may mắn vì hàng không nội địa vẫn có thể bay, chứ hàng không Thái Lan, Singapore, Hồng Kông gần như quỵ hẳn. Thai Airway đã đệ đơn xin phá sản. Tôi vừa đọc được câu chuyện rất hay về một phi công Thai Airways, anh ta cởi bỏ áo Phi công chuyển sang chạy grabike để làm quen với cuộc sống mới, tình hình mới, để có tiền nuôi sống mình và gia đình.
Chính vì vậy, chúng ta cũng nên xác lập cho mình 1 tâm thế, đó là sẵn sàng phải đương đầu với khó khăn, có thể nó sẽ đến trong giai đoạn tới. Các nước trong khu vực và trên thế giới không khỏe, thì kinh tế VN cũng rất khó để để khỏe lại như trước dịch, dù chúng ta có lợi thế, là cơ bản khống chế dịch thành công.
PV: Nhưng ông có niềm tin rằng, chúng ta sẽ tiếp tục chiến thắng trên mặt trận kinh tế, sau khi đã thắng Covid -19?
Ông Đỗ Cao Bảo: Tôi luôn thấy tự hào vì thành tích chống dịch phi thường của chúng ta. Cái này không phải tôi nói mà truyền thông nhiều nước trên thế giới ghi nhận, từ Mỹ, Úc, Pháp… họ đã nhiều lần nói về kết quả chống dịch đáng mơ ước của chúng ta. Khi chúng ta đã thắng Covid-19 thì có thể thừa thắng xốc tới trên mặt trận kinh tế. Tôi tin là như vậy, dù rất khó khăn.
PV: Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện ngày hôm nay!
Theo Ngày Nay