"16 năm theo nghề, điều tôi tự hào nhất là đến thời điểm này mới chỉ có Công ty Du thuyền Việt Princess đưa được một du thuyền ngủ đêm chuẩn 5 sao đầu tiên đậu trên bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ”, Hải khoe.
Học Đại học Sư phạm khoa tiếng Anh và chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch quốc tế, triết lý khởi đầu sự nghiệp của Hải là từ những việc nhỏ nhất. Và, Hải đã trải qua rất nhiều vị trí: hướng dẫn viên, trưởng đoàn Indochina (Đông Dương), điều hành du lịch, bộ phận đặt phòng, phòng kinh doanh, phòng MICE tại một số công ty du lịch ở TP.HCM.
Năm 2003, thành lập công ty du lịch đầu tiên tại Campuchia, Hải hợp tác với công ty Pandaw Cruises chuyên đóng tàu và cung cấp sản phẩm du lịch trên sông Mekong. Tại đây, Hải có dịp làm quen với anh Trương Quang Cường (hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Việt Princess) và anh Phạm Văn Sành (Giám đốc Kỹ thuật).
Sau nhiều năm cả ba cùng ấp ủ giấc mơ, năm 2012, công ty Du thuyền Việt Princess ra đời và năm 2013, chiếc tàu đầu tiên của Việt Princess mang tên Avalon Siem Reap gồm 18 cabin (phòng), 36 khách đã được tập đoàn Globus Family of Brands - một trong những công ty du thuyền 5 sao tại Mỹ, đang sở hữu khoảng 20 du thuyền 5 sao hoạt động ở châu Âu, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Peru, Galapagos Island, thuê lại trong 5 năm. Đây cũng chính là động lực để Việt Princess tự tin bước vào lĩnh vực kinh doanh du thuyền.
Năm 2014, con tàu Mekong Princess đã được rất nhiều du khách đón nhận, bởi đây là con tàu nhỏ đầu tiên hoạt động chỉ với 12 cabin, 24 khách và đặc biệt là tàu có thể đưa khách đi tham quan nhiều điểm du lịch mà những con tàu lớn không vào được. Trên đà thành công, năm 2016, chiếc du thuyền nhà hàng 5 sao đầu tiên trên sông Sài Gòn - Saigon Princess với sức chứa 300 khách cũng được Việt Princess đưa vào khai thác. Đến tháng 7/2017, con tàu thứ tư với 18 cabin, 36 khách cũng xuất xưởng theo hợp đồng thuê 5 năm của công ty Avalon Waterways.
Nhớ lại thời kỳ đầu, Hải nói: "Không thành công nào mà không trải qua nhiều thăng trầm. Hàng loạt khó khăn chúng tôi trải qua lúc đó như Hiệp định Thủy nội địa giữa Việt Nam và Campuchia chưa có nên việc kinh doanh qua lại giữa hai nước bị hạn chế, các thủ tục, giấy phép thì nhiêu khê, cơ sở vật chất, bến bãi, cầu phao, khu vực đón khách... cũng chưa có tiêu chuẩn để đón khách quốc tế.
Mãi đến năm 2011, Hiệp định về vận tải đường thủy giữa Việt Nam và Campuchia mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng giấy phép hoạt động cũng chỉ áp dụng cho từng con tàu, từng năm nên công ty không thể xây dựng chiến lược phát triển, muốn đầu tư dài hạn cũng rất khó". Không ít lần chán nản, thậm chí tính bỏ cuộc, nhưng mỗi ngày nhìn những con tàu đi lại trên sông Mê Kông lúc đó chỉ có tàu đạt tiêu chuẩn 2 hoặc 3 sao, rất ít tàu 4 sao và 5 sao thì hầu như chưa có, trong khi lượng khách quốc tế có xu hướng du lịch bằng tàu ngày càng nhiều nên Hải và đội ngũ quyết không bỏ qua cơ hội này.
Song lý do sâu xa là nhiều năm gắn bó với nghề, nhìn thấy con sông Mê Kông rất đẹp, "đặc biệt là trên cùng một dòng sông nhưng có hai nền văn hóa Việt Nam - Campuchia nên tâm huyết của tôi là muốn khai thác nét đẹp thiên nhiên tiềm ẩn này và cao hơn nữa là muốn chứng minh cho thế giới thấy người Việt Nam có thể thiết kế và đóng du thuyền 5 sao, đồng thời giới thiệu dịch vụ 5 sao cho khách đi du thuyền trên toàn thế giới", Hải thổ lộ.
Thế mạnh của Việt Princess là có đội ngũ công nhân đóng tàu có tay nghề lâu năm nên tàu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, không rung lắc, không ồn. Bên cạnh đó, với hơn 10 năm cung cấp dịch vụ, Hải thu thập được nhiều ý kiến của khách hàng để khắc phục những điều khách chưa hài lòng, từ nhà vệ sinh, giường nằm đến sự trải nghiệm trên tàu. Cùng dịch vụ và quy mô nhưng vận hành một con tàu khách sạn di chuyển trên sông áp lực hơn nhiều so với vận hành một khách sạn trên cạn.
Hải giải thích: "Một con tàu hoạt động 8 ngày 7 đêm trên sông thì phải có 21 bữa ăn sáng, trưa, tối và 7 buổi cocktail. Vì vậy, ẩm thực trên tàu phải thay đổi thường xuyên để du khách không thấy nhàm chán, các đầu bếp cũng phải thuần thục các món ăn của phương Tây, Việt Nam, Campuchia và cả món của Lào, Myanmar... Ngoài ăn uống, việc vận hành con tàu an toàn cũng không kém áp lực, chưa kể còn phải đáp ứng nhiều dịch vụ khác như phòng gym, massage, đưa khách đi chơi, tham quan...".
Chọn đóng tàu có tải trọng nhỏ để kinh doanh, Hải cho biết: "Xét về bài toán kinh doanh, đóng một con tàu nhỏ nhưng chi phí vận hành không khác một con tàu lớn thì hiệu suất sinh lời sẽ ít hơn, thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn, thay vì 5 năm thì phải mất 8 - 10 năm. Đó là lý do rất ít công ty chọn đầu tư tàu nhỏ. Tuy nhiên, mình làm những gì người khác không làm thì đó là sự khác biệt. Năm năm qua, du lịch đường sông phát triển rất mạnh với lượng du khách tăng khoảng 100 ngàn lượt và dự báo 5 năm tới sẽ tăng thêm 26 - 32%. Đặc biệt, khách thượng lưu ở nước ngoài, những nhóm khách gia đình hoặc bạn bè muốn đi chơi chung trên những con tàu riêng, với nhà hàng đạt chuẩn đang trở thành xu hướng. Nếu kinh doanh với tàu to thì chỉ đi được trên sông lớn, trong khi Việt Nam có nhiều hệ thống sông, hồ và lợi thế của tàu nhỏ là có thể len lỏi vào các con sông nhỏ, các điểm du lịch mà ngay cả du khách Việt Nam cũng chưa biết đến".
Hải chia sẻ chiến lược sắp tới của Việt Princess: "Chúng tôi mong muốn xây dựng thương hiệu du thuyền Việt không thua kém các du thuyền 5 sao của châu Âu. Thế nhưng hạn chế của công ty là không có nhiều vốn, trong khi chi phí đóng tàu lại rất cao, khoảng từ 3 - 3,5 triệu USD/tàu nên chúng tôi mong tìm được những nhà đầu tư có cùng tâm huyết. Hiện chúng tôi đã có ba đơn đặt hàng đóng tàu từ nước ngoài nhưng không đủ tiền để thực hiện".
Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Việt Princess vẫn là con người. "Để một hợp tác thành công, các thành viên phải biết được đích đến của mình là gì, và đích đến chung của chúng tôi là phát triển công ty trở thành thương hiệu uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu và có đủ khả năng vận hành du thuyền đạt chuẩn 5 sao", Hải khẳng định.
Theo Lữ Ý Nhi
DNSG