Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Doanh nhân Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai: Người ươm mầm lao động

12/02/2019 16:20

Không chỉ kết nối doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai còn là người ươm mầm lao động chất lượng thông qua đào tạo, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản để tiếp thu công nghệ, phục vụ phát triển đất nước.

Doanh nhân Lê Long Sơn.)

Cầu nối doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam

Nhiều người ví doanh nhân Lê Long Sơn (Giám đốc Công ty TNHH Esuhai) như “cầu nối” giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, song ông bảo, bản thân chỉ mong muốn tận dụng được cơ hội tốt nhất cho Việt Nam và thanh niên Việt Nam phát triển.

Cách đây 23 năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM (ngành cơ khí), chàng sinh viên trẻ Lê Long Sơn sang Nhật Bản nghiên cứu về kỹ thuật khuôn mẫu theo chương trình thạc sĩ chuyên ngành cơ khí tại tại Đại học Nông nghiệp và Công nghiệp Tokyo, với mục tiêu có thể trở về thành lập nhà máy sản xuất khuôn mẫu tại Việt Nam.

Trong quá trình học tập, Lê Long Sơn nhận ra, nếu làm cơ khí thì chỉ có thể sản xuất ra một sản phẩm nhất định, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản lại rất lớn.

“Thay vì làm một cái khuôn, tôi muốn đưa nhiều kỹ sư và thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học và làm việc để có thể tiếp thu và mang công nghệ về phục vụ phát triển đất nước. Vì vậy, tôi đặt quyết tâm theo đuổi con đường đào tạo, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản”, ông Sơn chia sẻ.

Khi đó, ông cũng nhận thức được, nền công nghiệp Nhật Bản được cấu thành và phát triển bởi hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này có quy mô về nhân lực khác nhau, nhưng đều chuyên môn hóa. Họ sở hữu máy móc, quy trình công nghệ chuyên nghiệp, kỹ thuật sản xuất với độ chính xác cao…

Tuy nhiên, đến khoảng năm 2000, Nhật Bản bắt đầu rơi vào khủng hoảng nguồn nhân lực khi không đủ lao động làm việc, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ phá sản hoặc dừng hoạt động.

Trong quá trình tìm hiểu các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Sơn nhớ nhất kỷ niệm được đến thăm một công ty cơ khí chính xác nhỏ đã có 30 năm hoạt động. “Vị giám đốc công ty chia sẻ, ông đã 5 năm liên tục tuyển dụng nhân lực để đào tạo với mong ước có người kế thừa cơ nghiệp, vì hai con gái không muốn tiếp tục công việc của cha, nhưng không tuyển được người. Tôi liền đặt vấn đề cho người Việt Nam vào làm việc. Thật may mắn, lời đề nghị của tôi được chấp nhận”, ông Sơn nhớ lại.

Năm 2006, thực tập sinh đầu tiên do ông Sơn tiến cử sang làm việc 3 năm tại Công ty đã kết thúc công việc và trở về nước. Điều đáng nói là, chính vị giám đốc Công ty đã quyết định đầu tư cơ sở tại Củ Chi (TP.HCM) và chuyển giao nhà máy đầu tiên cho thực tập sinh này khởi nghiệp.

Đến nay, O.N.Precision - công ty do thực tập sinh của ông Sơn gây dựng đã phát triển mạnh, có thể nhận các hợp đồng lớn trong ngành gia công cơ khí siêu chính xác tại Việt Nam.

Câu chuyện “có hậu” trên chỉ là một trong những minh chứng về kết quả xứng đáng cho những nỗ lực vì thế hệ trẻ Việt Nam của ông Sơn. Ông cho biết, Esuhai đang cố gắng tiếp cận nguồn dữ liệu của khoảng 3,8 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản. Rất có thể, nhiều doanh nghiệp trong số đó có kế hoạch mở rộng đầu tư ra ngoài nước Nhật và đó chính là cơ hội cho người Việt trẻ đam mê, dám dấn thân, học hỏi.

Không chỉ giúp người Việt trẻ tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Sơn còn tích cực trong vai trò cầu nối, đưa doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư tại Việt Nam.

Đến nay, trong gần 600 doanh nghiệp Nhật Bản mà Esuhai tiếp cận, đã có 65 công ty đầu tư sang Việt Nam. Đặc biệt, những công ty này đã tuyển dụng lao động Việt Nam từng học, thực tập, làm việc tại Nhật Bản và giao các vị trí quan trọng như điều hành, quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh… Ngoài ra, có trên 70 doanh nghiệp đang tìm hiểu và dự kiến đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Esuhai sẽ cố gắng kết nối để các doanh nghiệp này sang Việt Nam đầu tư. Tôi cho rằng, đây là kênh phát triển doanh nghiệp phụ trợ cho nước nhà rất tốt. Quá trình thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng giúp nguồn lao động trẻ Việt Nam đã từng học tập và làm việc tại Nhật Bản tiếp tục sử dụng chất xám, kỹ năng để phát triển sự nghiệp và góp phần vào sự phát triển của đất nước”, ông Sơn bày tỏ.

Khát vọng về một nền công nghiệp phát triển ở Việt Nam 

Ông Lê Long Sơn luôn mong ước, Việt Nam có thể phát triển mạnh về công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ như Nhật Bản. Nhưng theo ông, một trong những điểm yếu của nước ta là chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, con đường nhanh và thực tế nhất giúp lao động Việt Nam đạt trình độ như người Nhật là đưa họ trực tiếp vào làm việc trong các nhà máy của Nhật Bản để rèn luyện.

“Tôi đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ về chương trình và cách thức triển khai. Để được tiếp nhận làm việc tại các nhà máy, công ty của Nhật Bản, thực tập sinh và người lao động Việt Nam phải có khả năng ngoại ngữ (tiếng Nhật) tốt, hiểu được văn hóa làm việc của người Nhật, đặc biệt là phải có quyết tâm”, ông Sơn nói.

Ông đặt niềm tin, nếu lao động trẻ Việt Nam có đủ tinh thần quyết tâm, cùng sự nhiệt tình hướng dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản, thì chỉ sau 3 - 5 năm, sẽ có thể sản xuất ra được những chi tiết linh kiện sản phẩm với chất lượng Nhật Bản.

Đó cũng chính là lý do, Esuhai, công ty chuyên về xuất khẩu lao động chính thức ra đời vào năm 2005. “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục tăng nhanh, mạnh số lượng thực tập sinh và kỹ sư sang Nhật Bản làm việc để thực hiện được những mong ước đặt ra”, ông Sơn nhấn mạnh.

Với chủ trương phái cử thực tập sinh, kỹ sư sang Nhật Bản làm việc, không chỉ qua xuất khẩu lao động, mà qua chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật, nên tiêu chí chọn thực tập sinh tại Esuhai cũng đặc biệt.

“Chúng tôi lựa chọn những người có ý chí và xác định đi là để trở về phát triển đất nước. Do đó, một chương trình đào tạo bài bản với thời gian 10 - 12 tháng để lao động có nền tảng ngoại ngữ đạt chuẩn bên cạnh những yêu cầu về kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc... là điều kiện tiên quyết ở Esuhai. Định hướng này cũng giúp các thực tập sinh có suy nghĩ tích cực, ý chí vươn lên để hòa nhập cuộc sống tại doanh nghiệp Nhật Bản ngay từ đầu. Tôi kỳ vọng, những lao động này có thể trở thành ông chủ, quản lý, chuyên gia kỹ thuật trong tương lai khi về nước”, ông Sơn nói.

Thực tế, những tâm huyết, nỗ lực của ông Sơn đã bắt đầu cho quả ngọt, bởi trong số hơn 1.000 thực tập sinh về nước, Esuhai đã có trong tay danh sách 586 thực tập sinh. Hầu hết trong số họ đều đã nhận được công việc liên quan đến Nhật ngữ, giữ vị trí trưởng bộ phận quản lý sản xuất, trưởng phòng tổng vụ hoặc cao hơn là cương vị lãnh đạo trong các doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam hoặc nhiều công ty khác. Đặc biệt, có khoảng 12 thực tập sinh đã khởi nghiệp và bước đầu vận hành doanh nghiệp thành công.

“Không phải 100% thực tập sinh sau khi về nước sẽ tiếp tục làm trong ngành nghề đã thực tập, nhưng họ đã tận dụng những gì mình học được tại Nhật Bản để phát triển sự nghiệp. Thanh niên Việt Nam có tố chất tốt, năng lực, tinh thần và sự cố gắng cao. Nếu được định hướng và đầu tư tốt, tôi tin chắc, các bạn trẻ rất tài năng này sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước”, ông Sơn nhấn mạnh.

Hai lần được Quốc hội Nhật Bản mời đóng góp ý kiến

Với mục đích đóng góp cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực tiếp thu công nghệ kỹ thuật và văn hóa Nhật Bản, năm 2001, ông Lê Long Sơn bắt đầu sự nghiệp với các vị trí như: cố vấn cho tổ chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản; Giám đốc Công ty Esuhai, Trung tâm Đào tạo Kaizen, thực hiện công tác đào tạo, tư vấn và kết nối đầu tư…

Ông Lê Long Sơn là người nước ngoài duy nhất 2 lần được Quốc hội Nhật Bản mời đóng góp ý kiến. Gần đây nhất, ông đã đóng góp ý kiến về chương trình mới liên quan đến vấn đề tiếp nhận lao động nước ngoài đến Nhật Bản làm việc và Dự luật Kiểm soát nhập cư mới của Nhật Bản.

Theo Đầu Tư