Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Doanh nhân Phạm Năng Thành: “Phải liều mới được nhiều”

12/02/2019 14:39

Sau đơn hàng đầy liều lĩnh tới thị trường Nga, Giám đốc Phạm Năng Thành và Công ty TNHH Thuận Tâm Thành đã chiếm được sự tin tưởng của đối tác để rồi tự tin vươn tới thị trường Hàn Quốc, Dubai, Trung Quốc… và sắp tới là Nhật Bản.

Doanh nhân Phạm Năng Thành.)

“Vua chuối đất Bắc”

Nếu phương Nam có “vua chuối” Võ Quan Huy, người từng làm nên kỳ tích khi đưa chuối Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc…, thì biệt danh “Vua chuối đất Bắc” sẽ dành cho Giám đốc Phạm Năng Thành của Công ty TNHH Thuận Tâm Thành, với thương hiệu chuối xuất khẩu 3T.

Anh Thành đến với chuối và thành lập Thuận Tâm Thành sau một hành trình thử sức với nhiều nghề khác nhau. Quê hương Khoái Châu, Hưng Yên là nơi anh lựa chọn lập nghiệp lần này.   Tìm hiểu, anh nhận thấy nhu cầu tiêu dùng chuối tại thị trường nội địa và thế giới rất lớn, nhất là với các sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Nhu cầu tiêu dùng chuối ở các thị trường nước ngoài rất lớn. Philippines dù là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu chuối, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thị trương Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Còn rất nhiều khoảng trống để các nhà sản xuất của Việt Nam chen vào các thị trường này”, anh Thành nói về lý do chọn chuối chứ không phải là một loại nông sản nào khác.

Càng làm, anh càng nhìn thấy cơ hội to lớn từ loại nông sản này. Quan điểm được anh xác định ngay từ đầu là làm bài bản, theo đúng tiêu chuẩn VietGap để có thể bán sản phẩm vào siêu thị với giá cao, chứ không làm nhỏ lẻ như nông dân truyền thống.

Đến thời điểm này, Thuận Tâm Thành sở hữu 40 ha diện tích trồng chuối tiêu hồng tại tỉnh Hưng Yên và gần 70 ha tại Tây Nguyên. Nhưng toàn bộ sản lượng tại Hưng Yên chỉ đáp ứng đủ cho thị trường nội địa và chiếm 5% tổng sản lượng chuối của Công ty.  Địa chỉ bao tiêu 95% sản lượng chuối còn lại là các thị trường xuất khẩu như Hàn Quốc, Nga, Dubai, Trung Quốc… và từ năm 2019 sẽ có thêm Nhật Bản.

Anh Thành hồ hởi, giá xuất khẩu chuối 3T trong những năm qua khá ổn định, ở mức 700-1.000 USD/tấn, doanh thu xuất khẩu cả năm 2018 của Tâm Thuận Thành vào khoảng 4 triệu USD. Công ty sản xuất ra đến đâu, đều được xuất khẩu hết và không lo được mùa mất giá.

“So với năm đầu tiên xuất khẩu với các đơn hàng nhỏ lẻ, chủ yếu vừa làm vừa thăm dò thị trường là chính, đến năm 2017 - 2018, sản lượng xuất khẩu của Tâm Thuận Thành đã tăng rất mạnh, đều ở mức 4.500 - 5.000 tấn/năm. Điều đó đã tiếp sức thêm mạnh cho Công ty trong hành trình làm chuối sạch ở quy mô lớn hơn”.

“Không liều, cơ hội sẽ vụt qua mất”

Đến nay, toàn bộ hợp đồng xuất khẩu của Thuận Tâm Thành đều được ký trực tiếp, chứ không phải qua trung gian. Điều này có nghĩa, Công ty “làm tất, ăn cả”, không bị mất phí cho bên thứ 3. Đặc biệt, đa phần những hợp đồng đó có được là do sự liều lĩnh của Giám đốc Phạm Năng Thành. “Nếu không liều, cơ hội sẽ vụt qua mất”, anh nói.

Đơn hàng mạo hiểm và liều lĩnh nhất chính là đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đi Nga vào năm 2014. Thời điểm đó, anh Thành còn chưa biết gì về thương mại quốc tế, thủ tục xuất khẩu, mà phải tự tìm hiểu trên mạng. Anh tâm niệm, phải liều, phải dấn thân, không có con đường nào khác.

“Tôi phải tìm phần mềm dịch tiếng Nga để giao dịch với đối tác. Khi đó, đối tác đòi giữ lại 20% giá trị đơn hàng, sau khi nhận hàng mới giao nốt. Dù biết đây là một chuyến hàng đầy mạo hiểm, nhưng tôi vẫn chấp nhận”, anh Thành nói.

Sau nhiều ngày hồi hộp chờ đợi, kết quả nhận được trên cả mong đợi. Đơn hàng không những được vận chuyển suôn sẻ, mà khách hàng còn vô cùng hài lòng với sản phẩm chuối 3T, cũng như cách mà Công ty đã tin tưởng họ, dù chưa một lần giao dịch. Những đơn hàng tiếp theo cứ thế mở ra với Tâm Thuận Thành.

“Làm việc với đối tác nước ngoài, dù là chưa quen biết, nhưng cần phải có niềm tin thì mới làm được, nếu chặt chẽ quá, sẽ rất khó.  Thuận Tâm Thành dù chưa phải là công ty xuất khẩu chuyên nghiệp, nhưng tôi có niềm tin vào chất lượng sản phẩm của mình”, anh Thành nhớ lại.

Làm chuối tưởng rất dễ, nhưng làm chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không ngon ăn. Làm gì thì làm nhưng phải làm chủ được công nghệ thì mới đảm bảo chất lượng đi kèm số lượng. Tâm niệm điều đó, Thuận Tâm Thành đã áp dụng sản xuất lớn theo quy mô công nghệ chế biến như nước ngoài. Đó cũng là lý do khiến tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của Công ty rất thấp.

Dịch chuyển để làm lớn

Philippines là nhà xuất khẩu chuối chính cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Chuối chiếm 48,7% tổng lượng hoa quả nhập khẩu của Hàn Quốc, trong đó 98,7% nguồn cung là từ Philippines. Tuy nhiên, chuối Việt, trong đó có chuối 3T, đang vào thị trường này rất thành công.

Làm chuối tưởng rất dễ, nhưng làm chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu không hề ngon ăn.

Khi thị trường tốt lên, anh Thành nghĩ đến chuyện cần phải làm lớn hơn. Hạn điền tại Hưng Yên không thể thỏa mãn nhu cầu làm chuối quy mô lớn của Công ty, nên anh quyết định phải dịch chuyển. Sau nhiều chuyến đi khảo sát, thăm dò, Gia Lai là nơi được lựa chọn để mở rộng hạn điền, gia tăng diện tích, sản lượng xuất khẩu.

“Tôi dốc gần như toàn bộ vốn liếng vào Gia Lai để mở rộng hạn điền canh tác, tăng sản lượng chuối xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư vào Gia Lai riêng trong năm 2018 là 50 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ đến Đắk Lắk và miền Tây cũng đã trong tầm ngắm”, anh Thành chia sẻ kế hoạch dịch chuyển của mình.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2018 đạt gần 4 tỷ USD. Triển vọng thị trường trong những năm tới sẽ rất tốt với những doanh nghiệp đầu tư lớn, đánh trúng vào những sản phẩm mà thị trường cần. Đó là lý do người đàn ông này quả quyết, trong 3 năm tới, anh vẫn dồn sức cho khu vực sản xuất lớn tại Tây Nguyên.

Với một doanh nhân “chân đất”, có thâm niên dấn thân vào nông nghiệp chưa lâu như anh Thành, thì nguồn vốn vẫn là bài toán đầu tiên trong kế hoạch mở rộng đầu tư. Hiện tại, vốn vay ngân hàng mới đáp ứng được 20-30% nhu cầu vốn đầu tư của Công ty, bởi tài sản thế chấp đang bị hạn chế.

“Để có quỹ đất đủ lớn phục vụ sản xuất, Thuận Tâm Thành phải đi thuê, chứ không thể một sớm một chiều sở hữu ngay được. Trong số 50 ha chuối tại Gia Lai, Công ty chỉ mua được 15 ha, còn lại phải đi thuê. Dù Công ty rót vào tài sản đi thuê đó vài chục tỷ đồng, nhưng không thể mang đi thế chấp ngân hàng”, anh trăn trở.

Cũng có một số doanh nghiệp nước ngoài mong muốn liên kết với Thuận Tâm Thành để sản xuất chuối xuất khẩu, nhưng họ cũng yêu cầu có tài sản đất đai sở hữu. “Nhưng tôi vẫn tin, đã bước được ngần này bước chân rồi, những trở ngại đó sẽ qua mau”, anh Thành nói.

Một trong những điều khiến anh Thành tin tưởng ở kế hoạch đầu tư sắp tới và quyết định liều thêm, là Thuận Tâm Thành vừa có đơn hàng đầu tiên với thị trường Nhật Bản, thành viên trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1/2019. Riêng thị trường này có nhu cầu nhập khoảng 1,2 triệu tấn chuối /năm. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc cũng rất tiềm năng, bởi Thuận Tâm Thành chỉ xuất khẩu chính ngạch, điều mà chưa nhiều doanh nghiệp nông sản trong nước làm được.

Việc học của tôi chưa bao giờ dừng lại

Năm 2018 là năm bận rộn của anh với kế hoạch dịch chuyển vào Tây Nguyên?

Đúng vậy. Tôi nhớ không chính xác, nhưng có lẽ đã có trên 70 chuyến bay tới vùng đất này.

Như vậy, thời gian ở nhà chỉ tính bằng ngày?

Năm qua, thời gian tôi ở nhà rất ít. Ngay sau đây, tôi sẽ ra sân bay để vào làm việc với đối tác, thuê thêm đất cho chiến lược mở rộng hạn điền của Công ty.

Sự nghiệp học hành dở dang, chỉ học hết phổ thông, chưa hề kinh qua trường đại học nào… có làm khó anh trong kinh doanh?

Ngày xưa, gia đình không có điều kiện, nên tôi đã phải tạm dừng việc học giữa chừng. Dù vậy, việc học của tôi chưa bao giờ dừng lại. Tôi vẫn đang học mỗi ngày, học những đối tác, những bạn bè và cộng sự của mình. Nhưng tôi nghĩ, khi kinh doanh hay làm bất cứ việc gì vẫn cần một chút mạo hiểm, một chút liều và phải có đam mê.

Theo Đầu Tư