Quan niệm của doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO là khi làm gì cũng phải nghĩ đến cạnh tranh tầm quốc gia.
“Trại bò nhà anh chắc sau tết sẽ khánh thành”. Ít ai có thể hình dung được Trần Bá Dương mà tên tuổi gắn bó mật thiết với ngành công nghiệp cơ khí - ô tô giờ nói chuyện về bò, heo, chuối, xoài…, lại đam mê chả kém gì ô tô năm xưa.
Doanh nhân Trần Bá Dương.
Bài bản ngay từ đầu để đi xa
Hơn 2 năm, sau cú rẽ ngoặt bất ngờ vào nông nghiệp với Hoàng Anh Gia Lai và sau này là Hùng Vương, ông Dương đang miệt mài định hình nền tảng nhằm gây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bài bản cho những bước đi thật lâu và thật xa.
Có thuận lợi từ quỹ đất nông nghiệp lớn do đối tác khai phá được trước đó, điều mà ông Dương đang lao tâm khổ tứ hiện nay, chính là đưa hoạt động sản xuất vào chuẩn mực để phát huy quy mô lớn. Để làm được điều này, kinh nghiệm làm sản xuất công nghiệp lớn trong gần 20 năm qua khi gây dựng THACO nơi vùng đất cát Chu Lai đến cơ ngơi ngày hôm nay giúp ích rất nhiều.
“Doanh nghiệp làm nông nghiệp nếu không bài bản cũng khó đi xa”, ông Dương chia sẻ và cho biết, sẽ làm ráo riết trong 2 - 3 năm nữa để mảng nông nghiệp vào nề nếp.
Cú bước chân đột ngột vào nông nghiệp khi hợp tác đầu tư cùng Hoàng Anh Gia Lai với số tiền bỏ ra cả tỷ USD ngay trong năm đầu tiên hay sau đó là hợp tác cùng Thủy sản Hùng Vương trong chăn nuôi heo cũng được ông Dương xem như duyên trời định, mở ra cho THACO cơ hội phát triển mảng sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
.
Còn nhớ hồi đầu năm nay, ông Dương đã làm nóng không khí của Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp khi cho rằng, “nếu làm kinh doanh mà cứ chờ giải cứu thì không phải là làm kinh doanh. Dán băng rôn đi bán cái này, giải cứu cái kia làm mất đi nhuệ khí, mất trạng thái tự do, mất tinh thần của nền sản xuất kinh tế thị trường”.
Có quá trình chứng kiến nhiều nông dân ở vùng nông thôn tại Chu Lai, Núi Thành (Quảng Nam) đã trưởng thành nhờ được đào tạo bài bản khi bước chân vào làm sản xuất ô tô quy mô lớn ngay tại quê hương, góp phần nên thành công của THACO, ông Dương cũng cho rằng, phải coi nông nghiệp là một ngành sản xuất hàng hóa, một ngành kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường. Ở đó có một chuỗi cung ứng là người trồng, người chế biến, người vận chuyển, người bán…, chứ không phải là những thông tin thái quá dẫn đến cách hiểu "nông nghiệp là nghèo nàn, thấp kém", khiến người nông dân chạnh lòng.
Nhằm tới hướng sản xuất hữu cơ tích hợp từ khâu trồng, nuôi, bảo quản, thuyền trưởng của THACO cũng cam kết sẽ "làm cho ra ngành nông nghiệp hữu cơ tích hợp" từ cây ăn trái, chăn nuôi.
Sau khi doanh nghiệp lớn đã hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp, sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân nhỏ lẻ sẽ được tham gia vào một chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra của hàng hóa.
Nghe ông Dương kể chuyện làm nông nghiệp với những chi tiết rất cụ thể như bò, heo mua bao tiền, nuôi bao lâu sẽ đẻ, bán ra giá thế nào…. hay chốc chốc lại nhấc máy điện thoại trao đổi cùng những cấp dưới đang đảm trách mảng nông nghiệp hay phụ trách kỹ thuật việc chăm sóc bò, quản lý xuất chuồng đàn heo với tâm trạng hào hứng, hình ảnh về một Trần Bá Dương năm 2002 mang dự án làm ô tô ở Chu Lai ra Hà Nội thuyết trình với đầy hoài bão, khát khao và khát vọng về sản xuất được ô tô tại Việt Nam trở lại đầy sống động.
Đặt mục tiêu cung cấp bò thịt và heo theo hướng kinh doanh lớn và ổn định, ông Dương cũng chia sẻ, mong muốn làm nông nghiệp thành công cũng là trách nhiệm với đất nước, giống như mơ ước đã đạt được ở ngành cơ khí và ô tô của THACO.
Thành công với sản xuất công nghiệp quy mô lớn và có hàng chục nghìn lao động trực tiếp trong trong chuỗi sản xuất cơ khí - ô tô nên giấc mơ nuôi bò, nuôi heo của ông Dương cũng khác người, với đích đến là đàn bò cả trăm ngàn con hay đàn lợn sẽ cả triệu con.
Hiểu rõ làm nông nghiệp có rủi ro từ ngoài, nên ông cũng đặt mục tiêu xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng ngay từ đầu và quản lý nghiêm túc trong quá trình hoạt động trên các yếu tố môi trường, xử lý chất thải hay thương hiệu để tạo uy tín với khách hàng, mở lối thênh thang trong tương lai không xa.
“Tôi vẫn xem nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng. Nếu làm tốt trên nền tảng hữu cơ thì nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh quốc tế, đồng thời có tính ảnh hưởng lan tỏa rộng và nhanh đến đời sống nhân dân Việt Nam”, ông chia sẻ.
Đan dày thành công
Sau gần 20 năm lập nghiệp ở Chu Lai, ông Trần Bá Dương với khát vọng về sản xuất ô tô tại Việt Nam đã chinh phục được nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới đến hợp tác, mở rộng vùng phủ sóng của thương hiệu.
Những lô xe du lịch Kia, xe bus THACO hay sơ mi rơ moóc sản xuất tại Chu Lai đã tiến ra thị trường nước ngoài. Theo kế hoạch, năm 2020, có hơn 1.200 xe du lịch Kia các loại xuất sang ASEAN, gồm Thái Lan, Myanmar, hay Philippines sau đó. Việc xuất khẩu cũng được kỳ vọng tốt hơn trong năm 2021, khi giao thương tăng. Trước đó xe bus THACO đã xuất khẩu sang Philippines hay sơ mi rơ moóc đã vượt đại dương sang Mỹ.
Với nền tảng sản xuất hiện có của THACO trong ngành ô tô, các thương hiệu tiếp tục tìm đến, mở rộng hợp tác sản xuất tại Việt Nam cũng là điều không lạ.
“THACO có nền tảng sản xuất ô tô, có sẵn bộ gá, các trang thiết bị máy móc, nên nếu đạt sản lượng tiêu thụ lớn thì sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam vẫn có hiệu quả. Chưa kể, sẽ chủ động hơn về thời gian, màu sắc của xe hay kho bãi, vận chuyển so với nhập khẩu xe nguyên chiếc”, ông Dương chia sẻ.
Nếu chưa đến THACO, chưa ngắm Chu Lai tận mắt, sẽ khó thấu hiểu chặng đường đầy gian khó mà ông Dương đã đi qua để có cơ ngơi sản xuất công nghiệp quy mô lớn như ngày hôm nay.
Tôi quan niệm, khi làm gì cũng phải nghĩ đến cạnh tranh tầm quốc gia. Nền kinh tế của Việt Nam xuất phát là nông nghiệp với lực lượng lao động cần cù và xuất thân từ nông thôn. Nếu chúng ta tạo ra nền sản xuất nông nghiệp tốt để nguồn nhân lực này quay về nông thôn sản xuất nông nghiệp với thu nhập ổn định thì chắc chắn có lực lượng sản xuất tốt hơn các quốc gia khác.
Sau những vật lộn để tìm đường đi nước bước cho làm ô tô năm 2002, rồi vượt qua các cuộc khủng hoảng hồi 2008 - 2010, 2014 - 2015, vấn đề kinh doanh có điều kiện rồi hội nhập, thuế về 0%, đến thời điểm này, ông Dương tự tin rằng mình ổn, nhờ có chiến lược đúng đặt ra từ cách đây hai chục năm.
Bên cạnh thành công của ngành cơ khí - ô tô, kế hoạch mới cho nông nghiệp đường dài, THACO cũng đang không ngừng chuyển đổi mình theo hướng thông minh hơn với số hóa.
Đẩy mạnh tự động hóa và ứng dụng số hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của THACO auto để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Với hệ thống quản trị doanh nghiệp đã được dày công tạo dựng trong nhiều năm qua, việc số hóa để quản lý và xử lý công việc nhanh hơn cũng đang được THACO áp dụng trong toàn doanh nghiệp.
Đào tạo thế hệ kế cận cũng là điều được ông Dương quan tâm. Các nhân sự lớn tuổi, gắn bó với THACO từ thời khởi nghiệp được rút dần về HĐQT, rồi có thời gian chăm sóc sức khỏe thay vì miệt mài cho công việc.
Điều hành các mảng nông nghiệp, bất động sản, ô tô hiện nay là nhân sự cuối 6x và giữa 7x. Nhiều nhân sự cuối 7x và ở lứa 8x cũng đang được đào tạo sát sao để viết tiếp tương lai của THACO.
Ngay cả cậu con trai út sau khi nhận bằng Kỹ sư quản trị công nghệ và kinh doanh về nước cũng đã quyết định ra Chu Lai làm việc, để có cơ hội học hỏi từ thực tế sản xuất, thay vì ở lại tổng hành dinh ở TP.HCM.
“Làm với bố cũng rất áp lực, phải cố gắng rất nhiều”, là điều mà các con của doanh nhân này cảm nhận được để nỗ lực và chăm chỉ.
Theo Đầu Tư