Sau khi nhà Tần sụp đổ, cuộc tranh hùng giữa hai thế lực Hán – Sở nổ ra. Lưu Bang và Hạng Vũ, hai người đứng đầu hai thế lực này, có thể coi như là đại diện cho hình tượng của ông chủ tồi và ông chủ tốt.
Hạng Vũ vốn có dòng dõi trâm anh thế phiệt. Ông là người có sức lực phi thường, dũng mãnh thiện chiến, lại được nuôi dưỡng trong gia đình quý tộc nên lúc nào cũng uy dũng, phong thái, khí thế át người. Mới nhìn quả đúng là một vị lãnh đạo đầy triển vọng.
Trong khi đó, Lưu Bang chỉ là một tên đình trưởng ở địa phương, làm những việc vặt vãnh. Suốt ngày chỉ qua lại với lũ lưu manh. So Lưu Bang với Hạng Vũ quả đúng là một trời một vực.
Nhưng người giành chiến thắng cuối cùng lại là Lưu Bang. Có rất nhiều người cho rằng Lưu Bang thắng chẳng qua là do may mắn, ông trời bất công nên tiểu nhân mới đắc chí.
Nhưng thực tế, dù có được làm lại cả trăm lần, Hạng Vũ cũng sẽ không thể thắng một lần. Dù hai người có chuyển đến thời hiện đại, lập công ty, Lưu Bang cũng nhanh chóng trở thành tỷ phú, còn Hạng Vũ sẽ chẳng trụ được bao lâu mà phá sản. Bởi vì Lưu Bang có một thứ mà Hạng Vũ không có: Lưu Bang có thể đáp ứng được nhu cầu của những người dưới quyền mình, còn Hạng Vũ thì không.
Hạng Vũ vốn là quý tộc, vốn ăn sung mặc sướng từ nhỏ. Dù nước Sở của ông có diệt vong, gia cảnh có phần suy sụp, nhưng ông vẫn được người bác của mình chăm sóc. Ông chưa bao giờ phải chịu cảnh cơ cực, chưa bao giờ hiểu được rằng những tầng lớp dưới của xã hội có đời sống như thế nào. Những kẻ như vậy thường có đặc điểm là họ chỉ để ý đến chính mình và thường bỏ qua mong muốn của người khác.
Hạng Vũ và Lưu Bang đều nhân cơ hội nhà Tần đang ngày càng suy yếu, thiên hạ đại loạn mà lập nghiệp. Hạng Vũ có lý tưởng muốn lập lại trật tự cho cả trung nguyên, mang đến yên vui thái bình cho muôn dân, không còn cảnh chém giết, đàn áp lầm than.
Lý tưởng của Hạng Vũ rất nhân văn, dùng để hiệu triệu thiên hạ rất có hiệu quả. Tuy nhiên, Hạng Vũ đã thực hiện kế hoạch này như thế nào? Trước tiên ông tự phong mình làm Tây Sở Bá Vương, vào kinh đô của nhà Tần cướp phá, mang hết của cải về quê nhà. Ông tự phong tước vị cho mình, tiền bạc thì tích trữ làm của riêng, lại cưới một mỹ nhân. Ngược lại, với những kẻ dưới quyền, ông phong thưởng một cách vô cùng miễn cưỡng, lúc nào cũng suy tính sợ bản thân mình thiệt. Quanh đi quẩn lại chỉ khen tặng một câu: Không tệ, làm rất tốt.
Vì lý tưởng của Hạng Vũ, những người dưới quyền ông ta phải trả giá không chỉ tuổi trẻ mà còn cả mạng sống của mình. Tuy nhiên, Hạng Vũ không hề trân trọng những đóng góp này, coi những gì mà người ta làm cho mình là một điều tất yếu. Không được hồi đáp xứng đáng, không được coi trọng, thử hỏi liệu còn ai muốn cố gắng vì Hạng Vũ?
Bao nhiêu lợi lộc thì ông chủ chiếm trọn, những người dưới trướng không những không được tôn trọng mà còn chỉ được nhận đồng lương chết đói. Chẳng bao lâu sau, những người tài đều bỏ đi. Hàn Tín, Trần Bình, Anh Bố đều bỏ sang phe Lưu Bang. Lòng người ly tán, không còn ai giúp sức, dù có dũng mãnh đến mấy cuối cùng Hạng Vũ cũng phải bỏ xác bên bờ Ô Giang.
Không chỉ trong chiến tranh Hán Sở, cho dù có đến thời hiện tại lập nghiệp làm ăn, Hạng Vũ cũng chỉ có con đường phá sản.
Ông chủ tốt rất thực tế: Ngươi làm việc cho ta, ta lo vinh hoa phú quý cho ngươi
Trong khi đó, Lưu Bang là một con người rất thực tế, không nói gì đến lý tưởng, chỉ nói đến lợi lộc.
Những người dưới trướng ông, chỉ cần lập được công lao, bất luận dù lớn hay nhỏ, đều có thể đạt được những phần thưởng tương xứng. Tài lộc, chức quyền đều không thiếu, chỉ lo người không có công lao.
Ai đi theo Lưu Bang cũng đều được hưởng vinh hoa phú quý. Như Tào Tham từ một viên chức nhỏ, sau nhờ có công lao đã được phong đến tận vạn hộ hầu; hay như Phàm Khoái từ một tên bán thịt chó ngoài chợ cũng được phong đến tước hầu.
Khi làm việc cho Lưu Bang, không cần biết xuất thân ra sao, chức vị cao thấp cỡ nào, chỉ cần có cống hiến, tuyệt đối sẽ không bị bạc đãi. Làm ông chủ như vậy, sao mà không quy tụ được nhân tài trong thiên hạ?
Lưu Bang quy tụ mọi yếu tố của một ông chủ tốt: Ông ta biết tôn trọng người khác, biết trân trọng sự hi sinh của người khác dành cho mình; ông biết cách tạo dựng hi vọng cho những người dưới quyền, không phải là lý tưởng gì đó cao siêu, đơn gảin chỉ là đảm bảo được vinh hoa phú quý cho họ sau này; biết chia sẻ thành quả với những người dưới quyền.
Cho dù là thời đại hay lĩnh vực nào đi chăng nữa. Chỉ có những ông chỉ như vậy mới có thể thu phục được lòng người, làm nên đại sự. Tại sao Lưu Bang lại không xứng đáng lên ngôi hoàng đế?
Xuất thân từ tầng lớp cùng đinh trong xã hội, được trải qua vô số ngọt bùi cay đắng, cho nên Lưu Bang hiểu được rằng: Mạng của mình là mạng, mạng của người khác cũng là mạng.
Tôn trọng người khác chính là tôn trọng bản thân mình, không có cá nhân làm sao có tập thể?
Ai chỉ nói đến lý tưởng, rồi lợi dụng sự hi sinh của người khác để thực hiện lý tưởng của mình là những ông chủ tồi. Ông chủ tốt sẽ nói đến những điều thực tế hơn, trả công xứng đáng cho những người làm việc cho mình.
theo Sohu