Trước thực trạng chiết khấu nhiều nhà cung cấp Việt Nam lên tới 40-50% doanh thu, đại diện Central Group Vietnam đã lên tiếng.
Sau sự việc hàng loạt nhà cung cấp hàng may mặc kéo đến trụ sở Central Group Vietnam (sở hữu hệ thống Big C) phản đối việc bị ngưng nhận hàng đột ngột, ông Pradeep Gupta, Giám đốc ngành hàng may mặc Central Group đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ.
Trong bài báo này, ông Pradeep Gupta cho biết tình hình nhận đơn đặt hàng trở lại cho các nhà cung cấp cũng như giải thích về mức chiết khấu đối với nhiều nhà cung cấp lên tới 40-50% doanh thu của họ.
Theo đó, đại diện Central Group Vietnnam thừa nhận việc các nhà cung cấp cho rằng Big C chưa mở code (mã hàng) để nhận lại đơn đặt hàng ngay trong ngày 4/7 (thời điểm sau khi Tổng giám đốc Central Group làm việc với Bộ Công thương - PV) là đúng. Vì sáng 5/7, Big C mới gửi email đến 52 nhà cung cấp thông báo rõ về việc sẽ mở đơn đặt hàng mới để việc đặt hàng diễn ra như bình thường.
Tính đến ngày 11/7, đã có 160/200 nhà cung cấp làm việc và nhận đơn hàng trở lại của Big C. Với những nhà cung cấp còn lại, Big C vẫn đang rà soát để đảm bảo rằng họ đáp ứng được những yêu cầu trong chiến lược kinh doanh mới của tập đoàn.
Giám đốc ngành hàng may mặc Central Group khẳng định, hoàn toàn không có chuyện hủy ngang hợp đồng mà chỉ là tạm dừng không nhận đơn hàng mới trong vòng 2 tuần, đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp này không hề có bất kỳ "hành vi đe dọa" nào tới các nhà cung cấp.
Trước câu hỏi về tỉ lệ hàng may mặc trong nước trong hệ thống của Central Group tại Việt Nam, ông Pradeep Gupta không tiết lộ con số chính xác tuyệt đối song khẳng định phần lớn các nhà cung cấp trong ngành hàng này đều là doanh nghiệp trong nước của Việt Nam.
Ông này cũng nhấn mạnh, "việc đánh giá lại các nhà cung cấp không đồng nghĩa với việc loại bỏ, mà chúng tôi cần xem xét toàn diện về khả năng các nhà cung cấp có tương thích với mô hình, chiến lược kinh doanh mới của chúng tôi tới đây hay không".
Về mức chiết khấu đối với nhà cung cấp lên tới 40-50% doanh thu của họ, đại diện Central Group giải thích, mức chiết khấu thuộc về các điều khoản được cụ thể hóa rõ trong hợp đồng, trên sự đồng ý của cả hai bên.
"Với Big C, chúng tôi đã thực hiện chính sách về chiết khấu như vậy từ trước đến nay, ngay từ trước khi chúng tôi nhận chuyển nhượng lại hệ thống này. Trong tương lai, việc tìm kiếm nguồn cung cấp địa phương sẽ được tiến hành hoàn toàn minh bạch và tỉ lệ chiết khấu sẽ phụ thuộc giá gốc mua vào", ông Gupta nói.
Trước đó, ngày 3/7, một số người lao động và đại diện doanh nghiệp dệt may đã đến văn phòng làm việc của Central Group ở TP.HCM để tìm hiểu rõ nguyên nhân sau khi nhận thông báo dừng đơn hàng.
Đến cuối giờ chiều cùng ngày, trong thông cáo phát đi, Central Group giải thích động thái nằm trong quá trình xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất.
Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 4/7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề cập thông tin Big C từ chối nhận hàng may mặc Việt Nam. Ông nói, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương kiểm tra liệu có tình trạng phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ không? Ông cũng cho biết, trước đó từng nghe những cảnh báo về tình trạng này.
Cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công thương cho biết, cơ quan này đã có cuộc họp với Central Group và đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Sau buổi làm việc, Central Group cam kết ngay trong ngày 4/7 sẽ mở đơn hàng cho 50 trong số 200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam.
Minh Thái(Tổng hợp)
Theo Đất Việt