Căn hộ ở New York, Mỹ, chật chội khiến Rebecca Rescate nẩy ra cách dạy mèo đi toilet của người và bán giải pháp đó khắp thế giới.
Rebecca Rescate, 39 tuổi, đã sáng lập vài công ty và là người duy nhất xuất hiện trên Shark Tank Mỹ hai lần với hai sản phẩm khác nhau. Nhưng ý tưởng lạ lùng nhất lại khiến cố thành công hơn cả: giải pháp dạy mèo dùng bồn cầu CitiKitty.
Đến nay, Rescate đã bán tổng cộng 300.000 bộ sản phẩm huấn luyện thú cưng này, thu về 8 triệu USD. CityKitty ban đầu khiến mọi người phì cười nhưng giờ trở thành mặt hàng gia dụng quen thuộc tại Mỹ và được nhập về bán ở nhiều nước.
Năm 2004 là thời điểm Rescate mới kết hôn và về sống với chồng trong căn hộ nhỏ tại New York, mang theo chú mèo 11 tuổi có tên Samantha. Không gian sống của họ chỉ rộng chừng 45 m2, khiến cô chủ nghĩ đến chuyện huấn luyện mèo đi chung toilet.
Chủ đề luyện mèo đi toilet được bàn luận nhiều trên các diễn đàn. Trong đó, Rescate tìm được giải pháp đặt chảo nướng có quai lên bệ xí, phủ cát vệ sinh để con vật làm quen vị trí. Cô bèn thử nghiệm với mèo của mình và thấy hiệu quả.
"Tôi gọi cho bạn bè đến xem những gì con mèo làm được. Nó đi toilet lúc 6 giờ sáng!", Rescate kể lại khám phá bất ngờ.
Nữ nhân viên marketing bỗng nghĩ đến chuyện khởi nghiệp sau khi chứng kiến cảnh tượng lạ. Cô nói: "Tôi luôn nghĩ sẽ thật vui nếu kinh doanh gì đó, nhưng không có ý tưởng hay, cho đến lúc huấn luyện mèo đi toilet thì ý tưởng từ đâu rơi xuống".
Dùng tiền mừng cưới khoảng 10.000-20.000 USD, Rescate startup năm 2004 và bắt tay vào khâu thiết kế sản phẩm lấy cảm hứng từ chảo nướng.
Mô hình ra lò là một khay nhựa lót dưới bệ ngồi bồn cầu, trên mặt có các vòng tròn đồng tâm kích thước từ nhỏ đến to, có thể tháo lần lượt tạo lỗ lớn dần qua từng tuần huấn luyện. Quá trình đó giúp mèo làm quen vị trí ngồi, sau cùng đi thẳng xuống bồn cầu mà không cần đến khay nữa.
"Bản năng tự nhiên của loài mèo là giấu mùi phân và nước tiểu để tránh thú săn mồi phát hiện", Rescate chia sẻ tính thiết thực của phát kiến.
Có sản phẩm mẫu, cô và một người bạn làm nhãn hiệu CityKitty và hướng dẫn sử dụng trong thời gian ngắn, rồi tìm đến bên sản xuất dây chuyền. Tháng 6/2005, họ tung mặt hàng với giá không hề rẻ: 29.99 USD mỗi bộ CitiKitty.
Tuy nhiên, ngay lập tức Rescate vấp phải sự nghi ngờ của gia đình và bạn bè, vì họ đều nghĩ không ai mua thứ đồ kỳ cục như vậy, thậm chí bật cười.
"Bạn phải là người cuối cùng cười nhạo những gì bản thân đang kinh doanh và thấy rằng đang giúp đỡ mọi người", chủ nhân ý tưởng bộc bạch.
Trái ngược mọi hoài nghi, doanh thu năm đầu tiên của CitiKitty đạt 115.000 USD, lớn hơn nhiều mức lương 40.000 USD từ công việc làm thuê của Rescate bấy giờ. Cô quyết định thôi việc, toàn tâm kinh doanh.
CitiKitty sản xuất tại Mỹ nên chịu chi phí cao và lợi nhuận khiêm tốn, nhưng việc đóng mác "Made in USA" thành lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm lúc xuất hiện trên Shark Tank Mỹ. Rescate chứng kiến doanh số nhảy vọt sau khi ra mắt sóng truyền hình, với số lượng đặt hàng từ 400 trước đó tăng lên 10.000.
Thành công của CitiKitty kéo theo sự xuất hiện của một loạt hàng nhái ăn theo trên thế giới. Rescate vốn dự tính gắn bó với việc kinh doanh các sản phẩm chăm sóc mèo nhưng trong 6 năm liền, CitiKitty là thứ duy nhất cô cho ra lò thành công.
Phải sau lần gặp một anh chàng bán giải pháp lạ đời khác là gối gắn mũ trùm đầu giúp dễ ngủ, cô mới có cơ hội góp vốn kinh doanh đa dạng sản phẩm.
Trong 14 năm qua, nữ khởi nghiệp nhận thấy sai lầm lớn nhất của bản thân là từng để ý tưởng đột phá bị chi phối bởi tiếng nói của đàn ông, nghe chỉ bảo chỉ vì họ cao lớn hơn mình.
Vì thế, lời khuyên hiện tại của Rescate cho những sáng kiến thoạt nghe có vẻ điên rồ là: "Đừng để giới tính của ai đó lấn át hiểu biết của bạn".