Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Dồn tiền nhàn rỗi, chọn ngân hàng lãi suất cao gửi tiết kiệm

09/03/2020 06:37

Tín dung tăng thấp, thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào nhưng lãi suất huy động vẫn cao ngất ngưởng. Có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm lúc này vẫn lợi lớn, khỏi lo những biến động bất lợi.

Tín dung tăng thấp, thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào nhưng lãi suất huy động vẫn cao ngất ngưởng. Có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm lúc này vẫn lợi lớn, khỏi lo những biến động bất lợi.

Gửi tiết kiệm yên tâm giữ tiền

So với tháng 2/2020, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã giảm nhẹ. Cụ thể, từ đầu tháng 3/2020, lãi suất của nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm trung bình 0,1 điểm %/năm, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,03-0,07 điểm %/năm, nhóm ngân hàng TMCP có vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,01 điểm %/năm.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng đang được niêm yết phổ biến từ 4,3-5%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất phổ biến từ 5,3-7,6%/năm, trong đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước niêm yết ở mức 5,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất thuộc về ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với 7,6%/năm, thấp hơn một chút là ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) với 7,55%/năm và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) 7,5%/năm.

Nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cao dù thanh khoản dồi dào

Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất dao động trong khoảng 6,8-8,1%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước giữ ở mức 6,8%/năm, cao nhất là NCB 8,1%/năm, ngân hàng TMCP Nam Á 7,99%, ngân hàng TMCP Bảo Việt 7,95%, Bắc Á và ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) 7,8%/năm.

Các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên lãi suất từ 6,8-8,6%/năm. Khách hàng gửi tiết kiệm online được hưởng lãi suất cao hơn từ 0,01-0,02 điểm %/năm.

Lãi suất tiết kiệm tuy đã giảm, nhưng mức giảm không đáng kể tính từ đầu năm đến tháng 2/2020, riêng kỳ hạn từ 9-13 tháng nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên.

Trong lúc dịch Covid 19 đang hoành hành, nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó khăn, các DN đang phải vật lộn để tồn tại thì có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm ngân hàng là an toàn nhất. Đầu tư vào vàng hay chứng khoán vẫn có rủi ro, còn gửi tiết kiệm có thể “ăn ngon ngủ kỹ”. Người dân có tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 9-13 tháng tại một số ngân hàng TMCP nhỏ như NCB, SCB, Nam A Bank, Bac A Bank, VietBank, BaoViet Bank,... vẫn được hưởng lợi lớn.

Lãi suất tiết kiệm đang là kênh trú ẩn tốt cho dòng tiền nhàn rỗi trong lúc kinh tế khó khăn. Chỉ có điều, khách hàng cần lựa chọn việc nhận lãi đầu kỳ, hàng tháng, hay cuối kỳ, cho phù hợp với kế hoạch tài chính của mình. Thông thường nhận lãi đầu kỳ bao giờ cũng có lãi suất thấp nhất và cuối kỳ bao giờ cũng cao nhất. Chẳng hạn, gửi tiết kiệm ngân hàng NCB, kỳ hạn 12 tháng hiện nay, nếu nhận lãi đầu kỳ sẽ được hưởng lãi suất 7,49%/năm, nhận hàng tháng là 7,81%/năm, nhận 3 tháng một lần là 7,86%/năm, 6 tháng một lần là 7,94%/năm và nhận một lần vào cuối kỳ là 8,1%/năm.

Với lãi suất tiết kiệm tốt như hiện nay thì gửi tiền ngân hàng vẫn là lựa chọn tốt.

Có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tránh rủi ro dịch bệnh Covid-19

Lãi vay giảm hỗ trợ DN

Lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức cao, câu hỏi đặt ra là lãi suất cho vay có giảm? Để hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ giảm lãi cho hơn 44.000 khách hàng với 222.000 tỷ đồng dư nợ và cam kết số vốn khoảng 250.000 tỷ đồng nữa.

Các ngân hàng thương mại cũng thông báo sẽ giảm lãi suất cho vay từ 0,5-3 điểm %/năm cho các khoản vay của DN. Tùy từng ngân hàng, sẽ có những chính sách khác nhau, giảm lãi suất cho cả những khoản vay hiện hữu hay chỉ cho các khoản giải ngân mới.

Tuy nhiên, đây chỉ là những khoản vay hỗ trợ các DN gặp khó khăn. Điều kiện để được hưởng cũng không phải dễ dàng. Các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp; tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch; có lịch sử vay trả đúng hạn; là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục,...

Ngoài ra, các khoản vay lãi suất thấp này còn được ấn định về thời hạn. Sau đó, lại áp dụng lãi suất thả nổi, căn cứ vào lãi suất huy động bình quân, cộng với biên độ 3-4%/năm nữa thì lãi suất cho vay, tính chung khó có thể giảm thấp.

Hơn nữa, khi ngân hàng tung ra gói hỗ trợ lớn với lãi suất thấp, cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, qua đó còn tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo giới chuyên môn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đang bị ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 nên nhu cầu vay vốn hiện giảm thấp. Hơn nữa, trong 5 tuần qua, Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ mở đã hút ròng về 120.000 tỷ đồng - đây là điều hiếm có, thể hiện thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào.

Tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn không giảm mạnh. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay trên diện rộng sẽ khó giảm theo. Chỉ khi nào lãi suất huy động giảm mạnh thì lãi suất cho vay mới giảm theo và các đa số DN sẽ được hỗ trợ hiệu quả.

Trần Thủy

Theo VietnamNet