Những xung đột chính trị tại Myanmar đặt ra tình thế bắt buộc các nhà đầu tư phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Việt Nam và Campuchia được dự báo sẽ nhận được nhiều lợi ích từ xu thế này.
Quang cảnh cuộc biểu tình tại Myanmar trước những căng thẳng chính trị ngày càng leo thang. Ảnh: VnExpress.
Công ty viễn thông Mytel, dự án hợp tác giữa Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và chính phủ Myanmar đang phải chịu nhiều thiệt hại do những biến cố gần đây trong chính trường Myanmar.
Thực tế, không chỉ Mytel mà nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ có quan hệ với quân đội Myanmar cũng đang gặp khó khăn tại thị trường này.
Trong suốt những năm qua, ASEAN là khu vực kinh tế năng động và thu hút vốn FDI hàng đầu trên thế giới, đặc biệt nhóm nước gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Tính riêng năm 2019, FDI đổ vào nhóm 4 quốc gia này đã tăng khoảng 6,3%. Trong đó, Myanmar dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nguồn vốn, đạt 55,9%.
Tuy nhiên, căng thẳng chính trị mới đây tại Myanmar khi quân đội giành quyền kiểm soát chính quyền đã làm biến đổi dòng chảy của vốn nước ngoài vào nhóm nước này.
Theo Nikkei Asia Review, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã cắt đứt mối hợp tác với các doanh nghiệp có quan hệ với quân đội, chẳng hạn như hãng bia Nhật Bản Kirin Holding quyết định ngừng hợp tác với Myanmar Economic Holding Ltd, công ty cung cấp dịch vụ quản lý quỹ phúc lợi quân đội. Lãnh đạo công ty Razer đến từ Singapore vừa qua cũng tuyên bố thoái vốn khỏi một liên doanh với đối tác có liên kết với công ty này.
Ông Andrew Durke, Giám đốc điều hành Obor Capital nhận định, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng chuyển đổi “chiến lược Myanmar” sang “chiến lược khu vực". Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp Myanmar cũng đang có kế hoạch xây dựng và phát triển tại những nước Đông Nam Á khác.
Ngôi sao sáng Việt Nam và “nhân tố bí ẩn” Campuchia
“Khi các quốc gia mở cửa biên giới hậu đại dịch, các nhà đầu tư châu Á đã tìm đường quay trở lại Việt Nam”, Nikkei Asia Review dẫn lời Field Pickering, người đứng đầu mảng đầu tư mạo hiểm Quỹ Vulpes Invesment Management.
Ông Pickering khẳng định, các thỏa thuận thương mại được ký kết sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu danh sách những nền kinh tế mới nổi về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đồng quan điểm với lãnh đạo Vulpes Investment Management, ông Durke cho biết, đối với những nhà đầu tư hoàn tàn nhằm mục đích lợi nhuận, Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hàng đầu bởi “những lý do đã làm cho quốc gia này trở nên hấp dẫn trong 5 – 10 năm qua”.
Đó là lợi thế về lao động cũng như hệ sinh thái kinh doanh, khởi nghiệp, những yếu tố cần thiết để các quỹ có thể đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ đổi mới ở quy mô lớn.
Ngoài Việt Nam, Obor Capital cũng có ý định “đặt cược” khi mở rộng đầu tư sang Campuchia, với kỳ vọng quốc gia nhỏ bé này “sẽ viết nên câu chuyện tương tự Việt Nam”.
Đặc biệt, các dòng vốn rời khỏi Myanmar có thể sẽ ưu tiên Campuchia bởi “xem xét trên mọi phương diện, Campuchia có nhiều điểm tương đồng nhất với Myanmar", theo ông Durke.
Các chuyên gia nhận định, Campuchia là quốc gia nằm top dưới cùng về phát triển kinh tế của nhóm nước ASEAN. Theo báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), công nghệ số tại 90% doanh nghiệp Campuchia vẫn nằm ở mức cơ bản. Đây là lý do khiến quyết định đầu tư vào xứ sở chùa tháp được đánh giá là tương đối mạo hiểm.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI vẫn chảy vào nước này với tốc độ ngày càng tăng nhằm tận dụng dân số trẻ cũng như cơ hội khai thác công nghệ mới. Cơ sở hạ tầng chưa phát triển cũng là “miếng bánh” mà nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn hướng đến tại Campuchia.
Theo TheLeader
https://theleader.vn/dong-von-chuyen-huong-sang-viet-nam-va-campuchia-do-chinh-bien-tai-myanmar-1614453635402.htm