WinEco

Drama chốn công sở: “Em làm gì đã được thành công, em còn đang phải trị dứt điểm burnout đây này”

11/07/2018 09:31

Xin mạn phép được ví mỗi nhân viên công sở là một nghệ sĩ xiếc điệu nghệ. Họ phải tung hứng vô số quả bóng, mỗi quả bóng là một nhiệm vụ cần họ giải quyết như nghiên cứu, phân tích thị trường; lập kế hoạch truyền thông; làm báo cáo… Người khôn ngoan sẽ tung hứng, nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục tung hứng. "Những kẻ khờ mộng mơ" sẽ điên cuồng tung hứng cho đến khi nào kiệt sức về burnout thì thôi. (Burnout là hội chứng kiệt sức hay năng suất lao động giảm sút cùng các biểu hiện mất ngủ, đau đầu, mất tập trung...)

Drama chốn công sở: “Em làm gì đã được thành công, em còn đang phải trị dứt điểm burnout đây này”

Từ khi burnout đến…

Hai năm trước, không giống bao người khác, bà Stacey đã dành cả tuổi trung niên để hoàn thành chương trình học thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh, để đảm nhận công việc ‘fulltime’ tại một tập đoàn lớn và tổ chức cuộc thi tài năng lớn tại trường của con mình… cùng một lúc. Bà cảm thấy như mình đang tung hứng nhiều đồ vật dễ vỡ cùng lúc trên không trung và vẫn lấy làm phấn khích và tự hào vì mình chưa đánh rơi một đồ vật nào cả.

Nhưng rồi khao khát muốn được tự do thách thức bản thân với nhiều dự án hơn đã thôi thúc Stacey rời bỏ công việc fulltime ổn định để tự thành lập công ty startup. Càng ngày khách hàng càng yêu cầu người phụ nữ tài năng này đảm nhận nhiều dự án phức tạp hơn liên quan đến các website, nền tảng nhắn tin, các video giới thiệu thương hiệu sản phẩm… Stacey vẫn cảm thấy vô cùng phấn khích khi tiếp nhận các dự án bởi ở cái tuổi tứ tuần này, bà vẫn có thể chế tạo ra các sản phẩm in đậm dấu ấn của riêng mình.

Và cuồng nhiệt quá… hóa không ổn, Stacey hăng say làm việc đến nỗi bà cảm tưởng dù đã làm ngày làm đêm trong quỹ thời gian 24h vẫn không đủ để giải quyết chừng ấy "công to việc lớn". Và rồi chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, một kẻ tham công tiếc việc giờ đây lại phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn: bà đã vô tình làm đổ café lên máy tính hay đi rút tiền ở cây ATM mà… quên không lấy tiền.

Tồi tệ hơn, chắc bà cũng không muốn ai chứng kiến tình cảnh mình bị viêm phổi nghiêm trọng đến nỗi phải gọi cấp cứu chỉ vì quá ham việc. Sau chừng ấy thảm cảnh, Stacey cũng định gác lại công việc để lên kế hoạch nghỉ dưỡng khá chi tiết: nghỉ cuối tuần từ thứ 6 để dành thời gian chơi với cháu gái, dành cả tháng 8 chỉ để nghỉ xả hơi.

Tuy nhiên, "giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời", bản năng say mê công việc vẫn chưa buông tha cho bà. Stacey cứ luôn lần nữa tự nhủ bản thân "Chỉ một dự án nữa thôi" mỗi khi một cơ hội mới xuất hiện. Và cứ thế, bà đi thuê văn phòng, thuê nhân viên, yêu cầu in danh thiếp, đẩy mạnh truyền thông quảng bá về công ty của mình.

Các dự án, khách hàng, doanh thu cứ ùn ùn kéo đến gõ cửa công ty bà khiến Stacey càng điên cuồng làm việc, muốn nhanh chóng thành công hơn bao giờ hết. Và khi càng muốn thành danh mau lẹ, bà càng cảm thấy stress và khó kiểm soát những cảm xúc tiêu cực của bản thân hơn bao giờ hết. Nhưng tại thời điểm đó, bà chưa nhận ra đó là dấu hiệu nguy hiểm đang châm ngòi cho căn bệnh burnout bùng phát, mà chỉ nghĩ đó chỉ là những điều tất yếu, hiển nhiên mà CEO nào cũng gặp phải.

Drama chốn công sở: “Em làm gì đã được thành công, em còn đang phải trị dứt điểm burnout đây này” - Ảnh 1.

Và trên con đường sự nghiệp startup ấy, Stancey bắt đầu chạy nhanh hơn, điên cuồng hơn như một hung thần xa lộ. Bà đã kí kết hợp đồng thuê văn phòng dài hạn và tích cực đầu tư để mở rộng quy mô công ty. Đứng giữa một hội trường lớn, bà mạnh miệng tuyên bố về mục tiêu của bản thân rằng bà sẽ phấn đấu đưa công ty mình trở thành doanh nghiệp triệu đô trong năm 2016. Nhưng Stancey quên mất một triết lý phũ phàng rằng, "đời không như là mơ, thế nên là mơ ít thôi".

Và rồi, cái tên khủng khiếp mà không ai muốn nhắc tới "burn-out" đã chính thức gõ cửa phòng Stancey và đem đến những cơn mất ngủ dai dẳng. Bà thường trở dậy lúc nửa đêm, rồi lại dành hàng giờ để suy nghĩ về vô số nỗi ám ảnh và tìm lời giải đáp cho "một trăm câu hỏi làm sao": làm sao để chinh phục được mục tiêu lớn của đời mình, làm sao để hoàn thành một deadline bất khả thi, làm sao để thúc giục khách hàng trả tiền đúng hạn, làm sao để giải quyết một vấn đề nhân sự còn tồn đọng trong công ty. Nhiều đêm, bà cảm tưởng mình đang chết dần chết mòn trong chừng ấy mối nghĩ suy, chừng ấy nỗi sợ hãi.

Đến một ngày, cuối cùng thì căn bệnh trầm cảm cũng gọi tên Stancey. Vừa trở về nhà sau một ngày làm việc dài đằng đẵng, bà đã nằm vật trên giường trong mỏi mệt. Căng thẳng cũng khiến bà trở nên cáu kỉnh với chồng. Bà cứ tự giam lỏng bản thân mình trong những nỗi sợ hãi vô cớ.

Thậm chí, Stancey còn không dám xem các bộ phim với nội dung quá tiêu cực vì sợ ảnh hưởng đến bầu tâm trạng vốn đã ủ dột của bà. Ngay cả với sinh nhật lần thứ 40 của mình, Stancey cũng không hề mảy may quan tâm đến bởi bà nghĩ rằng đến cái tuổi này, mình vẫn chẳng có thành tựu gì đặc sắc đáng để chúc mừng. Và đỉnh điểm của nỗi tuyệt vọng cũng bị chạm đến khi Stancey nghĩ đến việc tự tử. Bà cho rằng gia đình sẽ vẫn ổn nếu bà mất đi.

Nhưng rồi thực tại đã dập tắt ý định bi quan đó. Quay trở về với thực tế đắng cay, những khoản nợ khó đời từ khách hàng đã dồn bà đến tình cảnh thảm thương nhất của một CEO: dùng số tiền còn sót lại của mình để trả lương cho nhân viên, thậm chí có những khi, Stancey thậm chí còn không thể tự thanh toán lương cho chính bản thân mình.

Dù tự dằn vặt về chính mình, nhưng bà vẫn cảm thấy như bị bỏ rơi bởi không một ai quan tâm đến chừng ấy thành tựu của công ty mà bà đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt để gây dựng; bà căm ghét chính công ty của mình bởi chính việc kinh doanh độc lập đã đẩy bà đến tình cảnh khốn khổ này. Dù đúng dù sai, người tổn thương nhất vẫn chính là Stancey, bởi suy cho cùng, những suy nghĩ tiêu cực và có phần quá đà trên đã phản ánh một điều: chỉ có mình bà chống chọi lại với cả thế giới khắc nghiệt.

Một thời gian sau, khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát của mình, Stancey quyết định sa thải hết nhân viên vì không còn đủ khả năng chi trả tiền lương cho họ được nữa. Sau cú ngã đau điếng đến nhớ đời ấy, bà vẫn mông lung không biết phải đứng dậy và tiếp tục bước đi theo hướng nào.

Drama chốn công sở: “Em làm gì đã được thành công, em còn đang phải trị dứt điểm burnout đây này” - Ảnh 2.

Khi gánh nặng đã vượt quá sức chịu đựng của đôi vai yếu ớt, hãy đặt gánh nặng xuống… và chạy trốn… trước khi quang gánh bị đứt

Và Stancey đã tìm thấy nơi trú ẩn sau khi trốn thoát, một vài người bạn hiện đang là nhân viên xây dựng chiến lược nội dung tại Facebook đã ngỏ lời khuyên bà ứng tuyển vào vị trí này. Trước kia, bà từng nghĩ rằng công việc kinh doanh Startup dù không phải là công việc đầu tiên nhưng sẽ là công việc cuối cùng trong cuộc đời mình. Nhưng giờ đây, khi may mắn vẫn chưa rũ bỏ Stancey, bà cho rằng công việc mới tại Facebook sẽ là tấm nệm nâng đỡ và bao bọc mình sau cú ngã trời giáng.

Trong 1 năm đầu làm việc tại Facebook, Stancey vẫn cố gắng hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao nhưng giờ đây, bà cảm thấy thảnh thơi hơn vì không phải chịu trách nhiệm về kế sinh nhai của bất cứ ai như trước kia nữa. Bà cũng bắt đầu bận rộn tham gia các lớp học chuyên sâu về chuyên ngành quản trị kinh doanh vào buổi tối để cố gắng quên đi phi vụ kinh doanh huy hoàng mà cũng thật hoang tàn trước kia.

Nhưng việc quên đi vốn không hề dễ dàng, đống hoang tàn của câu chuyện kinh doanh startup vẫn đeo bám bà. Một hợp đồng thuê văn phòng dài hạn đã phải cho thuê lại vì chưa hết hạn rồi lại bị phá vỡ, một khoản vay từ chính phủ dành cho doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa thể trả hết, một tài khoản lương hưu với 6 con số… 0 tròn trĩnh… chừng ấy sự thật đắng ngắt của thực tại càng dồn bà xuống vực thẳm.

Stancey tự so sánh bản thân mình với một chú chó sói săn mồi trong điên cuồng, nhưng lại vấp ngã đau đớn vì lao đi quá nhanh, quá hung hãn, rồi lại ngồi xuống, tự liếm vết thương đang rỉ máu và tự thương hại chính bản thân mình. Dù đã bắt đầu với công việc mới, bà vẫn bị quá khứ tóm chân và kéo lùi lại, vẫn ôm lấy những nỗi sợ hãi mơ hồ. Stancey bắt đầu tập thiền, tập chạy bộ nhiều hơn. Giờ đây, một giấc ngủ ngon cũng không còn là gánh nặng đối với bà. Hơn nữa, giờ đây, bà không còn ham đua, hiếu thắng, không còn tự chết chìm trong "biển" dự án và đam mê tự chủ như trước kia nữa.

Và bà cũng phải học cách từ bỏ một thói quen đã ăn sâu đến từng tế bào: thói quen ham việc. Và việc rũ bỏ một tư tưởng cố hữu đâu phải là chuyện một sớm một chiều mà sẽ khó khăn vô cùng. Sau khi hoàn thành chương trình học quản trị kinh doanh, bà quyết định sẽ nghỉ ngơi và tập lười biếng. Nhưng Stancey vẫn cảm thấy bứt rứt, ngứa ngáy nếu không động tay vào một dự án nào.

Và quá trình hồi phục sau burnout cũng đem lại cho bà một vài thú tiêu khiển mà không hề dính dáng đến trò tung hứng "quá nhanh quá nguy hiểm" trước kia như: tập chơi một loại nhạc cụ, đọc sách, leo núi, thực hiện một vài dự án viết lách nhỏ. Bà bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè dù bà chẳng ưa thích đám đông chút nào. Stancey đã lấy khẩu hiểu "sống chậm lại, làm việc chăm chỉ hơn" làm tôn chỉ sống của riêng mình. Hơn nữa, bà còn mong đợi đến sinh nhật tiếp theo và định tổ chức 2 lần để bù đắp cho lần sinh nhật tuổi 40 mình đã bỏ lỡ.

Dần dần, Stancey cũng trở nên tích cực hơn khi nghĩ về quá khứ kia, về những đồng nghiệp cũ và tự hào vì những thành tựu dù lớn dù nhỏ mình đã đạt được trong suốt thời gian qua. Và tất nhiên, bà cũng không quên hồi tưởng về những ngày tháng ròng rã vật lộn với burnout, mà theo lời Stancey, bà chỉ nên thận trọng bước nhón chân quanh nó, ngắm nhìn nó để chiêm nghiệm và rút kinh nghiệm để không đánh thức con quái vật burnout này thêm một lần nữa.

Và sau tất cả, bà nhận ra, burnout sẽ bất chợt đến vào những khoảnh khắc bạn không ngờ tới trong cuộc đời, yêu việc là một điều tốt nhưng yêu thôi, đừng yêu quá, nếu không, "yêu nhau lắm, cắn nhau đau", burnout sẽ khiến bạn căm hận công việc cũ hơn bao giờ hết, và thật khó để "yêu lại từ đầu".

Drama chốn công sở: “Em làm gì đã được thành công, em còn đang phải trị dứt điểm burnout đây này” - Ảnh 3.

Tin nhắn SOS gửi đến các nạn nhân tiếp theo của burnout…

Trong quá trình làm việc, Stancey cũng có cơ hội tiếp xúc với các bạn trẻ giỏi giang, luôn căng tràn bầu nhiệt huyết với công việc. Họ là những người làm việc cả vào cuối tuần, những người sẵn sàng phá vỡ buổi sáng thứ 7 yên bình của đồng nghiệp bằng một thông báo trong ‘group chat’ về một vấn đề cần giải quyết ngay lập tức, những người vẫn kiên định đi họp với một cái cổ họng sưng tấy, một cái bụng ậm ạch, những người sẵn sàng đánh đổi cả tình thân cho công việc.

Với kinh nghiệm của một người từng trải, bà đã cảnh báo họ về căn bệnh burnout đang lan rộng vùng cháy đến bất cứ văn phòng nào, và họ đã nghe một cách chăm chú rồi lại tiếp tục lao vào công việc như loài thiêu thân.

Và Stancey cũng gửi lời nhắn nhủ đến những "người âm phủ" chốn công sở, những người sống mà chỉ như đang chết yểu từng ngày vì burnout mà vẫn không hề hay biết: các bạn hãy dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn; hãy ra ngoài, hít thở bầu khí trời trong lành; và hãy nhớ rằng, cũng giống một người lao động bình thường, group chat công việc chỉ hoạt động trong giờ hành chính, về đêm, ‘group chat’ cũng cần "ngủ".

Và cách tốt nhất để duy trì đam mê và năng lượng không phải là cứ hùng hục làm việc, mà là chăm sóc trí não, cơ thể và tâm hồn của bạn, hãy ưu tiên đối đãi tử tế với bản thân mình trước công việc, hãy kiếm tìm những không gian mở để nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động.

Theo Bích Phượng/Trí Thức Trẻ