Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Dự án 15.000 tỷ: Đại gia Xuân Trường nói tư nhân không sở hữu di sản

29/12/2018 12:48

Đại gia Xuân Trường khẳng định việc đầu tư, nâng cấp các di tích để xứng tầm hơn, và bàn giao cho nhà nước quản lý chứ không phải tài sản của cá nhân, DN.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết trong buổi giao ban báo chí Thành uỷ mới đây, DN xây dựng Xuân Trường đề xuất quy mô dự án khoảng 1.000ha tại khu vực Hương Sơn giáp ranh 3 tỉnh Hòa Bình - Hà Nam - Hà Nội.

Tại khu vực này hiện có 3-4 dự án được Bộ VH-TT&DL chấp thuận (có cả dự án về tâm linh, cáp treo liên quan đến cả Hòa Bình và Hà Nội).

Dự án 15.000 tỷ: Đại gia Xuân Trường nói tư nhân không sở hữu di sản
Danh thắng chùa Hương

Theo ông Nam, trong hơn 1.000ha chủ đầu tư đề xuất, có gần 400/1.000ha bị chồng lấn với các dự án có từ trước.

“Về phần chồng lấn, UBND TP yêu cầu Sở KH-ĐT họp lại với các nhà đầu tư và phải xây dựng lại một quy hoạch tổng thể. Từ đó, chúng ta đầu tư một khu vực tâm linh để khai thác vẻ đẹp của Hương Sơn", ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, ngoài việc thu lợi thì DN xây dựng Xuân Trường mong muốn là tạo cảnh quan đẹp cho Hà Nội, để 4 hoặc 5 năm tới trở thành di sản thế giới.

Tuy nhiên, ông Nam đánh giá, việc 4-5 năm sau khu vực trên có thể trở thành di sản thế giới như đại gia Xuân Trường kỳ vọng là hơi quá.

Dự án 15.000 tỷ: Đại gia Xuân Trường nói tư nhân không sở hữu di sản
Dự án khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam) do DN Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư

"Bởi, để trở thành Di sản thế giới không phải đơn giản nhân tạo mà được", ông Nam nói và cho biết thêm, các nội dung liên quan đang được Bộ VH-TT&DL cùng với TP Hà Nội, các nhà đầu tư trao đổi để xây dựng một quy hoạch tổng thể cho khu vực này, và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư thực hiện.

Chỉ gợi ý cho Hà Nội

Đại diện DN Xây dựng Xuân Trường cho hay, nguồn vốn thực hiện dự án này là vốn tự có, vốn huy động xã hội hóa và tiền công đức từ các Phật tử, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc DN xây dựng Xuân Trường cho biết, đơn vị này chỉ gợi ý cho Hà Nội về quy hoạch xứng tầm đối với một di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia là chùa Hương.

“Dự án mà chúng tôi đề xuất chỉ nằm ở phần rìa của chùa Hương (xã Hương Sơn) - cách chùa Hương khoảng 7km chứ không phải đầu tư xây dựng vào đất tôn giáo.

Khu du lịch tâm linh này nằm giữa chùa Tam Chúc (nơi sẽ diễn ra sự kiện đại lễ Vesak LHQ tổ chức vào tháng 5/2019) và chùa Hương là điểm kết nối quan trọng cố đô Hoa Lư với các danh thắng khác.

Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng tuyến đường từ Bái Đính đến chùa Hương dài 35km. Hà Nội cũng đang triển khai tuyến đường từ Mỹ Đình tới chùa Hương. Đây sẽ là trục đường chính của Hương Sơn trong tương lai kết nối các điểm du lịch với nhau”, đại gia Xuân Trường cho hay.

Dự án 15.000 tỷ: Đại gia Xuân Trường nói tư nhân không sở hữu di sản
Ông Nguyễn Văn Trường

Khẳng định những công trình tôn giáo, di tích lịch sử, di sản văn hóa… là tài sản chung của nhân loại và cộng đồng, ông Trường khẳng định: “Không có cá nhân nào dám sở hữu các công trình tôn giáo. Chúng ta đầu tư, xây dựng, nâng cấp các di tích để nó xứng tầm hơn, và sau đó bàn giao lại cho cộng đồng, nhà nước quản lý chứ không phải tài sản của cá nhân, DN”.

“Báo chí đưa tin về dự án hồ Núi Cốc, chủ đầu tư được cấp hơn 14.000 tỷ từ ngân sách nhà nước là không đúng. Tổng đầu tư được phê duyệt là hơn 4.000 tỷ, nguồn vốn DN tự có, vốn huy động hợp pháp và tiền công đức của các Phật tử.

Chúng tôi không sử dụng một đồng tiền ngân sách nào cả. Việc xây dựng một khu danh thắng để trở thành di sản, thời gian phải tính bằng nhiều chục năm chứ không phải vài năm. Đời này chúng ta chưa hoàn thành thì đến đời con, đời cháu sẽ làm tiếp”, lời ông Trường.

Thái Bình

Theo Vietnamnet