SAGRI
Năm 2009, không nằm ngoài cơn say đầu tư bất động sản của khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đã quyết định hợp tác với Công ty TNHH Giải pháp Kiến trúc Xây dựng Ánh Sáng Chung để phát triển dự án dân cư tại số 49C Lê Quang Kim, Quận 8, TP.HCM. Đây cũng chính là địa chỉ đặt trụ sở của Xí nghiệp Khai thác & Chế biến dịch vụ thuỷ sản - thành viên trực thuộc SAGRI.
Hai năm sau đó là quãng thời gian các bên sắp xếp nguồn lực và hoàn tất các thủ tục hành chính để thành lập doanh nghiệp dự án - được xác định là CTCP Đầu tư Nông Nghiệp ASC Sài Gòn.
Nói thêm về hai nhà đầu tư tư nhân đồng hành cùng SAGRI trong dự án 49C Lê Quang Kim, Công ty TNHH Giải pháp Kiến trúc Xây dựng Ánh Sáng Chung được thành lập năm 2006, với các cổ đông sáng lập là ông Cao Phát (SN 1964), ông Cao Khánh Trung (SN 1988) và bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết. Bà Ánh Tuyết, như đã đề cập, là cổ đông nắm 35% trong ASC Sài Gòn.
Sau hai năm theo đuổi với nhiều công sức đã bỏ ra, song nhóm Ánh Sáng Chung dường như không có ý định gắn bó lâu dài với mảnh đất 16.600 m2 tại Quận 8, mà muốn nhượng lại quyền phát triển ngay sau khi khi doanh nghiệp dự án được thành lập.
Đối tác được nhắm tới lần đầu lộ diện vào sáng 9/7/2011, khi Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Đầu tư Xây dựng HUD4 thông qua chủ trương góp vốn với số tiền 102 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ ASC Sài Gòn.
Với HUD4, việc thâu tóm ASC Sài Gòn không chỉ dừng lại ở dự án 49C Lê Quang Kim, mà còn mở đường cho tham vọng tiến vào thị trường phía Nam của doanh nghiệp có "hộ khẩu" Thanh Hoá. Theo dự kiến ban đầu, sau khi hoàn tất thủ tục, ASC Sài Gòn sẽ được đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD 406 - một phần trong kế hoạch thành lập Tổng công ty HUD4 thuộc Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (HUD).
Báo cáo tài chính các năm 2013-2014 thể hiện HUD4 nắm cổ phần chi phối (51%) tại ASC Sài Gòn, trong khi Công ty Ánh Sáng Chung sở hữu 32%, SAGRI 15% và bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết 2%.
Tuy nhiên với sự suy yếu của tập đoàn mẹ HUD sau đó, dự án với phần vốn quá bán của HUD4 gần như dậm chân tại chỗ. Tới năm 2012, doanh nghiệp này cho biết do tình hình thực tế khó khăn của thị trường bất động sản, HUD4 sẽ chuyển hướng phương án góp vốn vào ASC Sài Gòn thành góp vốn thực hiện dự án. HUD4 dường như không còn "mặn mà" với dự án từ thời điểm đó. Dù nắm cổ phần chi phối, song ảnh hưởng của đơn vị này là không đáng kể, khi mà giai đoạn 2013-2014, HUD4 đã "mượn" lại ASC Sài Gòn đúng bằng số tiền đã góp: 102 tỷ đồng.
Tới năm 2015, công ty con 51% của HUD quyết định "dứt tình" với đất vàng TP.HCM để tập trung cho loạt dự án ở Thanh Hoá. Ngày 17/8/2015, HUD4 ký Biên bản thoả thuận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn trong ASC Sài Gòn, "trả lại" cho Công ty Ánh Sáng Chung và bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết. Cơ cấu sở hữu của dự án lúc này trở lại nguyên trạng ban đầu: Công ty Ánh Sáng Chung (50%); bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết (35%) và SAGRI (15%). Dù vậy, tới cuối năm 2015, Công ty Ánh Sáng Chung và bà Ánh Tuyết còn góp thiếu 6,17 tỷ đồng tiền vốn.
Phúc Khang Group
Tháng 8/2016, SAGRI dưới thời cựu Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng quyết định thoái hết cổ phần tại ASC Sài Gòn. Một nhà đầu tư cá nhân đã chi 33,34 tỷ đồng mua trọn 15% cổ phần nhà nước trong dự án. Mức lãi quy đổi 11% sau 5 năm, chưa kể lạm phát và chi phí cơ hội, chắc hẳn không phải một khoản đầu tư có hiệu quả đối với SAGRI.
Với nhóm Ánh Sáng Chung, loạt dấu hiệu kể trên cho thấy nhóm này dường như không thực sự có ý định phát triển dự án một cách nghiêm túc, mà ở góc độ nào đó có thể mường tượng ra hình bóng của một nhà môi giới: xin dự án rồi bán lại. Tất nhiên đó chỉ là một giả thiết, mà tính xác thực chỉ có những người trong cuộc mới nắm tường tận, biết rằng sau thương vụ bất thành với HUD4, nhóm Ánh Sáng Chung đã tìm được "khách hàng" mới.
Ngày 1/9/2015, tức là chưa đầy hai tuần sau khi HUD4 trả lại số cổ phần đã mua, doanh nhân Trần Tam và một cá nhân có liên hệ là bà Lưu Thị Bích Dân nhận chuyển nhượng 100% vốn trong Công ty TNHH Giải pháp Kiến trúc Xây dựng Ánh Sáng Chung, và qua đó sở hữu luôn 50% vốn góp trong dự án 49C Lê Quang Kim. Ngoài ra, bản thân ông Tam cũng đã mua lại 35% phần vốn của bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết. Tới thời điểm SAGRI thoái vốn, gia đình ông Trần Tam đã chi phối tới 85% cổ phần dự án. Bởi vậy, sẽ không bất ngờ nếu nhà đầu tư cá nhân duy nhất trúng đấu giá 15% phần vốn của SAGRI, cũng là "người" của doanh nhân sinh năm 1974 này.
Ông Trần Tam là người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Phúc Khang - một nhà phát triển bất động sản có lịch sử không quá lâu đời (thành lập năm 2009), song lại là cái tên đang tạo được sự chú ý trong giới địa ốc Sài Thành.
CTCP Phúc Long Vân - thành viên của Phúc Khang Group, như Nhadautu.vn đề cập, vừa qua gây xôn xao thị trường với thương vụ phát hành trái phiếu lên tới 1.350 tỷ đồng. Tìm kiếm được nguồn vốn khủng, hồi sinh dự án "chết" 49C Lê Quang Kim cùng nhiều dự án đình đám khác đang được triển khai đồng bộ cho thấy năng lực và tâm huyết của vợ chồng doanh nhân họ Trần.
Trở lại với lô đất đẹp 49C Lê Quang Kim, dự án nay được đổi tên thành Diamond Lotus Riverside với thiết kế cầu dây văng đặc biệt, đang đi vào giai đoạn cuối và dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối tháng 9/2019.
Xuân Tiên/Nhà Đầu tư