Khách hàng góp vốn mua nền dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên (CBCNV) của Tranimexco, từ năm 1999, đang chờ làm rõ nhiều vấn đề, trong cuộc họp sắp tới với công ty này.
Nhiều khúc mắc cần làm rõ
Thông tin từ một số khách hàng góp vốn dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên (CBCNV) tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết họ mới được Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (Tranimexco) gửi giấy mời họp vào ngày 14/11 tới. Nội dung cuộc họp là “nghe báo cáo tiến độ, kế hoạch triển khai dự án Khu nhà ở CBCNV”.
Đại diện nhóm khách hàng cho biết, trước đó Tranimexco cũng đã gửi giấy mời họp, nhưng định tổ chức họp thành 8 buổi, mỗi buổi khoảng 20 người. Tuy nhiên, khách hàng góp vốn không đồng ý với phương án này, nên Tranimexco đã phải chuyển sang tổ chức họp với toàn bộ khách hàng. Lần họp gần đây giữa Tranimexco với khách hàng là vào tháng 7/2017.
Cũng theo vị đại diện này, những người góp vốn đã bàn bạc và thống nhất một số nội dung sẽ yêu cầu, cũng như mong muốn Tranimexco làm rõ và đáp ứng.
Một là, về pháp lý của dự án, Tranimexco phải thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đúng như những lời hứa hẹn. Tôn trọng hợp đồng góp vốn giữa CBCNV và Tranimexco. Hồ sơ dự án phải minh bạch.
Hai là, về tiến độ thực hiện dự án, Tranimexco cần nhanh chóng tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng dự án. Thời gian thực hiện tối đa trong khoảng 6 tháng kể từ khi bắt đầu thực hiện, để bà con sớm nhận được nền nhà. Việc chọn đơn vị thi công xây dựng cơ sở hạ tầng dự án, phải được đấu thầu công khai, chọn ra nhà thầu có giá hợp lý nhất và đáp ứng được chất lượng thi công.
Khách hàng cho rằng, cần xem lại việc Tranimexco đưa ra đề xuất huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án là 11.182.000 đồng/m2. Bởi nếu căn cứ Quyết định số 1161/QĐ-BXD, thì đây là quy định về suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, chứ không phải giá xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ba là, khoản tiền đền bù cho dự án đường vành đai 2 chạy qua dự án, phải trả cho những khách hàng góp vốn. Bởi lẽ, do dự án đường vành đai 2 này được lập sau dự án khu dân cư CBCNV, nên diện tích mỗi nền nhà của những khách hàng góp vốn đều bị giảm hàng chục m2. Còn Tranimexco chỉ là công ty đại diện cho khách hàng góp vốn, nên không có quyền nhận và chi tiêu khoản tiền đền bù này.
Chi hàng trăm triệu để dọn cỏ
Ngoài những vấn đề trên, một số khách hàng góp vốn cho dự án cho biết, họ muốn Tranimexco phải làm rõ, cung cấp các hóa đơn chứng từ về việc thu chi của dự án từ năm 1999 đến nay.
Trong các khoản chi, có một số khoản bị khách hàng cho là thiếu hợp lý. Điển hình như chi phí phát cỏ và dọn cỏ của dự án đã tốn hàng trăm triệu đồng. Riêng chi phí phát cỏ và dọn cỏ năm 2011 là hơn 108 triệu đồng...
Trước đó, vào sáng 8/10, rất đông khách hàng mua nền dự án Khu nhà ở CBCNV đã tụ tập trước trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và UBND quận Thủ Đức, TP.HCM, để kiến nghị các cơ quan này vào cuộc giải quyết.
Theo đơn kêu cứu của gần 200 khách hàng góp vốn dự án này, năm 2001, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) ra quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng khu nhà ở cho CBCNV công ty Tranimexco (thành viên của Cienco 6), với quy mô 86.568m2. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn đóng góp tự nguyện của CBCNV. Công ty Tranimexco làm đại diện chủ đầu tư, quản lý, điều hành dự án. Ngày 19/4/2002, dự án được UBND TP.HCM ra quyết định giao đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức.
Từ tháng 3/1999, khi dự án đang trong giai đoạn lập đề án, Tranimexco đã bắt đầu thu tiền góp vốn. Sau đó, Tranimexco ký thỏa thuận góp vốn với CBCNV để huy động vốn thực hiện dự án thông qua đại diện công đoàn công ty. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều CBCNV đã về hưu nhưng vẫn chưa nhận được nền để xây nhà.
Theo Vietnamnet