Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Dựa hơi chỉ đạo của Bí thư, Phó Chủ tịch Bà Rịa - Vũng Tàu bán đất kiểu Alibaba

15/05/2020 15:37

Dù mới chỉ được Bí thư, Phó Chủ tịch Bà Rịa - Vũng Tàu “bật đèn xanh” cho chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng 60ha đất nuôi trồng thủy sản tại huyện Xuyên Mộc đã được mang ra phân lô bán nền.

Khu đất khủng được Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh trực tiếp chỉ đạo

Cuối năm 2019, thông tin rao bán đất nền dự án Hồ Tràm Riverside bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Theo giới thiệu, dự án này có quy mô lên đến 60ha, chia làm 3 giai đoạn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Reatimes, khu đất này hiện vẫn là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khu đất được quảng cáo là dự án Hồ Tràm Riverside đã san ủi làm hạ tầng

Được biết, ngày 12/9/2018, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh đã ký văn bản chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, xử lý và trả lời đề nghị của ông Nguyễn Quốc Vinh, về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, khu vực nuôi tôm, tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, ngày 2/10/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tấn Quốc ký văn bản, giao Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Xuyên Mộc và các sở ngành liên quan, rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Vinh theo đúng quy định và báo cáo kết quả giải quyết về Thường trực Tỉnh ủy.

Đến ngày 8/11/2018, ông Lê Tấn Quốc ký văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, về việc đã thống nhất theo phương án đề nghị của ông Nguyễn Quốc Vinh, điều chỉnh quy hoạch sử dụng 60ha đất, tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Phó Chủ tịch Lê Tấn Quốc cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp UBND huyện Xuyên Mộc cùng các sở ngành tổ chức triển khai việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất trên khu đất của ông Nguyễn Quốc Vinh nhận được sự quan tâm của cả Bí thư và Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là trường hợp đặc biệt hiếm hoi, khi kiến nghị của một người dân về đất đai, được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rốt ráo. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương, chưa đủ cơ sở pháp lý để phân lô bán nền. Việc lạm dụng các văn bản chỉ đạo nói trên để bán đất không những có nguy cơ phạm pháp mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín, phụ lòng tin của lãnh đạo tỉnh ủy và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi giải quyết kiến nghị của người dân.

Nguy cơ tái xuất phân lô bán nền kiểu địa ốc Alibaba

Năm 2019, vụ việc địa ốc Alibaba lừa đảo, bán dự án ma, gây chấn động dư luận cả nước là một bài học nhãn tiền với quá nhiều hệ lụy đã xảy ra. Được biết, các công ty liên quan địa ốc Alibaba đã vẽ gần 50 dự án ma tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất.

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, tính đến ngày 20/2/2020, cơ quan này đã tiếp nhận 3.312 nạn nhân, bị Công ty Alibaba lừa đảo, với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. Theo tài liệu thu thập, cũng như hồ sơ trong quá trình điều tra mà Công ty Alibaba cung cấp trước đó thể hiện, công ty này đã lừa bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng.

Tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có đến 8 khu đất được vẽ thành dự án ma dưới tên gọi dự án Alibaba: Khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, do ông Nguyễn Ngọc Sự đứng tên ở xã Châu Pha là "dự án Alibaba Tân Thành Center City 1"; Khu đất tại ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài do ông Trần Huy Phúc đứng tên sử dụng trùng khớp với "dự án Alibaba Tân Thành Center City 2"; Khu đất trồng cây lâu năm do ông Nguyễn Thái Lực đứng tên, tại ấp Sông Xoài 1, xã Sông Xoài trùng với "dự án Alibaba Tân Thành Center City 3"…

Công an TP.HCM cho biết, Nguyễn Thái Luyện có vai trò cầm đầu, chủ mưu vụ án lừa đảo đình đám này. Luyện và Lĩnh lập ra công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, có quy mô tổng cộng khoảng 2.600 nhân viên.

Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là đi thu gom đất nông nghiệp, đến nay xác định là hơn 600ha, ở nhiều tỉnh, thành. Các khu đất này, Luyện giao cho 2 người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và một số người thân khác đứng tên.

Luyện chỉ đạo nhân viên tự vẽ các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó.

Rất nhiều đơn vị tham gia phân phối cho Hồ Tràm Riverside

Với những diễn biến vừa qua tại dự án ma Hồ Tràm Riverside, có thể thấy nhiều điểm tương đồng với vụ việc của địa ốc Alibaba (rao bán đất nền trên đất nông nghiệp chưa đủ pháp lý, thi công hạ tầng khi chưa đủ điều kiện…) dù quy mô còn nhỏ hơn. Theo thống kê sơ bộ, đã có trên 15 đơn vị bất động sản nhảy vào quảng cáo và phân phối dự án “ma” này. Trong đó có thể kể đến các đơn vị như: P10 Investment; Danh Khoi Real; Tây Nam; Central Land; SeaLand; Ben Thanh Real; Nhà Việt Land; Danh Phat Land; Home Land SG; HT Land; Khang Gia Phát Land; Hưng Điền; Khởi Phát Land; Phúc An Group…

Hồ Tràm Riverside liệu có lặp lại kịch bản tương tự như vụ việc địa ốc Alibaba lừa đảo? Điều này còn tùy thuộc vào việc chính quyền các cấp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thực sự vào cuộc quyết liệt, điều tra để xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không?

http://reatimes.vn/dua-hoi-chi-dao-cua-bi-thu-pho-chu-tich-ba-ria-vung-tau-ban-dat-kieu-alibaba-20200515102221021.html