Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đừng kêu khổ vì dọn nhà trước Tết nữa, đây là 3 bài học cuộc sống quý giá từ việc dọn nhà

01/02/2019 13:24

Việc dọn dẹp không gian cũng có tác dụng như dọn dẹp tâm trí và cuộc sống. Công việc này khiến bạn phải soi xét lại những giá trị cá nhân, niềm vui, quá khứ của mình.


Việc dọn dẹp không gian cũng có tác dụng như dọn dẹp tâm trí và cuộc sống. Công việc này khiến bạn phải soi xét lại những giá trị cá nhân, niềm vui, quá khứ của mình.

Trong một cuốn sách, Marie Kondo - chuyên gia dọn dẹp nhà người Nhật Bản và tác giả của cuốn sách về dọn dẹp nằm trong danh sách best-seller của New York Times - trích dẫn ngạn ngữ: "Một căn phòng bừa bộn cũng như thể một tâm trí bừa bộn". Việc dọn dẹp không gian vật chất xung quanh mình cũng như dọn dẹp không gian tâm trí. Vì thế, đừng kêu ca phải dọn nhà "sấp mặt" ngày Tết nữa mà hãy đọc những nguyên tắc sau đây của Marie Kondo rồi xắn tay vào dọn nhà - dọn lòng đón Tết nào!

3 nguyên tắc giúp bạn dọn nhà hiệu quả

Marie Kondo cho rằng việc dọn dẹp triệt để và hiệu quả chỉ gắn với 2 hành động cơ bản: từ bỏ vật dụng và quyết định nên cất giữ vật dụng (còn lại) ở đâu.

Đừng kêu khổ vì dọn nhà trước Tết nữa, đây là 3 bài học cuộc sống quý giá từ việc dọn nhà - Ảnh 1.

Nguyên tắc 1: Loại bỏ trước, cất giữ sau

Hãy bắt đầu dọn dẹp căn nhà hoặc căn phòng của bạn bằng cách cân nhắc những thứ có thể từ bỏ. Để quyết định vật nào có nên từ bỏ hay không, hãy cầm mỗi vật dụng lên và đặt cho bạn câu hỏi: Nó có mang lại niềm vui không?

Theo Marie Kondo, mấu chốt của việc dọn dẹp là để không gian và những thứ trong đó mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc. Do đó, tiêu chí đúng đắn nhất để lựa chọn giữ lại hay bỏ đi thứ gì là xem nó có khiến bạn hạnh phúc không.

Chẳng hạn, hãy đặt câu hỏi cho mình: Bạn có hạnh phúc khi mặc những trang phục khiến mình cảm thấy không thoải mái không? Bạn có cảm thấy vui khi vây quanh mình là hàng chồng sách chưa đọc và chúng không khiến cho trái tim bạn rung động?

"Hãy giữ lại những thứ khiến trái tim bạn lên tiếng. Sau đó, hãy quyết tâm từ bỏ tất cả những thứ còn lại", Marie Kondo khuyên.

Nguyên tắc 2: Phân loại và dọn dẹp theo thứ tự: quần áo → sách vở → tài liệu → đồ tạp (những vật linh tinh đa dạng khác) → cuối cùng là những vật có giá trị tình cảm và vật kỉ niệm. 

Tại sao lại như vậy? Theo chuyên gia dọn dẹp người Nhật Bản, việc chia vật dụng thành từng nhóm và bắt đầu dọn dẹp từ những nhóm vật dụng dễ đánh giá (rằng có giữ lại hay không) sẽ dễ dàng cho việc ra quyết định hơn.

Những nhóm vật dụng liên quan đến giá trị cảm xúc thường nên để lại sau cùng, vì bao giờ cũng khó đánh giá nhất. Nếu đang hăng hái dọn dẹp mà bạn lại bị ‘khựng’ lại để bâng khuâng ngắm một bức ảnh cũ thì việc dọn nhà sẽ gián đoạn mất, phải không nào?

Nguyên tắc 3: Cất giữ những thứ cùng loại vào cùng một chỗ

"Khi bạn đã quyết định được nên giữ lại thứ gì bằng cách phân loại và khi tất cả những thứ đó đã nằm chung một loại, thì tất cả việc cần làm chỉ là cất giữ chúng ở cạnh nhau mà thôi", Marie Kondo ghi.

Theo cô, việc xếp những đồ cùng loại vào một chỗ (chứ không phải để rải rác mỗi thứ mỗi nơi trong nhà) giúp chúng ta nắm được số lượng của những thứ ta có. Bằng cách này, chúng ta biết được chính xác bao nhiêu thứ mình thật sự cần, tránh được việc tích trữ trong tương lai.

Đừng kêu khổ vì dọn nhà trước Tết nữa, đây là 3 bài học cuộc sống quý giá từ việc dọn nhà - Ảnh 2.

3 bài học cuộc sống từ việc dọn nhà

Qua 3 nguyên tắc trên, bạn đã nhìn ra ý nghĩa của việc dọn dẹp với cuộc sống chúng ta chưa?

Thứ nhất, bài học về niềm vui

Qua việc cân nhắc từ bỏ vật dụng, đặt câu hỏi: ‘Nó có mang lại niềm vui không?’ với mỗi thứ, chúng ta nhìn lại được mình, biết được đâu là niềm vui của mình, biết mình thích gì.

Trong vai trò là chuyên gia dọn dẹp của mình, Marie Kondo hướng dẫn các ‘khách hàng’ của cô dọn dẹp nhà cửa. Rất nhiều khách hàng sau đó nói với cô rằng sau khi dọn dẹp triệt để nhà cửa, họ phát hiện ra điều họ muốn làm.

Ví dụ như một khách hàng nữ vốn làm việc cho một công ty công nghệ tin học lớn từ ra trường, trong quá trình dọn dẹp nhà cửa theo hướng dẫn của Marie Kondo, cô ấy đã phát hiện ra điều mà mình thực sự thích làm không phải là công việc hiện tại.

"Khi chúng tôi kết thúc việc dọn dẹp nhà của cô ấy, cô ấy nhìn vào giá sách giờ đây chỉ còn những cuốn sách khiến cô phải say mê và nhận ra rằng tất cả những tựa sách đều liên quan tới phúc lợi xã hội", Marie Kondo kể.

Khi nhìn chúng, nữ khách hàng đó nhớ lại công việc tình nguyện mà cô đã làm trước khi vào làm tại công ty tin học. Bỗng nhiên cô ấy nhận ra mình muốn làm các dịch vụ để giúp đỡ người khác. Ý thức được về niềm đam mê của mình, khách hàng đó đã dành 1 năm nghiên cứu chuẩn bị, sau đó nghỉ việc và lập công ty trong lĩnh vực phúc lợi xã hội.

Thế đấy, rất nhiều người bao quanh mình với những vật dụng, và công việc không mang lại niềm vui. Nhưng họ để mặc vậy vì mọi chuyện có vẻ "vốn là như thế". Dọn dẹp là cách kiểm kê lại những thứ cho chúng ta thấy điều mà mình thực sự thích là gì. Bởi những vật chúng ta sở hữu có mối liên hệ chính xác với mọi quyết định mà chúng ta thực hiện trong suốt cuộc đời.

"Dọn dẹp là cách đối thoại với bản thân. Trong một trạng thái không hẳn là thiền định, có những lúc trong khi dọn dẹp, tôi đã có thể giao tiếp lặng lẽ với chính mình. Công việc xem xét cẩn thận từng vật sở hữu để biết liệu chúng có khơi gợi niềm vui trong mình hay không giống như việc đối thoại với chính mình thông qua phương tiện trung gian là các vật sở hữu", Marie Kondo cho biết.

Đừng kêu khổ vì dọn nhà trước Tết nữa, đây là 3 bài học cuộc sống quý giá từ việc dọn nhà - Ảnh 3.

Thứ hai, bài học về buông bỏ

Trong khi dọn dẹp, rất có thể bạn sẽ gặp vật dụng dù không còn hữu dụng, cũng không mang lại niềm vui nhưng vẫn cảm thấy không thể từ bỏ.

"Những phụ kiện mà bạn từng được tặng, hãy giữ lại chỉ khi chúng thực sự mang lại cho bạn niềm vui. Nếu bạn giữ chúng vì bạn không thể quên được người bạn trai cũ, thì tốt nhất là bạn nên bỏ chúng đi," Marie Kondo nêu ví dụ, "Quyến luyến với chúng chỉ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội có được những mối quan hệ mới".

Theo Marie Kondo, việc không thể ra quyết định cho thấy mức độ gắn bó nhất định của ta với một vật nào đó cho thấy có điều gì đó trong nội tâm bạn cần được xem xét. Khi bạn tình cờ gặp phải thứ gì khó có thể bỏ đi, trước hết hãy xem xét cẩn thận lí do tại sao bạn lại có nó. Bạn có nó khi nào và sau đó nó có ý nghĩa như thế nào với bạn.

Marie Kondo cũng cho rằng, mỗi vật dụng đều đóng một vai trò khác nhau với chúng ta. Không phải tất cả quần áo đến với bạn đều sẽ được mặc đến khi xác xơ. Với con người cũng vậy. Không phải tất cả những người mà bạn gặp trong đời đều sẽ trở thành bạn thân hay người yêu. Nhưng họ cũng dạy cho bạn bài học quý giá về những người mà bạn thích, nhờ đó bạn sẽ càng trân trọng những người mà mình yêu quý.

Bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy có rất nhiều vật sở hữu của mình đã hoàn thành bổn phận của chúng. Bằng cách thừa nhận sự đóng góp của chúng và bỏ chúng đi với sự trân trọng, bạn sẽ có thể sắp xếp những đồ vật mà bạn sở hữu, và cả cuộc đời bạn nữa, trở nên trật tự.

"Bằng cách cầm lấy từng vật có giá trị tình cảm và quyết định xem nên bỏ thứ gì, bạn đang trải nghiệm lại quá khứ. Nếu bạn chỉ xếp gọn những thứ này vào trong ngăn kéo hoặc hộp các tông, thì trước khi bạn kịp nhận ra, quá khứ sẽ trở thành một gánh nặng kéo bạn lùi trở lại và ngăn bạn sống trong hiện thực. Vì thế, dọn dẹp đồ đạc cũng có nghĩa là dọn dẹp quá khứ. Nó giống như thể bạn đang tái lập lại cuộc sống và thanh lí những tồn đọng để bạn có thể tiếp tục tiến về phía trước".

Một bài học thật cần thiết để bắt đầu năm mới, đúng không nào?  

Đừng kêu khổ vì dọn nhà trước Tết nữa, đây là 3 bài học cuộc sống quý giá từ việc dọn nhà - Ảnh 4.

Thứ ba, bài học về ra quyết định

Dọn dẹp nghĩa là nắm mọi thứ trong tay, tự hỏi bản thân rằng nó có mang lại niềm vui không và quyết định nên hay không giữ nó lại. Bằng cách lặp lại quá trình này hàng trăm hàng nghìn lần, về bản chất là chúng ta đang mài giũa kĩ năng ra quyết định của mình.

Tương tự, việc ra quyết định từ những vật dụng dễ đánh giá và để những thứ khó đánh giá nhất như cảm xúc, kỷ niệm… cũng có thể áp dụng vào để quyết định những mặt khác trong cuộc sống.

Thêm nữa, trong quá trình dọn dẹp, vì liên tục phải quyết định từ bỏ những thứ mà bạn không cần, bạn rèn được tính tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không thoái thác cho những người khác. Giờ đây, khi xuất hiện vấn đề nào đó trong cuộc sống, bạn không tìm kiếm nguyên nhân bên ngoài hay người nào đó để đổ lỗi. Thay vào đó, ban tự ra quyết định và ý thức được rằng việc cân nhắc những hành động phù hợp để xử lý bất kì tình huống nào là điều thực sự quan trọng.

---

Thế đấy, việc dọn dẹp không gian cũng có tác dụng như dọn dẹp tâm trí và cuộc sống. Công việc này khiến bạn phải soi xét lại những giá trị cá nhân, niềm vui, quá khứ của mình. Những vật dụng bạn sở hữu được bày ra trước mắt trong quá trình dọn dẹp còn nhắc nhớ bạn về những mặt quan trọng trong cuộc sống: công việc, tình cảm, gia đình, sở thích... Qua đó, bạn biết được mình đang có gì và đang tìm kiếm gì, biết được bao nhiêu là đủ thay vì cứ liên tục tìm kiếm tích lũy mà không biết điều gì mới thực sự ‘làm đầy’ mình. Bạn tự tin hơn ở bản thân, và từ đó, cuộc sống đích thực thực sự được mở ra…

Marie Kondo đã được rất nhiều người, trong đó có cả người Việt, biết đến nhờ cuốn sách The Life-Changing Magic of Tidying Up (được xuất bản tại Việt Nam dưới tên Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống. Các trích dẫn trong bài viết cũng thuộc cuốn sách này). Đầu năm 2019, tên tuổi Marie Kondo được biết đến rộng rãi hơn thông qua series thực tế của Netflix Tidying up with Marie Kondo (Dọn Dẹp Cùng Marie Kondo).


Minh Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ