Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đừng kỳ vọng vào sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tham lam tất cả nhưng lại không chịu trả giá, rốt cuộc bạn còn lại gì trong tay?

12/04/2019 19:59

Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Vấn đề là ta chọn con đường nào và có dám trả giá cho nó hay không.

Hôm nọ, tôi đọc được một câu chuyện trên Facebook. Giống như hầu hết các câu chuyện khác trên này, có lẽ nó chỉ có 38% sự thật và được viết bởi cậu bé 16 tuổi nào đó. Dù vậy, tôi vẫn thấy nó hay và đáng suy ngẫm.

Đó là câu chuyện về một người đàn ông tên là Mohammed El-Erian. Là CEO của Quỹ trái phiếu PIMCO, ông kiếm được đến 100 triệu USD mỗi năm. Vào tháng 1, Mohammed bất ngờ từ chức để dành nhiều thời gian hơn cho cô con gái 10 tuổi của mình.

Trong xã hội hiện tại, một quyết định như thế này sẽ gây tranh cãi. Nó hoàn toàn bất ngờ và đi ngược lại với triết lý “kiếm tiền tỷ hay là chết” mà chúng ta đã quá quen. Bài viết này đã gây bão mạng xã hội, được chia sẻ và nhắc đến liên tục trong một thời gian dài.

Quyết định của El-Erian được đưa ra sau một lần cãi nhau với con gái. Ông bảo con đi đánh răng, nhưng cô bé từ chối. Ông buông ra câu nói kinh điển: “Ta là cha con và con phải làm theo điều ta nói”. Đáp lại, cô chỉ nói: “Cha hãy chờ chút”. Cô bé chạy về phòng về phòng mình, viết ra 22 khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời mình mà cha cô đã bỏ lỡ vì công việc - từ tiệc sinh nhật đến buổi biểu diễn trên trường,... Chính danh sách đó đã khiến Mohammed sững người, và ngày hôm sau, ông đã rời khỏi quỹ đầu tư của mình mãi mãi. Giờ đây, ông trở thành một người cha toàn thời gian.

Nếu đã từng tham gia một lớp kinh tế học, điều đầu tiên bạn được học là khái niệm “chi phí cơ hội.” Người ta thường nói, “Chẳng có bữa trưa nào là miễn phí cả.”

Chi phí cơ hội có nghĩa là: mọi thứ bạn làm đều có cái giá của nó. Khi ai đó mời bạn ăn trưa, bạn nhận về giá trị của bữa trưa, nhưng vẫn mất đi khoảng thời gian mà nhẽ ra bạn làm được nhiều điều khác.

Như vậy, bạn đã từ bỏ 1 tiếng làm việc thêm, 1 tiếng ngủ trưa, 1 tiếng gọi điện tiếp thị có thể giúp bạn có thêm khách hàng. Hay như trong trường hợp của El-Erian, đó là 1 tiếng dành thời gian bên con.

Trong xã hội hiện tại, chúng ta luôn ca tụng những con người giàu có nhờ làm nên điều khác biệt. Nhưng những “điều khác biệt” ấy đòi hỏi chi phí cơ hội cực cao. Bill Gates đã phải ngủ tại cơ quan 5 ngày/tuần và vẫn ế cho đến tận tuổi 30. Steve Job là một người cha vô trách nhiệm với con cái.

Mấu chốt là, bất cứ điều gì to tát đều đòi hỏi một sự hy sinh nhất định, có thể ngay lập tức hoặc không.

Tuy nhiên, đây mới là vấn đề. Xã hội hiện đại đem đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội, kéo theo đó là vô số chi phí cơ hội. Chúng quá đắt đỏ và khiến bạn không thể toàn tâm toàn ý vào một thứ mà không cảm thấy nuối tiếc, day dứt.

Chúng ta đang sống một cuộc đời đầy rẫy lời nhắc nhở về những điều ta không thể làm được.

Khoảng 200 năm trước, rắc rối này không hề tồn tại. Nếu là nông dân, bạn sẽ không có nhiều cơ hội ngoại trừ việc làm đồng áng. Thậm chí, bạn còn không biết tới chúng. Vì vậy, bạn cống hiến cả cuộc đời mình để trở thành một nông dân giỏi mà gần như không tốn bất kỳ chi phí cơ hội hay nuối tiếc gì.

Có thể nói, con người thời đó đã “có tất cả mọi thứ.” Bởi lẽ, họ chẳng có gì khác để làm.

Tôi liên tục nhận được email từ mọi người hỏi về cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trên mạng có vô số bài viết về việc liệu con người có thể “có tất cả” hay không: vừa có nghề nghiệp thành công, vừa có gia đình hạnh phúc, vừa có sở thích lành mạnh, vừa ổn định về mặt tài chính.

Chúng ta vẫn bất lực trong việc cân bằng giữa cuộc sống, công việc và giải trí. Điều thay đổi là, chúng ta có nhiều cơ hội để làm việc và chơi hơn trước đây. Nó đồng nghĩa với việc nhiều lợi ích, nhiều trải nghiệm bị bỏ qua hơn. Nói cách khác, chúng ta có thêm chi phí cơ hội.

Sống trong thế giới mỗi ngày đều không ngừng kết nối, chúng ta không thể lờ đi sự thực khắc nghiệt này.

Những người hy sinh cuộc sống riêng tư cho sự nghiệp bị bủa vây bởi tin kết hôn của bạn bè và người lạ. Những người từ bỏ công việc xán lạn để dành thời gian cho gia đình bị nhắc nhở bởi thành công của các cá nhân xuất chúng xung quanh. Những người đảm nhận các vai trò ít lợi lộc nhưng cần thiết trong xã hội lại bị nhấn chìm bởi các câu chuyện về sự hào nhoáng và danh tiếng.

Vậy chúng ta phải đương đầu thế nào với cuộc sống kết nối quá mức này?

Câu trả lời phổ biến nhất, và cũng là câu trả lời bạn sẽ tìm thấy trong hầu hết các cuốn sách và hội thảo: “làm ít được nhiều”, “quản lý thời gian”, hoặc “ngủ nhanh hơn”.

El-Erian kể rằng, ông đã mất hàng năm trời tìm lý do để bao biện cho sự vắng mặt của mình trong sinh nhật con gái. Nào là ông quá bận, công việc quá đòi hỏi, lịch công tác thì dày đặc.

Đây chính là câu chuyện điển hình giữa cân bằng cuộc sống và công việc, là hội chứng “tôi khổ quá” mà chúng ta vẫn thường nghe: “Có nhiều thứ tôi muốn làm, nhưng chẳng đủ thời gian”.

Nhưng nếu câu trả lời không phải là “làm nhiều hơn” thì sao?

Nếu câu trả lời là “muốn ít đi” thì sao?

Sẽ ra sao nếu giải pháp chỉ đơn giản là chấp nhận giới hạn của bản thân, rằng ta không thể ở 2 nơi cùng lúc? Sẽ ra sao nếu ta nhận ra những hạn chế không thể tránh khỏi và ưu tiên cho những điều mình quan tâm nhất?

Sẽ ra sao nếu chỉ đơn giản nói rằng: “Đây là thứ tôi trân trọng hơn bất kỳ thứ gì khác,” và sống với nó?

Khi chúng ta nỗ lực làm mọi thứ để “có tất cả”, thực chất chúng ta đang cố sống một cuộc đời vô ích, nơi mọi thứ đều đạt được như nhau và không có gì để mất. Khi một người cần và khao khát mọi thứ như nhau, có nghĩa là họ thật ra chẳng cần và khao khát điều gì cả.

Tuần trước, tôi nhận được email từ một người đàn ông khốn khổ. Ông ấy ghét công việc của mình và đã không còn giữ liên lạc với bạn bè mà ông từng quan tâm. Ông ấy chán nản vô cùng và cảm thấy như thể đã đánh mất chính mình. Ông ấy ghét cay ghét đắng cuộc đời này.

Thế nhưng, ông ấy đã quen tiêu pha với mức lương mình nhận được. Vì thế, ông không thể bỏ việc được. Ông hỏi rằng mình nên làm gì?

Theo kinh nghiệm của tôi, những người gặp khó khăn trong việc đi tìm mục tiêu sống luôn than phiền họ không biết phải làm gì. Tuy nhiên, không phải là họ không biết làm gì. Sự thực là họ không biết phải từ bỏ điều gì.

Mục tiêu của El-Erian đã từng là kiếm 100 triệu USD/năm. Mục tiêu của ông là làm CEO, có chuyên cơ, có xe limo, với những bản cân đối thu chi khiến bất cứ nhân viên ngân hàng nào cũng sững sờ. Và để đạt được những điều đó, El-Erian đã chọn cách khước từ cơ hội được hiện diện trong cuộc đời con gái mình.

Cho đến một ngày, ông chọn điều ngược lại.

* Bài chia sẻ của Mark Manson - một blogger và doanh nhân tự thân người Mỹ. Anh cũng là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về đời sống tinh thần con người.

Theo Trí Thức Trẻ