Nếu mục đích là để biện minh cho cảm xúc, để xác nhận rằng bạn đúng hoặc để có được sự ủng hộ cho quan điểm của bạn thì đừng đưa người khác vào cuộc trò chuyện.
Trong công việc với các nhà lãnh đạo và các team, tôi thường hỏi khách hàng của mình xem họ có tham gia vào những cuộc tám chuyện tại nơi làm việc không. Thường là họ trả lời: "Tất nhiên là không!" với khuôn mặt nhìn như thể họ cảm thấy bị xúc phạm khi tôi hỏi một câu hỏi như vậy.
Nhưng khi tôi hỏi họ liệu họ đã từng góp mặt vào "một nhóm người chuyên đi xác nhận tin đồn" chưa? Có nghĩa là họ có 1) hỏi xem một đồng nghiệp có cùng chung trải nghiệm tiêu cực với một đồng nghiệp thứ ba không có mặt tại đó không? hoặc 2) đồng ý với một cảm nhận tương tự từ một đồng nghiệp khác về một đồng nghiệp thứ ba không có mặt hay chưa?
Hầu hết đều thừa nhận rằng trên thực tế, đây là một phần thường xuyên trong cuộc sống công việc hàng ngày của họ.
Có thể các nhà lãnh đạo và team coi đây là hành vi vô tội "chỉ xả cơn bực bội" hay đây chỉ là một "cách đánh giá hiệu suất" theo chiến lược, nhưng tôi thì coi đó là một dạng tin đồn tại nơi làm việc.
Nhưng không phải chỉ mình tôi thấy vậy đâu. Tác giả Nancy Kurland và Lisa Hope Pelled, trong bài viết nghiên cứu đã định nghĩa tin đồn là: một cuộc đánh giá và trò chuyện không chính thức trong một tổ chức, giữa một vài cá nhân, về một thành viên khác của tổ chức không có mặt. Khi bạn nghĩ về mức độ thường xuyên các cuộc hội thoại tại nơi làm việc của bạn là 1) không chính thức (tôi chỉ đang chơi trong văn phòng của Linda); 2) đánh giá (thảo luận về sự chậm chạp trong những câu trả lời của Doug ở bộ phận Kế Toán); 3) chỉ một vài cá nhân nói chuyện với nhau (... và Marci cũng có ở đây); và 4) về một thành viên khác của tổ chức không có mặt (dĩ nhiên là Doug đang ở bàn làm việc rồi!) thi bạn có thể bắt đầu nhận ra mức độ thường xuyên bạn tham gia vào những cuộc tám chuyện, và góp phần tạo ra những tác động tiêu cực.
Như thế nào? Giống như sự xói mòn lòng tin, cảm xúc bị tổn thương, tinh thần giảm sút, danh tiếng bị tổn hại, giảm uy tín cá nhân và nghề nghiệp, tăng sự lo lắng, chia rẽ và hối hận.
Mặc dù cái giá phải trả khi đồn thổi là khá cao nhưng ít ai cưỡng lại được nó. Tiến sĩ Peggy Drexler viết rằng: "Trong suốt lịch sử loài người, tin đồn là một cách để gắn kết với những người khác - thậm chí là một công cụ để cô lập những người không ủng hộ nhóm". Nói với một hoặc nhiều đồng nghiệp về việc Doug của bộ phận Kế toán rất hay trả lời chậm tạo ra cảm giác kết nối với tất cả những người cũng cảm thấy khó chịu vì Doug. Những người có chung cảm giác không ưa Doug đối xử với nhau bằng sự thiên vị trong nhóm. Theo đó mọi người đối xử với các thành viên trong nhóm của mình sẽ thiên vị hơn so với những người không có trong nhóm.
Tin đồn cũng là một phương tiện để những người không muốn gặp mặt nhận xét trực tiếp trút giận hoặc là những người vừa có một cuộc đối thoại khó nói với đồng nghiệp.
Trong một cuộc khảo sát Globis năm 2013 với hơn 200 chuyên gia về chủ đề "cuộc trò chuyện khó nói", 80% số người được hỏi cho biết những cuộc trò chuyện này là một phần công việc của họ, [nhưng] hơn một nửa cho thấy họ không cảm thấy mình có đủ năng lực để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
Một khi bạn nói chuyện với ai đó, tất cả mọi người, hoặc thậm chí chỉ một người về một đồng nghiệp khác không có mặt để nghe phản hồi, đưa ra quan điểm, và tham gia giải quyết vấn đề chung, bạn đang làm yếu đi lợi ích của một mối quan hệ trung thực, cởi mở và văn hóa tự do góp ý.
Cuối cùng, chúng ta sử dụng tin đồn như một cách để thu thập bằng chứng xác nhận niềm tin của mình, để thoả mãn thiên kiến xác nhận của bản thân- xu hướng tìm kiếm thông tin để xác nhận những gì chúng ta đã tin là đúng. Bằng cách kiểm tra với đồng nghiệp khác rằng liệu cô ấy có chung trải nghiệm là Doug trả lời rất chậm hay không, chúng ta đang xác nhận niềm tin hiện tại của chúng ta và sự hài lòng đến từ những "điều đúng" của Doug. Chính adrenaline và dopamine đã khiến chúng ta nghiện những cảm giác "được đúng đắn".
Hãy xem xem bạn hài lòng như thế nào khi biết bạn thân mình đã đúng, bạn bị cám dỗ như thế nào khi cứ tránh đưa ra những góp ý trực tiếp và mức độ chúng ta tìm kiếm xác nhận để củng cố niềm tin của mình - thật khó để bỏ cái thói quen đồn thổi - cả khi với tư cách là người đồn thổi hoặc là người nghe đồn. Tuy nhiên, có một số cách để giúp bạn và team của bạn ngừng tham gia vào một cái gì đó quá sai mà lại cảm thấy rất đúng:
1. Bạn mong muốn trải nghiệm hay giải quyết vấn đề
Đầu tiên, hãy gọi tin đồn là "tin đồn" để ngăn chặn không cho nó tiếp tục diễn ra. Nếu bạn đang tham gia vào "cuộc đánh giá và trò chuyện không chính thức trong một tổ chức, giữa một vài cá nhân, về một thành viên khác của tổ chức không có mặt." - đặc biệt nếu mục đích là để xác nhận trải nghiệm của bạn chứ không phải là giải pháp mang tính xây dựng - thì bạn đang tham gia vào tin đồn. Nếu bạn đề cập đến ai đó, hầu hết mọi người sẽ ngừng lại, lắng nghe đồng nghiệp nói rằng: "Đây như thể là một tin đồn. Có phải bạn đang có ý đồn thổi một điều gì đó chăng?" Thứ hai, hãy nghiệm lại cuộc trò chuyện bằng cách hỏi: "Làm thế nào để tôi giúp bạn trở nên tốt đẹp hơn?" Chỉ có thể tham gia vào việc luyện tập, động não và giải quyết vấn đề - chuyện không thể giải quyết khi bạn tham gia vào những cuộc trò chuyện nhằm xác nhận vấn đề.
2. Tự hỏi bản thân hoặc người khác lý do tại sao bạn cần người khác xác nhận về hành vi mà bạn nhận thấy ở người thứ ba
Nếu mục đích là để biện minh cho cảm xúc, để xác nhận rằng bạn đúng hoặc để có được sự ủng hộ cho quan điểm của bạn thì đừng đưa người khác vào cuộc trò chuyện. Nếu để bạn biết được cách đóng góp cho vấn đề, để suy nghĩ các giải pháp hữu ích hoặc để chính thức đưa ra lời phàn nàn để điều tra thêm thì hãy cứ tiếp tục.
3. Hãy cho mọi người biết nguyên tắc của bạn là: "Nếu bạn gặp vấn đề với tôi, xin vui lòng cho tôi biết trước."
Áp dụng việc "nói với họ trước" với các đồng nghiệp của bạn và khi ai đó tiếp cận bạn để bàn tán về người khác, hãy hỏi "Bạn đã nói với cô ấy/ anh ấy điều này chưa?" để nhắc nhở họ về chính sách này.
4. Xây dựng môi trường tự do phản hồi.
Bạn càng bình thường hóa các phản hồi - cả tích cực và tiêu cực, và cả đưa và nhận - mọi người sẽ càng ít tìm kiếm các cách khác để bày tỏ sự thất vọng và lo lắng của họ. Thay vì "che giấu" những lời phản hồi cho cuộc họp tổng kết hàng năm, hãy thảo luận về những gì ai đó đã làm tốt và những gì người đó nên làm khác đi, như là một phần của cuộc họp thẩm định báo cáo. Và đảm bảo bạn đưa cho người khác những phản hồi tích cực khi họ yêu cầu một phản hồi hữu ích cụ thể - ngay cả khi nó khó nghe.
Tin đồn, thậm chí dưới cái tên gọi nào khác, vẫn là một chiến lược truyền thông phá hoại, tác động tiêu cực đến các cá nhân, nhóm và toàn bộ tổ chức. Bằng cách ngăn chặn tin đồn và lựa chọn các phương pháp lành mạnh và hữu ích hơn để truyền đạt những gì không hiệu quả và tham gia hợp tác giải quyết vấn đề, bạn đã giúp các mối quan hệ và tổ chức có thể phát triển.
Mai Lâm
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/HBR