Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đừng tự hào mình đã trưởng thành khi đồng tiền nhỏ nhất cũng không giữ nổi: Bí kíp tiết kiệm "chuẩn không cần chỉnh" từ 4 người đàn ông quyền lực nhất ngành tài chính

24/04/2019 10:26

Một số người lập kế hoạch tiêu pha theo từng ngày từng tháng, có những người dành cả đời để tìm cách học hỏi các bí kíp giữ tiền qua sách vở và internet đến mức phát nản vì chẳng điều gì hiệu quả. Hãy để những người đàn ông có quyền lực nhất ngành tài chính cho bạn vài lời khuyên.

Có nhiều cách để một người đàn ông tự hào về bản thân mình. Tự thay dầu xe, tự cắt tóc hay tự xây dựng một body 6 múi chẳng hạn. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể tự hào thực sự khi có nguồn tài chính mạnh và khả năng giữ được nó.

Một số người lập kế hoạch tiêu pha theo từng ngày từng tháng, có những người dành cả đời để tìm cách học hỏi các bí kíp giữ tiền qua sách vở và Internet đến mức phát nản vì chẳng điều gì hiệu quả. Giải pháp ở đây là gì? Hãy để những ông lớn ngành tài chính John D. Rockefeller, George Clason, Dave Ramsey và Robert Kiyosaki cho bạn vài lời khuyên

  1. John D. Rockefeller - Nhớ nhiệm vụ của mỗi đồng tiền bạn có, dù là nhỏ nhất

Để biết số tiền của mình sẽ đi đâu, bạn cần biết nó đang ở đâu. Không có minh chứng nào cụ thể hơn cho câu nói này ngoài John D. Rockefeller, một trong những cá nhân có khởi đầu nghiêm tốn và từng bước trở thành người giàu nhất thế giới.

Từ khi còn trẻ, Rockefeller đã tự biến mình thành một kế toán khắt khe của chính bản thân bằng cách đi đâu cũng mang theo một cuốn sổ chi tiêu. Ông ghi lại mỗi đô la mình nhận được, chi tiêu, quyên góp và đầu tư. Sổ sách kế toán đã trở thành một phong cách sống, và thậm chí sau khi kiếm được hàng triệu đô la, Rockefeller vẫn giữ thói quen nhìn nhận bản thân thông qua một bộ hồ sơ tài chính.

John D. Rockefeller đã để lại một bài học rất thẳng thắn tới các bạn trẻ: Đừng xấu hổ khi viết ra những thứ, kể cả vớ vẩn nhất đã khiến bạn đã bỏ tiền ra. Dám thừa nhận mình đang làm gì và kiếm được bao để biết bạn đang làm gì với túi tiền của bản thân đi nào! Đây là cách vô cùng hiệu quả để giúp bạn tiết kiệm và bạn nên làm điều đó, càng sớm càng tốt!

Số tiền bạn đang có trong tay là thứ bắt đầu tất cả. Ghi chép về nó không phải là thứ công việc nhàm chán vô vị mà chính là một công cụ hiệu quả giúp bạn đạt đến cảnh giới của sự tự chủ. Quan tâm đến đầu ra và đầu vào của từng món tiền sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn điều gì mới thực sự là ưu tiên của bạn ở thời hiện tại và cách điều chỉnh nó.

Điều gì thực sự quan trọng với bạn? Bạn có muốn kiếm tiền để có một cuộc sống tốt đẹp hơn? Bạn có muốn đi du lịch không? Làm thế nào để giải quyết nợ nần? Sự lựa chọn là của bạn. Tự giành quyền kiểm soát tài chính của bản thân và để mọi thứ vận hành theo ngân sách cho phép sẽ giúp bạn có được tương lai đúng hướng bạn muốn.

May mắn là, giờ đây bạn không còn cần phải kè kè một cuốn sổ bên cạnh mình suốt ngày tháng như Rockefeller nữa, trừ khi bạn muốn mình trông giống một kế toán thật sự. Công nghệ đã mang đến rất nhiều ứng dụng ví điện tử giúp việc quản lý tài chính trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và có khả năng thực sự thay đổi suy nghĩ của bạn về những gì bạn đang có trong tay.

  1. George S. Clason - Trả công cho chiếc ví

Bạn sẽ làm gì nếu có một số tiền lớn giúp bạn thoải mái làm những gì bạn muốn? Thôi ngừng tưởng tượng đi nào, hãy làm gì để mình có cơ hội đạt được mục tiêu đó trước đã! Hãy nghe lời khuyên của George Clason - một người lính, tác giả và doanh nhân nổi tiếng với những câu chuyện ngụ ngôn và phương pháp tiết kiệm và trở nên giàu có. Trong đó, câu châm ngôn nổi tiếng nhất của ông phải kể đến là: Đừng quên trả công cho chiếc ví của mình.

George Clason có một công thức tiêu tiền, đó là cứ 10 đồng ông kiếm được, ông giữ lại 1 đồng để trả công cho chiếc ví. Cảm nhận sự tăng lên mỗi ngày của ngân sách bé nhỏ ấy sẽ giúp bạn thấy tự hào về nỗ lực của bản thân. Hoặc ít nhất giúp bạn tránh được tình trạng không có một đồng một cắc nào trong người chi vì vung tay quá trán.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra đây là một phương pháp đòi hỏi đấu tranh tâm lý và phải thực sự kiên nhẫn. Phải làm sao khi các hóa đơn tiền điện tiền nước gào thét bên tai mà bạn vẫn phải trích ra 10% mỗi tháng cho một tài khoản vô hình và bạn không bao giờ được đụng vào? Rồi ngay cả khi bạn duy trì được, số tiền này cũng có thể bị mất đi bởi những nhu cầu không đâu như nhâm nhi vài ly cà phê, đi xem phim hay mua điện thoại mới.

Tuy nhiên, đây là cách hiệu quả nhất để nhắc nhở bạn chỉ được chi tiêu trong mức thu nhập mình có. Hãy thử sống mình chỉ 90% thu nhập để chuẩn bị một số vốn cho những món đầu tư tương lai. Nếu chưa tự tin, hãy bắt đầu với kế hoạch 3 tháng. Bạn có thể tạo một tài khoản ngân hàng và để tiền tự động chuyển đến một ngăn ví khác hạn chế bản thân táy máy. Sẽ khó khăn trong thời gian đầu, nhưng đừng quên mục tiêu về một tương lai tươi sáng: Thấy tiền tăng dần lên trong tài khoản!

  1. Dave Ramsey - Hãy sống dưới mức thu nhập

Sau khi bạn tiết kiệm được 10% thu nhập, hãy nghĩ cách tiêu 90% còn lại sao cho thật thông minh. Và đây chính là lời khuyên của chuyên gia tài chính thời hiện đại: Dave Ramsey - người nổi tiếng với sự giàu có nhưng luôn duy trì một lối sống thanh tịnh đáng ngạc nhiên.

Hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều rất dễ rơi vào tình trạng nợ nần, hầu như chẳng có nổi một tài khoản tiết kiệm và thường không thiếu lý do để biện hộ cho lối sống đó. Tiêu tiền cho bất cứ thói quen gì cũng độc hại không kém việc sử dụng chất gây nghiện. Đó đúng là kiểu mọi người thường tin là mình sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn khi bỏ tiền ra cho thứ gì đó. Hậu quả của chủ nghĩa tiêu dùng và quảng cáo bất minh khiến chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là thứ có thể mua được. Nhưng sâu thẳm, bạn biết rõ sự thật. Chiếc xe mới, ngôi nhà lớn hơn hoặc iPhone mới không thể, và sẽ không bao giờ mang lại niềm vui thực sự.

Hãy thử bắt đầu thay đổi suy nghĩ, sống đơn giản hơn để có được niềm vui theo cách bạn chưa từng trải nghiệm. Một món đồ giúp bạn tiết kiệm được vài đồng, có thể mang đến niềm vui bất ngờ. Từ bỏ một món đồ mới, có thể khiến bạn tiến gần hơn đến chuyến du lịch mơ ước, tại sao không thử?

Tiết kiệm đôi khi chỉ là quan tâm đến mỗi đồng tiền bạn kiếm được. Hãy nhớ rằng, làm giàu thì khó còn rỗng ví thì nhanh thôi!

  1. Robert Kiyosaki - Hãy phân định rõ ràng giữa tiền bạc và trách nhiệm

Dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa, đừng bỏ qua sự kì diệu của lòng tham con người. Chúng ta luôn muốn nhiều hơn. Bạn có muốn nghỉ hưu sớm, hay muốn làm từ thiện? Bạn có muốn con bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn?

Có vô số kế hoạch cho mỗi đồng tiền bạn kiếm được, chính vì thế, hãy phân định rõ ràng sự khác biệt giữa tài sản, khoản nợ và trách nhiệm chi trả. Hầu hết mọi người đều mơ hồ giữa ba khái niệm này để rồi đầu tư sai chỗ.

Kiyosaki khuyên mỗi bạn trẻ nên chăm chỉ và cống hiến cho công việc. Tuy nhiên, đừng đặt tất cả niềm tin vào số tiền bảo hiểm hay hưu trí mà công ty hứa hẹn cho bạn. Hãy tự mua cho mình những tài sản sở hữu lâu dài và kiếm đường lui cho bản thân để tự chăm sóc mình lâu dài nếu có bất trắc xảy ra. Tài sản của bạn là thứ có sẵn trong túi bạn. Còn những thứ phụ thuộc vào người khác hay có thể bị tước đoạt chỉ là các khoản nợ hay trách nhiệm mà thôi.

Những thứ như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, tiền bản quyền và quỹ tương hỗ là tài sản. Những thứ có giá trị, tạo ra thu nhập và đã được kiểm chứng về khả năng sinh lời. Còn những thứ khác, như nhà, xe, đồ công nghệ thậm chí là du thuyền, chỉ khiến bạn tốn kém hơn mà thôi, và chúng chính là những khoản nợ. Tư duy phân định rõ ràng này sẽ là kim chỉ nam thực tế cho các quyết định mua hàng của bạn. Hãy mua những thứ giúp thêm tiền vào túi bạn, thay vì những thứ khiến bạn phải bỏ thêm tiền túi ra để đắp vào

Trí thức trẻ