Không đơn thuần là rắc rối kinh doanh cũng như gia đình, câu chuyện giằng co giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đan xen bởi các yếu tố ân nghĩa vợ chồng, thị phi danh vọng và màu sắc tôn giáo.
Phải ở trong chăn mới biết chăn có rận, hay chăn có… vàng. Đã có nhiều phiên tòa được xét xử với những phán quyết khác nhau, nhưng xung đột vẫn tiếp tục diễn ra của vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và nộ khí ngày một dâng cao.
Khi “cơm không lành, canh không ngọt”
Xung đột chính thức diễn ra từ ngày 13-4-2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ cách chức Phó Tổng giám đốc thường trực CTCP Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Suốt 3 năm qua, những thông tin từ hai phía dường như không ai nhường ai, “sư nói sư phải mà vãi nói vãi hay”.
Thực ra giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nảy sinh hai vụ kiện tụng. Thứ nhất là vụ kiện “thành viên công ty với công ty”, Phó Tổng giám đốc thường trực bị phế truất bất ngờ đã nhờ tòa án đòi lại quyền lợi chính đáng của bản thân. Thứ hai là vụ kiện ly hôn vẫn chưa có hồi kết sau 3 phiên hòa giải, do những bất đồng về việc định giá tài sản, kiểm toán doanh nghiệp và phân chia quyền nuôi, trợ cấp cho 4 người con chung.
Dù ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều thuê những luật sư tài ba nhất, nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Bởi chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của vợ, bên cạnh cái chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của chồng, thật vướng víu nhiêu khê.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quyền khởi kiện và tòa án đã thụ lý. Tháng 9-2017, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Cụ thể, bản án sơ thẩm tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký, khôi phục lại chức danh cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đồng thời, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không được cản trở vợ tham gia điều hành quản lý công ty đúng chức trách.
Không chịu thua, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề nghị cấp phúc thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Tòa án Cấp cao tại TPHCM ngày 20-9-2018 đã xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên phán quyết của Tòa sơ thẩm. Như vậy, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những sơ suất về mặt pháp lý, khi vội vàng đưa ra quyết định cách chức vợ mình.
Để ứng phó với bản án sơ thẩm, ngày 9-10-2017, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lấy tư cách Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Trung Nguyên ra quyết định về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định ngày 13-4-2015 vì ghi sai chức danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc”. Nhưng rồi bản án phúc thẩm vừa được tuyên bà Thảo thắng kiện, bà đã bày tỏ hân hoan: “Sự trở về này có thể còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi luôn tâm niệm tình chồng nghĩa vợ sẽ là nền tảng giúp tôi cố gắng trong hành trình tiếp theo. Tôi xin cảm ơn cộng đồng đã ủng hộ, lên tiếng để những điều sai trái phải bị hủy bỏ, để những điều đúng đắn tốt đẹp được trở về, và để chúng ta luôn có niềm tin vào sự kỳ diệu của cuộc sống".
Ngày hôm sau 21-9-2018, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Trung Nguyên lại ban hành Quyết định 06/2018/QĐBN-TGĐ, về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực CTCP Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo” cho đúng với Luật Doanh nghiệp. Nghĩa là bà Lê Hoàng Diệp Thảo dù thắng kiện, cũng không thể bước chân trở lại trụ sở chính của Tập đoàn Trung Nguyên để làm việc với vai trò Phó Tổng giám đốc thường trực.
Tình cảm vợ chồng, hạnh phúc biến tan
Dấu hiệu leo thang xung đột giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên thể hiện ở văn bản do Tập đoàn đưa ra với nội dung: “Thông tin rõ các hành vi sai phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, với cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên từ năm 2015 đến nay”. Đó là một văn bản dài loằng ngoằng được viết theo chỉ đạo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với những mỹ từ quen thuộc của vị đại gia sính chữ và thích diễn này. Văn bản một lần nữa tự ca ngợi tầm vóc của người đứng đầu Đặng Lê Nguyên Vũ: “Sau hơn 22 năm từ thời điểm sáng nghiệp, Tập đoàn Trung Nguyên đã hoàn tất nhiệm vụ thứ nhất của mình và trách nhiệm xã hội trong giai đoạn khai nghiệp - tăng trưởng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Chỉ trong vòng hai thập niên, với sách lược Tâm và Tầm nhìn trở thành tập đoàn số 1, thống ngự toàn diện và trên toàn cầu, thì Trung Nguyên không những đã trở thành tập đoàn cà phê số 1 - thương hiệu cà phê Việt Nam nổi tiếng toàn cầu với các thành quả kinh tài, mà còn là doanh nghiệp tiên phong tổ chức chuỗi các chương trình, hành động dấn thân phụng sự cộng đồng; trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên; là hình mẫu về tinh thần sáng tạo khởi nghiệp cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp.
Trong đó “Hành trình Lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt”, do Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng từ năm 2012 đến nay là một hành trình dài hạn, nhằm xây dựng sức mạnh toàn diện: Kiến tạo khát vọng lớn, chí cả vĩ đại, tinh thần và tri thức khởi nghiệp thông qua việc trao tặng hàng chục triệu cuốn sách đổi đời đến thanh niên Việt, từ đó chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất và thể chất, tạo nên sức mạnh của quốc gia”.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ giải thích, tranh chấp ở Tập đoàn Trung Nguyên đều do lỗi của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Rằng, những quan điểm của Nhà sáng lập - Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ gặp phải những mâu thuẫn gay gắt về quan điểm và triết lý kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo - nguyên Phó Tổng giám đốc thường trực.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chủ trương kinh doanh theo tư duy “con buôn", kinh doanh kiếm lợi nhuận ngắn hạn, coi công ty và thương hiệu Trung Nguyên mà hàng ngàn lao động đang tạo dựng và đóng góp chỉ là tài sản cá nhân, tất cả vì lợi ích cá nhân, mà bất chấp lợi ích của người tiêu dùng. Những khác biệt lớn trong tầm nhìn, nhận thức của bà Lê Hoàng Diệp Thảo khiến Trung Nguyên không thể phát triển lớn mạnh nếu bà Thảo tiếp tục quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên theo lối tư duy chỉ kinh doanh tận thu lợi nhuận đơn thuần, không gắn với những ý nghĩa lớn lao phụng sự cho cộng đồng xã hội.
Không chỉ gạt bà Lê Hoàng Diệp Thảo khỏi đội ngũ lãnh đạo Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng phủ nhận những đóng góp của bà Lê Hoàng Diệp Thảo bằng sự biện giải: “Bà Thảo chỉ chính thức có tên trong công ty Trung Nguyên từ năm 2007, và tính đến nay chỉ 11 năm. Do đó, việc bà Thảo rêu rao đã quản lý và điều hành Trung Nguyên hơn 20 năm là bịa đặt sai sự thật.
Chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ - là người đã gầy dựng Trung Nguyên, quản lý, phát triển nó từ những ngày đầu thành lập đến nay”. Nguy hiểm hơn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ quay ngược lại tố cáo công khai: “Bà Thảo giả mạo chữ ký của Nhà sáng lập - Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 1 SGD (đô la Singapore). Vụ án đang được Tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 7-4-2016 của Cơ quan giám định Singapore”.
Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng phương pháp “quyết chiến” của Tập đoàn Trung Nguyên cho thấy sự rạn vỡ khó hàn gắn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ hùng hồn tuyên bố “4 bệnh viện hàng đầu trong nước, gồm có: Bệnh viện đại học Y dược, Bệnh viện Pháp - Việt, Bệnh viện tâm thần trung ương II và Viện pháp y tâm thần trung ương đều xác định ông Đặng Lê Nguyên Vũ hoàn toàn khỏe mạnh, có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
TÂM HUYỀN
Theo Sài Gòn đầu tư