Ông Phạm Thanh Hùng là em thứ 6 của bà Ba Huân, kém bà 10 tuổi. Trong suốt cuộc nói chuyện với báo Trí Thức Trẻ, ông kể về nghề kinh doanh trứng được chị Ba gầy dựng và gìn giữ suốt 50 năm với sự ngưỡng mộ không hề che dấu.
“Nhà có 8 anh chị em, chị Hai từ nhỏ lo nội trợ trong gia đình, còn chị Ba đứng ra lèo lái công việc kinh doanh”, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Ba Huân bắt đầu câu chuyện với Trí Thức Trẻ.
Theo trí nhớ của ông Hùng, lúc 13 tuổi, bà Ba Huân đã theo mẹ ra đi chợ buôn bán trứng. Đến khi 16 tuổi, bà được mẹ giao lại toàn bộ cơ nghiệp. “Gọi là cơ nghiệp cho oai, nhưng thực tế mẹ chỉ truyền nghề, cùng chút vốn liếng ít ỏi cho cô Ba”, ông Hùng giải thích. Ông quen gọi chị mình là cô Ba.
Thời đó, cô Ba thường tự mình đi về miền Tây để thu mua trứng vì cho rằng muốn có lời phải buôn tận gốc, bán tận ngọn. Nhờ nhanh nhẹ, khéo léo, trọng chữ tín, việc buôn bán của cô Ba ngày càng mở rộng, bạn hàng xa gần bảo nhau, cứ thế nườm nượp đến.
Tuy nhiên việc kinh doanh nhỏ lẻ của bà Huân cũng không kéo dài được lâu bởi lý do thời cuộc. Sau thống nhất đất nước, có giai đoạn kinh tế tư nhân bị cấm đoán, bà Huân đã tham gia vào công ty Thực phẩm nông sản Kiên Giang với vị trí trưởng bộ phận thu mua trứng. Lúc này công ty có quy định cho phép tỷ lệ sai hỏng trứng là 5%, nhưng nhờ kinh nghiệm lăn lộn nhiều năm trong nghề, bà đã giảm được tối đa và ăn chênh lệch. Nhờ đó, bà Huân vừa nuôi được các em, vừa có thêm chút tiền dành dụm.
Đầu những năm 1980, bà Huân bỏ việc công ty nhà nước, lập vựa trứng của riêng mình. Khi việc làm ăn tốt dần lên, bà đã nâng cấp vựa trứng thành doanh nghiệp tư nhân vào năm 2001 và trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn năm 2006. 6 người em sau khi được bà nuôi ăn học, trưởng thành đều trở về cùng góp sức kinh doanh.
“Mấy anh chị em làm cùng nhau, trông thế thôi mà khó lắm, mỗi người một ý tưởng, cũng gặp vấn đề này nọ”, ông Hùng nói. Chính vì thế, ông rất phục chị mình trong việc định hình, hướng dẫn các em để cùng nhau theo đuổi nghề mà mẹ truyền lại.
“Cô Ba gọi buôn bán trứng là tổ nghiệp”, ông Hùng chia sẻ, “Trứng là tâm huyết cả đời của cô”.
Gắn bó với với quả trứng gia cầm vì đó là thứ được mẹ truyền dạy nhưng tự bà Huân cũng hình thành sự đam mê khủng khiếp với nghề. “Nó giống như đứa con được cô Ba ấp ủ, đeo đuổi hàng chục năm từ những ngày gian khổ nhất, sao mà không yêu cho được. Đến như tụi tui, gắn bó hoài, cũng đam mê, cũng coi nó như cái nghiệp của mình”, ông Hùng cười nói.
Nhưng thực tế, có giai đoạn doanh nghiệp Ba Huân suýt từ bỏ “tổ nghiệp”. Đó cũng là lần duy nhất mà hầu hết những đứa em bất đồng quan điểm với bà Huân: Muốn bà chuyển sang một ngành kinh doanh khác.
Năm 2003, khi đại dịch cúm gia cầm xảy ra, hàng nghìn nông dân phải điêu đứng, bỗng chốc rơi vào tình thế bị phá sản. Những doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán trứng như Ba Huân cũng đứng trước tình thế nguy cấp vì thiếu nguyên liệu, thị trường thì quay lưng.
“Mấy anh chị em trong nhà lúc đó đều khuyên cô Ba ngưng, không làm ngành này nữa. Có mấy phương án vầy: chuyển sang kinh doanh vàng bạc, hoặc địa ốc, hoặc căn hộ cho thuê...”, ông Hưng nói.
Nhưng sau một tuần bà Ba Huân đi về miền Tây thăm bà con nông dân, thấy cảnh tượng cơ nghiệp hàng ngàn hộ dân sau một đêm bỗng chốc mất trắng, sự sống còn của ngành trứng bị đe doạ, bà không cầm được lòng. Sự đau đáu với nghề khiến bà Huân – một người chưa học hết lớp 4, lặn lội ra nước ngoài, tìm hiểu những nước từng trải qua dịch cúm gia cầm nhưng vẫn bán được trứng.
Rồi bà đã đi đến một quyết định không ai ngờ tới: Bán bớt nhà xưởng, đất đai để nhập máy móc, dây chuyền từ nước ngoài để sản xuất trứng sạch.
Hướng đầu tư của bà gặp sự phản ứng dữ dội không chỉ người trong gia đình mà cả bạn bè. Cũng dễ hiểu bởi đất thì đang được giá, còn quả trứng thì đang trong cơn khủng hoảng. Nhưng “Cô Ba kiên quyết lắm, vì không làm thì mất ngành, đây là tổ nghiệp”, ông Hùng kể. Cuối cùng, tất cả phải xuôi theo quyết định của bà Ba Huân.
Về sau, mọi người đều nhìn nhận đây là bước chuyển mình của doanh nghiệp, tạo ra cuộc cách mạng cho xử lý trứng gia gầm. Với thiết bị ngoại nhập, Ba Huân có thể loại bỏ 99,9% vi sinh vật trên bề mặt trứng sau xử lý. Trứng sau khi đưa ra thị trường được đánh số truy xuất nguồn gốc và dán tem nhà sản xuất, điều trước này chưa từng có trên thị trường.
Đến năm 2009, bà Ba Huân tiếp tục nảy ra ý tưởng phát triển thêm những mặt hàng liên quan đến ngành trứng gia cầm, lấn sân sang sản xuất và chế biến. Từ trứng gà, trứng vịt... tươi, Ba Huân cung cấp ra thị trường trứng vịt muối, trứng bắc thảo, thịt gà tươi, xúc xích gà...
Ba Huân cũng hoàn thiện cho mình chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi gia cầm nội địa từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, điều mà hầu như chỉ thấy ở các doanh nghiệp nước ngoài.
“Các quyết định về sau của cô Ba, mọi người đều ủng hộ”, ông Hùng nói. Bởi các anh chị em đã chứng kiến cô từng quyết liệt như thế nào để giữ gìn nghề tổ. “Đó có lẽ là cái uy của người đứng đầu”, ông Hùng cười hiền.
6 người anh chị em của bà Huân hiện đang nắm vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp. Trong số đó, ông Hùng thường xuyên đi cùng chị trong những lần xuất hiện trước truyền thông.
“Cô Ba đối với tôi vừa là người chị, nhưng cũng vừa là người mẹ, người thày”, ông nói.
Xuất thân là dân kinh tế, ông Hùng nói rằng ở trường thì chỉ được học kiến thức cơ bản, còn những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm người, làm kinh doanh, ông đều học được từ chị mình, người phụ nữ chưa học xong tiểu học.
“Nhiều người hỏi thành công của Cô Ba ở đâu, tôi cảm nhận được đó là ở cái tâm khi cô dành trọn tình cảm với nghề, với người. Đó cũng là sự siêng năng, dám đổi mới. Những yếu tố đó đã giữ được nghề gia đình trong suốt 50 năm qua”, ông chia sẻ.
Cũng chính bởi điều này, 6 người em đều có sự thán phục và quyết tâm đi theo bà Huân. Theo ông Hùng kể lại thì bà Huân không hướng các em vào ngành nghề nào, thay vào đó, bà để các em mình được tự do chọn lựa con đường. Nhưng không ai bảo ai, mọi người chọn lựa ngành, trường học đều có sự liên quan đến công việc gia đình.
“Tôi học về kinh tế, ông anh thì học về kỹ thuật. Hai đứa em gái thì một đứa học thương mại, đứa tài chánh... Học xong thì về làm với cô Ba”, ông nói và chia sẻ rằng điều may mắn nhất của gia đình ông là tính đoàn kết. “Từ nhỏ cha mẹ đã dặn rồi, dòm chị như mẹ, chị làm gì thì làm nấy. Chính thế nên trong đầu bọn tôi luôn có suy nghĩ là sẽ về làm cho gia đình”.
“Thực ra công ty gia đình có cái hay, cái dở”, ông Hùng bộc bạch thêm. Theo ông, hay ở chỗ người trong nhà sẽ dốc hết lòng, hết dạ với nhau. Nhưng chỗ hay cũng là chỗ dở, bởi nếu người ngoài làm sai, hẳn nhiên sẽ dễ dàng “chặt, đốn” đi được, nhưng đã là người nhà, muốn thay cũng khó. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo ông là người giữ được hồn cho công ty, giúp mọi người đi theo đúng hướng. “May mắn là chúng tôi có cô Ba”, ông tự hào nói.
Đưa các em mình vào vị trí chủ chốt, nhưng để mở rộng doanh nghiệp, bà Ba Huân cũng chuyên nghiệp hoá công ty từng bước, theo ông Phạm Thanh Hùng. Ông Hùng mô tả hệ thống quản trị cấp cao của Ba Huân giống như một hình chóp: Bà Ba Huân ở vị trí đứng đầu, kế tiếp là một hệ thống các chuyên gia, tư vấn được thuê ngoài, rồi đến tầng quản lý của 6 người em, sau đó là các giám đốc bộ phận.
“Đại khái mọi khâu cô Ba đều cho người của mình nắm vị trí cốt cán nhưng đều có các chuyên gia thuê ngoài về hỗ trợ và báo cáo cho cô tình hình công việc”, ông Hùng giải thích. Ông nhấn mạnh khi doanh nghiệp phát triển quy mô, trình độ quản trị của một gia đình sẽ không kiểm soát được, thay vào đó, cần đến sự tư vấn, hỗ trợ từ bên ngoài.
Công việc được xử lý theo trình tự, can thiệp theo từng lớp. Tuy nhiên, ông Hùng cũng hóm hỉnh cho biết về lý thuyết, cô Ba sẽ không can thiệp sâu đến việc điều hành bên dưới, nhưng thực tế, việc “dòm các em làm gì” là không tránh khỏi.
“Nhưng nhiều cái hay lắm”, ông hào hứng. Kỷ niệm ông nhớ nhất là có lần vào dịp cận tết, cô Ba xuống nhà xưởng, thăm công nhân. Đến giờ ăn, cô lẳng lặng lùa hết sếp lớn, sếp nhỏ đi ra ngoài.
“Lúc đầu mọi người cũng không hiểu đâu, sau cô mới giải thích là mấy ngày này làm cực, nhiều người mệt, xin nghỉ. Đến giờ ăn cơm chung, nếu mà thấy lãnh đạo ở đó, họ ngại không dám vào ăn. Mình có đi hết thì công nhân họ mới vào ăn thoải mái”, ông Hùng nói.
“Dòm của cô là nhắc nhở nhưng không can thiệp sâu. Cô cũng chịu khó đi lại, nghe nắm để xử lý công việc. Ở thị trường Hà Nội, một tháng cô bay ra từ 1 – 2 lần để nắm đầu việc”, ông nói thêm.
Ở tuổi 65, bà Huân vẫn làm việc từ 15 – 16 tiếng một ngày. Theo ông Hùng, dù chưa có kế hoạch chuyển giao cụ thể nhưng Ba Huân cũng dần có những sự chuyển dịch nhỏ.
“Cô Ba đang hun đúc để đưa các em trở thành khối lãnh đạo, trở thành tập thể có thể thay cô lèo lái công ty phát triển”, ông chia sẻ và cho biết doanh nghiệp đã chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phẩn và các thành viên trong gia đình hiện đã rút vào Hội đồng quản trị.
Thế hệ con cháu cũng đã bắt đầu tiếp cận công việc kinh doanh của gia đình. “Con của người em thứ 8 hiện đang giữ chức trưởng phòng kế hoạch sau khi đi học nước ngoài về”, ông Hùng cho biết.
Những bạn trẻ này cũng được trải nghiệm từ những vị trí giống như những ứng viên khác được Ba Huân tuyển dụng. “Tất nhiên là vẫn có sự ưu ái nhất định”, ông Hùng thẳng thắn, “Người ngoài chúng tôi chọn theo công việc, việc nào cần người nấy. Còn con cháu trong gia đình thì tuỳ năng lực bọn nó, thả đi hết các bộ phận, thấy nó mạnh mặt nào thì bố trí”.
Dù vậy, ông Hùng cũng khẳng định dù là doanh nghiệp gia đình nhưng cơ hội thăng tiến trải rộng cho mọi người. “Chúng tôi thích sự nâng cấp. Chỉ khi nào một vị trí bị khiếm khuyết, không thể tìm được ứng viên trong số nhân viên, chúng tôi mới tính đến chuyện bổ sung từ bên ngoài”, ông bày tỏ.
Nhìn đến tương lai, ông Hùng cho biết Ba Huân đang đi theo hai định hướng. Thứ nhất phát triển mạnh thị trường nội địa, để giúp cho người Việt có thể được ăn những quả trứng tươi, đúng chuẩn quốc tế. Thứ hai, đưa thương hiệu Ba Huân đi ra nước ngoài, đến những thị trường có đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật, Hongkong, Singapore.
“Quả trứng của Ba Huân cũng có thể sang Mỹ khi có điều kiện. Tại sao lại không nhỉ?”, ông Phạm Thanh Hùng cười thoải mái.
Theo Phương Ánh, 7pm
Trí thức trẻ