Evergrande và dấu chấm hết cho mô hình 'xây, xây, xây' của Trung Quốc

26/09/2021 09:55

Evergrande, một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng cũng là công ty bất động sản có khối nợ lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản và hoàn toàn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

“Ngay cả khi Trung Quốc tránh được một cuộc khủng hoảng, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn cũng thấp hơn nhiều so với ghi nhận trước đây", theo Jonas Goltermann đến từ công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics.

Một đoạn video kịch tính quay tại thành phố Côn Ninh hồi tháng 8 phần nào đã cho người xem thấy được quy mô bong bóng bất động sản tại Trung Quốc. Người xem có thể nghe thấy những tiếng la hét khi nhiều dãy nhà chung cư cao tới 15 tầng bị phá sập chỉ trong chưa đầy 1 phút, khi 85.000 điểm đặt thuốc nổ đồng loạt nổ tung. 

Những tòa chung cư đó, vốn là một hợp phần của dự án khu đô thị phức hợp Sunshine City II, vẫn chưa được hoàn thiện và đứng sừng sững ở đó từ năm 2013 mà không được đưa vào sử dụng sau khi nhà phát triển dự án cạn kiệt nguồn tiền và nhiều sai phạm được phát hiện trong quá trình xây dựng.

“Công trình đó bị bỏ không gần 10 năm nay, và cuối cùng đã bị phá hủy để phục vụ cho quá trình cải tạo cơ sở hạ tầng”, theo một bài báo đăng tải trên tờ Kunning Daily sau khi chúng bị phá bỏ. 

A worker carrying buckets at the construction site of the Raffles City Chongqing in south-west China’s Chongqing municipality © Wang Zhao/AFP/Getty Images

Công nhân tại một công trường dự án Raffles City Chongqing ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Những “vết sẹo đô thị” đó tồn tại khá phổ biến trên khắp Trung Quốc.

Evergrande, một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng cũng là công ty bất động sản có khối nợ lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản và hoàn toàn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Cuộc khủng hoảng tại Evergrande - chỉ 2 năm trước cổ phiếu vẫn được đánh giá là cổ phiếu bất động sản giá trị nhất thế giới - cho thấy sự thay đổi tình thế nhanh chóng tại một công ty nhóm đầu Trung Quốc và vết rạn sâu trong mô hình phát triển của nước này.

Evergrande chỉ đơn thuần là “triệu chứng” của một vấn đề lớn hơn rất nhiều. Lĩnh vực bất động sản khổng lồ tại Trung Quốc, đóng góp tới 29% GDP của quốc gia này, đang xuất hiện tình trạng dư thừa và điều đó đe dọa đến vị thế dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế của lĩnh vực trong nền kinh tế Trung Quốc, và nếu tệ hơn, sẽ kéo tụt thành quả tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới suốt thời gian qua. 

Số lượng các bất động sản bỏ trống tại Trung Quốc đủ sức chứa cho 90 triệu người dân, theo Logan Wright, giám đốc Rhodium Group, công ty tư vấn có trụ sở tại Hong Kong. Để hình dung rõ hơn, có 5 quốc gia thuộc nhóm G7 là Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada và số lượng nhà bỏ hoang kể trên hoàn toàn có thể cung cấp đủ chỗ ở cho toàn bộ người dân của mỗi quốc gia đó. 

“Chúng tôi ước tính số lượng các bất động sản chưa bán được đang ở ngưỡng 3 tỷ m2, diện tích này đủ để 30 triệu hộ gia đình sinh sống”, Wright cho biết. Quy mô một gia đình tại ở Trung Quốc chỉ khoảng 3 người, do đó, diện tích đó có thể đáp ứng chỗ ở cho khoảng 90 triệu người dân. 

Thừa cung bất động sản đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Trong năm 2020, chính phủ Trung Quốc nhận định tình trạng này là tương đối rủi ro và đặt ra mục tiêu phải giải quyết triệt để. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tỏ ra mất kiên nhẫn đối với tình trạng hiện tại. Bắc Kinh đã hình thành nên chiến lược “3 lằn ranh đỏ” nhằm giảm thiểu tỷ lệ nợ trong lĩnh vực này. Evergrande chính là nạn nhân đầu tiên. 

Và khi tập đoàn này vấp ngã, sự thất bại của họ đã làm dấy lên một câu hỏi quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Liệu mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - đầu tàu mạnh nhất của tăng trưởng kinh tế thế giới, đã đi đến hồi kết? 

https-d6c748xw2pzm8-cloudfront-8924-5004

Dòng tiền ròng tại các công ty bất động sản Trung Quốc qua các năm. Đơn vị: tỷ nhân dân tệ.

“Chính xác”, theo Leland Miller, giám đốc điều hành China Beige Book, công ty tư vấn chuyên phân tích các nền kinh tế thông qua nguồn dữ liệu độc quyền. “Chính phủ Trung Quốc đang tỏ ra khá lo lắng về triển vọng tăng trưởng của nước nhà”. 

“Chúng ta phải thừa nhận rằng chính sách đẩy mạnh xây dựng cũ kỹ không còn phát huy hiệu quả và thậm chí còn trở nên nguy hại đối với nền kinh tế. Giới chức lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng họ không thể chờ đợi thêm nữa và phải bắt tay ngay vào công cuộc thay đổi”, Miller cho biết. 

Ting Lu, nhà kinh tế học trưởng tại ngân hàng đầu tư Nomura, dự đoán cuộc khủng hoảng tại Evergrande sẽ không gây ra sự sụp đổ nghiêm trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông tin những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chuyển đổi mô hình phát triển có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc trong vài năm tới. 

“Điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không tăng trưởng”, Lu cho biết. “Nhưng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng của quốc gia này sẽ giảm xuống chỉ còn 4% hoặc thấp hơn trong giai đoạn 2025 - 2030”. 

Wright cho biết lĩnh vực bất động sản đang là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính, kinh tế và xã hội. Không ít cuộc tuần hành đã nổ ra tại một vài thành phố.

“Rất khó để có thể đưa ra một lý do thuyết phục rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ cao hơn 4% trong vòng một thập kỷ tới”, Wright bổ sung.

A housing complex developed by Evergrande sits unfinished in Luoyang © Carlos Garcia Rawlins/Reuters

Một khu phức hợp nhà ở xây dở dang của Evergrande ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Miller cũng có chung quan điểm đó. “Chúng ta đang hướng tới một giai đoạn điều chỉnh chính sách và tăng trưởng kinh tế”, ông nói. “Tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu như trong một thập kỷ tới, GDP của Trung Quốc sẽ chỉ rơi vào khoảng từ 1% tới 2%”. 

Nếu như những dự đoán đó là chính xác, “phép màu” tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ biến mất. Trong thập niên 2000 - 2009, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc luôn ở 10,4%/năm. Con số này có giảm trong giai đoạn 2010 - 2019 nhưng vẫn ở mức cao 7,68%/năm. 

Sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc từ lâu được coi là động cơ tăng trưởng của thế giới, đóng góp 28% GDP toàn cầu trong giai đoạn 2013 - 2018, cao hơn gấp 2 lần so với Mỹ, theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). 

“Ngay cả khi Trung Quốc tránh được một cuộc khủng hoảng, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn cũng thấp hơn nhiều so với ghi nhận trước đây", theo Jonas Goltermann đến từ công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics. 

Theo FT

Theo Trọng Đại/NDH