First News tố Lazada, Sendo và Shopee tiếp tay kinh doanh tiêu thụ sách giả, tung bằng chứng "không thể chối cãi, chứng minh rất nhiều bạn đọc đã bị lừa"

20/06/2019 12:33

"Biết bao nhiêu bạn đọc đã bị đánh lừa bởi các sàn thương mại điện tử bán sách online; rõ ràng, họ đã tiếp tay 1 cách trực tiếp hay gián tiếp - tôi không cần biết, vì họ đã không giám sát được hàng trên sàn của họ, là Shopee, Lazada và Sendo", ông Nguyễn Văn Phước - CEO First News.


"Biết bao nhiêu bạn đọc đã bị đánh lừa bởi các sàn thương mại điện tử bán sách online; rõ ràng, họ đã tiếp tay 1 cách trực tiếp hay gián tiếp - tôi không cần biết, vì họ đã không giám sát được hàng trên sàn của họ, là Shopee, Lazada và Sendo", ông Nguyễn Văn Phước - CEO First News.

Ngày 18/6, First News đã tổ chức sự kiện "Công bố bằng chứng kinh doanh tiêu thụ sách giả vi phạm pháp luật của Shopee, Sendo và Lazada".

Trong suốt sự kiện, với giọng điệu vô cùng bức xúc, ông Nguyễn Văn Phước – Nhà sáng lập kiêm CEO của First News đã nêu ra rất nhiều bằng chứng cho thấy kết luận của mình hoàn toàn chính xác.

First News tung ra rất nhiều bằng chứng

Ông kể: từ một năm trước, doanh nghiệp của ông đã phát hiện tất cả các sàn thương mại điện tử (TMĐT) – không trừ một ai hết, đều kinh doanh sách lậu. Và khi First News đến và đề cập, họ nói rằng: chúng tôi cho thuê sàn, thuê cửa hàng và thu 13%, chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu ai đó làm sai; còn khi khách hàng phát hiện ra sách giả chúng tôi sẽ đền bù lại 110%.

Nhưng ông biết rất nhiều độc giả không biết mình mua sách giả, vì hầu hết đều mua online để tặng người thân – bạn bè sinh nhật. Thậm chí, nếu họ có mua cho gia đình cũng không biết được, vì hiện chỉ có khoảng 0,001% độc giả có thể nhận biết được sách giả - sách thật nếu không đặt 2 cuốn sách cạnh nhau và so từng trang.

"Biết bao nhiêu bạn đọc đã bị đánh lừa bởi các sàn thương mại điện tử bán sách online; rõ ràng, họ đã tiếp tay 1 cách trực tiếp hay gián tiếp - tôi không cần biết, vì họ đã không giám sát được hàng trên sàn của họ, là Shopee, Lazada và Sendo", ông Nguyễn Văn Phước kết luận.

Ông còn chia sẻ thêm: thật ra First News không hề muốn lập vi bằng, như người ta nói ‘vô phúc đáo tụng đình’, tuy nhiên vì họ đã cảnh báo trong suốt 6 tháng rồi sau đó 3 tháng, nhưng các sàn thương mại điện tử vẫn vô cảm – mặc kệ.

First News tố Lazada, Sendo và Shopee tiếp tay kinh doanh tiêu thụ sách giả, tung bằng chứng không thể chối cãi, chứng minh rất nhiều bạn đọc đã bị lừa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phước – Nhà sáng lập kiêm CEO của First News

"Tôi biết rằng, họ có những hợp đồng bảo mật với các gian hàng để bán sách. Chúng tôi không thể biết chính xác ai bán sách giả vì các sàn không cung cấp cho chúng tôi các địa chỉ những người thuê sàn, nên chúng tôi buộc phải làm mạnh tay. Sau khi cảnh báo khoảng gần 10 lần, cách đây 2 tuần, tôi yêu cầu nhân viên đặt 128 đơn hàng ngẫu nhiên ở các sàn thương mại điện tử.

Tiếp theo đó, chúng tôi đã cho quay hình, từ lúc đặt hàng trên màn hình cho đến khi mời các luật sư và người liên quan đến mở ra. Rất bất ngờ, sau 1 tuần kiểm tra – kiểm kê, thì 128 đơn hàng đó đều là sách giả. Tức, vấn nạn bán sách giả không loại kỳ bất kỳ một sàn điện tử nào ở Việt Nam, song chúng tôi chọn ra đây 3 sàn có tỉ lệ vi phạm nhiều nhất để tiến hành lập vi bằng, để họ không thể chối cãi, để chứng minh rằng bạn đọc đã bị lừa", CEO của First News giải thích.

Cụ thể hơn, hiện cuốn Đắc nhân tâm của First News có 16 phiên bản in lậu, First News có khoảng 1.000 ấn phẩm thì trong đó có 668 cuốn đã bị làm lậu/làm giả và sách lậu đã lan tỏa đi khắp các tỉnh thành, "vòi bạch tuộc đã đi quá giới hạn, không chỉ dưới mặt đất mà cả trên online". Dưới mặt đất giới buôn sách giả còn bán trốn – bán tránh, song trên online thì bán công khai, khi chụp ảnh trên đưa lên các trang TMĐT bằng sách thật, giao bằng sách giả và không 1 ai biết được đó là sách giả.

Ông kể tiếp: còn có đại diện của một công ty TMĐT tới First News và nói là Alibaba ở Trung Quốc bán toàn hàng giả, có ai trách cứ đâu, ai mua bằng giá rẻ thì phải chịu. Nhưng, theo ông, ở Việt Nam có thể bán ví/váy giả rẻ cho mọi người vẫn không đáng trách, dù đóng góp của ngành sách vào GDP không cao, nhưng sách là một ngành quan trọng để xây dựng và tạo nên kiến thức tri thức văn hoá Việt Nam.

"Tôi biết Shopee thuộc tập đoàn lớn, có vốn hóa trên 1 tỷ USD và sàn này đang  hoạt động trên 7 nước. Tại Việt Nam, họ có 800 nhân viên, nhưng tất cả chỉ lo đi bán hàng – chào hàng, chứ không quan tâm tới chất lượng sản phẩm. Lazada thuộc tập đoàn Alibaba của Trung Quốc cũng y như vậy. Bạn cứ nhìn trên sàn Alibaba bán cái gì, Lazada sẽ bán y chang. Tiếp tay tiêu thụ hàng giả là vi phạm pháp luật, trốn thuế.

Đây là vấn nạn mà không chỉ của mỗi First News gánh chịu mà của tất cả các NXB đều thế", ông Nguyễn Văn Phước chốt hạ.

Sự thật đang như thế nào?

Để giúp độc giả có một cái nhìn toàn cảnh hơn vấn đề, chúng tôi đã tìm gặp người trong cuộc - anh Trần Lâm, ông chủ của website bán sách tên Sách Chọn và là người có rất nhiều kinh nghiệm bán sách trên các sàn.

First News tố Lazada, Sendo và Shopee tiếp tay kinh doanh tiêu thụ sách giả, tung bằng chứng không thể chối cãi, chứng minh rất nhiều bạn đọc đã bị lừa - Ảnh 2.

Anh Trần Lâm

"Sách lậu là sách in không giấy phép, tức là ngồi đánh máy lại nội dung sách thật rồi mang đi in, loại này có khi chất lượng ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn sách thật nhưng họ không phải chi trả các khoản như bản quyền, tiền dịch, kiểu ăn cắp rồi tự mang về in. Sách giả là chất lượng thấp hơn, nhưng có khi giá cao hơn vì họ tự in giá bìa luôn, nên có khi sách giả giá còn cao hơn sách lậu.

Những người bán sách giả thường chiết khấu rất cao cho người mua, sách giả có thể giảm 30% xong vẫn còn mua 4 tặng 1. Các cơ sở ở Hà Nội đang bán kiểu này rất nhiều. Sách lậu giờ làm tinh vi, nhiều khi không phận biệt được, nhưng sách nhà nào quen thì họ dễ nhận ra", anh Trần Lâm tiết lộ.

Cũng theo anh Lâm, không phải 100% sách bán trên các sàn đều là giả nhưng rất nhiều, cứ nhìn gian hàng nào giảm giá vô tội vạ là thường bán sách giả. Khi bán sách thật, nếu để có lời thì giảm kịch trần cũng chỉ tầm 35% đến 37%. Ngoài ra, Lazada và Sendo thì hầu như toàn sách giả, Shopee thì ngoài shop của chính Shopee là Smartbook, các nhà bán lẻ khác phần đông đều là giả.

Có 1 điều khá đặc biệt là các gian hàng ngoài Hà Nội bán sách lậu và giả cực nhiều. Sách giả và lậu trên các sàn hầu như tập trung ngoài đó.

"Tôi chưa phản ánh trực tiếp với chủ quản các sàn lần nào nhưng phản ánh bằng bình luận trực tiếp trong các shop thì có, bằng cách đánh giá sao. Đa phần các shop vào xin lỗi này nọ rồi hết. Thật ra việc quản lý ở các sàn có rất nhiều lỗ hổng. Dù với ngành sách, các sàn làm chặt hơn các ngành khác và yêu cầu rất nhiều giấy tờ, nhưng có lẽ đang có sự bắt tay ngầm nào đó giữa các shop với sale các sàn. Nhiều shop không có giấy tờ đầy đủ vẫn bán được", anh Trần Lâm khẳng định.

Anh Lâm cho biết là mình từng mở gian hàng ở hầu hết các sàn TMĐT đang hoạt động ở Việt Nam, trên cả Tiki và Shopee, nhưng vì không đấu lại vụ giảm giá của các shop bán sách lậu, nên giờ chỉ hoạt động cầm chừng và giờ chủ yếu bán trên website.

Lazada chưa nhận được bất cứ phản hồi chính thức nào từ First News

Trong lúc First News tổ chức họp báo thì chúng tôi đã liên hệ với Lazada để trao đổi xem sàn này nghĩ gì về hành động của First News, và dưới đây là nguyên văn câu trả lời của Lazada:

Là sàn TMĐT uy tín, kết nối hàng triệu người tiêu dùng với nhà bán hàng trên toàn quốc, Lazada luôn nỗ lực tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam. Tất cả các phản ánh liên quan tới hàng giả, hàng nhái trên sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada.vn được xử lý phù hợp với quy định tại khoản 8, Điều 36, nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Tính tới thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông báo chính thức nào từ First News cũng như chưa đưa ra bất kì phản hồi nào liên quan đến vấn đề này. Theo quy trình xử lý khiếu nại của Lazada, doanh nghiệp sở hữu tác quyền có thể liên hệ với Lazada và theo đó, Lazada sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này làm việc với người vi phạm tác quyền (nếu có) để xử lý vụ việc.

Các cáo buộc về hàng giả hay vi phạm tác quyền cần được dựa trên kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc một doanh nghiệp tự công bố và lan truyền thông tin gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp khác là không phù hợp với môi trường hoạt động kinh doanh.

Vụ việc vô cùng phức tạp

Ở vụ việc này, có thể First News thật sự tức giận và tất cả những gì họ nói đều là sự thật – ngay cả chuyện các sàn làm lơ phản ánh từ First News, thì cũng rất khó giải quyết.

First News tố Lazada, Sendo và Shopee tiếp tay kinh doanh tiêu thụ sách giả, tung bằng chứng không thể chối cãi, chứng minh rất nhiều bạn đọc đã bị lừa - Ảnh 3.

Ông Phan Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM

"Theo tôi, muốn mọi việc dễ dàng, chúng ta nên quy tất cả các tội trạng về cho người sản xuất sách lậu – sách giả.

Trên Amazon không bao giờ có sách giả, vì họ có kho nên có thể kiểm soát được. Nếu Amazon lưu trữ sách giả, họ có thể bị xử lý. Còn như kiểu Lazada, Shopee hay Sendo rất khó xử lý, vì họ không có kho. Về cơ bản, họ chỉ là những platform, các sàn trung gian tạo ra các chợ và công cụ thanh toán để kết nối người bán – người mua.

Thật ra, các cơ quan nhà nước đã rất cố gắng, nhưng họ vẫn không thể xử lý được tình huống này. Nếu truy ra nữa, thì có thể xử lý các sàn theo điều 226 - xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trên sàn có sách giả in logo của First News, xâm phạm nhãn hiệu", ông Phan Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM nhận định.

Giải pháp của ông Tuấn: thay vì tiêu diệt hãy để họ làm bạn của chúng ta, bán sách chính hãng. Các NXB hãy báo cáo lại nếu thấy có gian hàng bán sách giả, nếu các sàn ngó lơ không nghiêm túc xử lý báo cáo từ các NXB và tiếp tục vi phạm, thì hãy yêu cầu Bộ Công thương rút giấy phép. Lúc các sàn chỉ bán toàn sách thật sẽ rất tốt, khi hai bên cùng có lợi.

Cũng như thế, ông Châu Huy Quang – Luật sư điều hành Rajah & Tann LCT Lawyer ở Việt Nam, đơn vị đồng hành cùng First News trong cuộc chiến này cũng khá dè dặt khi nói về các biện pháp xử lý các sàn.

"Tôi rất kinh ngạc khi nghe thực trạng trên, vì tình hình còn tệ hơn cách đây 15 đến 20 năm khi chúng tôi được ủy quyền đòi tiền tác giả âm nhạc.

Thật ra, Việt Nam đã có đủ luật, từ Luật thương mại, Sở hữu trí tuệ…, vấn đề chỉ ở mặt thực thi vì không có sự phối hợp đáng kể nào giữa các bên liên quan, khiến First News trở nên đơn lẻ và đơn độc trong cuộc chiến chống sách giả/sách lậu. Chúng tôi hỗ trợ trong tình hình như vậy, cũng cảm thấy đơn độc.

Việt Nam đang có 63 hiệp định thương mại song phương, đa phương và cũng đã gia nhập Công ước Bern… Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền tác giả, nội địa hóa các luật và thực thi của chúng ta không tốt và đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài và trường kỳ", ông Châu Huy Quang bình luận.


Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ