Caleb Carr là đồng sáng lập Vita Inclinata - startup cung cấp giải pháp cho các vấn đề an toàn trong ngành hàng không vũ trụ, xây dựng và một số ngành nguy hiểm khác. Vita Inclinata huy động thành công 170 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó bao gồm tập đoàn thương mại hàng đầu của Nhật Bản - Kanematsu. Caleb Carr thành lập công ty vì muốn bảo vệ mạng sống cho nhiều người.
Năm 15 tuổi, Carr tham gia lớp huấn luyện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên vùng núi Larch, nằm ở phía bắc bang Oregon. Đột nhiên, người hướng dẫn của anh gã gục xuống sau một cơn đột quỵ. Một chiếc trực thăng Blackhawl ngay sau đó được điều đến hiện trường để đưa người đàn ông tội nghiệp đó đến bệnh viện, nhưng gió quá mạnh đã khiến cho công việc nâng chiếc lồng cứu nạn lên khỏi những tán cây rậm rạp là điều không thể. Người hướng dẫn của anh sau đó đã trút hơi thở cuối cùng. Carr không bao giờ có thể quên được khoảnh khắc ấy.
Khi theo học đại học, Carr sử dụng nhiều giờ đồng hồ ngoài lớp học, mày mò tìm cách làm sao để có thể khiến hệ thống lồng treo (vật dụng giúp vận chuyển người và vật dụng từ mặt đất lên máy bay trực thăng khi máy bay không thể hạ cánh) hoạt động một cách ổn định hơn ngay cả ngay khi thời tiết không thuận lợi. Cuối cùng, anh và Derek Sikora đã tìm ra lời giải cho bài toán của mình. Họ ứng dụng một chiếc quạt công suất cao, đi liền với hệ thống cảm biến chuyển động gắn tại phần đáy hệ thống cần cẩu nhằm giúp phi công có thể kiểm soát tốt hơn lồng cứu hộ, đồng thời hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực gây ra bởi thời tiết cũng như lỗi kỹ thuật của con người.
Caleb Carr, đồng sáng lập Vita Inclinata. Ảnh: Forbes |
Ngày nay, Vita Inclinata, công ty có trụ sở tại Broomfield, Colorado, đã gọi thành công 170 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó bao gồm tập đoàn thương mại hàng đầu của Nhật Bản - Kanematsu. Công ty cũng hé hộ họ rằng trong thời gian tới, họ sẽ hoàn thành việc ký kết một loạt các hợp đồng có giá trị lên đến 150 triệu USD với nhiều nhà cung cấp khí tài lớn trên thế giới.
Sự thành công vang dội của Vita Inclinata góp phần đưa Carr và Sikora lọt vào danh sách 30 nhân vật nổi bật dưới 30 tuổi trong ngành Sản xuất và Công nghiệp của Forbes. “Tôi yêu thích những gì chúng tôi đang làm”, Carr, CEO của công ty, chia sẻ. Ngay từ những ngày đầu tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn, tôi học được rằng mình có thể mất đi mạng sống trong ngày một ngày hai, do đó, tôi luôn trân trọng những gì mình đang thực hiện ngày hôm nay.
Carr rất thích nói chuyện về những sứ mệnh của công ty, về những nỗ lực nhằm bảo vệ mạng sống của rất nhiều người. Thật ngạc nhiên vì đó mới là lý do anh sáng lập nên Vita Inclinata, chứ bản thân anh chưa bao giờ mơ ước mình trở thành một doanh nhân khi trưởng thành cả. Carr là con trai của một người nhập cư gốc New Zealand tại Pacific Northwest. Anh bắt đầu tham gia lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cũng như trở thành một lĩnh cứu hóa tự nguyện tại Portland khi anh mới chỉ là một cậu bé tuổi teen. “Tôi từng muốn mình có thể nhảy khỏi chiếc máy bay trực thăng để tận hưởng cảm giác rơi tự do, hoặc có thể trở thành một phi hành gia vũ trụ. Tôi quá cao để có thể trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu”, anh chia sẻ.
Khi bắt đầu việc học của mình tại trường đại học, Carr ngay lập tức tìm gặp giáo sư vật lý Randall Tagg và kể cho ông ấy nghe câu chuyện về cái chết của người hướng dẫn năm đó. Tagg nói rằng:
“Tại sao câu không tìm cách khắc phục điều đó?”. Carr lúc đó theo học ngành lý sinh với mục tiêu thi đỗ vào trường Y. Anh là một người khá hòa đồng. Năm 18 tuổi, anh lập nên một nhóm sinh viên chuyên nghiên cứu về hệ thống cảm biến và mô tơ. Sau đó, họ nảy ra một ý tưởng. “Cậu ấy đã nhảy lên như điên dại vậy”, Tagg cho biết. Ông không chỉ ngạc nhiên về việc một nhóm các sinh viên năm nhất lại có thể có được một phát kiến đáng giá như vậy, mà ông còn ấn tượng hơn với Carr, người đã tự mình sắp xếp một cuộc gặp mặt với các chuyên gia hàng đầu tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, với mục tiêu có thể học hỏi được những kiến thức quý báu từ họ.
Nhóm của Carr đã nảy ra ý tưởng về một hệ thống đường ray đặt bên thân máy bay nhằm làm giảm sự rung lắc. Họ cũng nỗ lực can thiệp vào hệ thống bay của máy bay trực thăng. “Cả 2 ý tưởng đó thật điên rồ”, anh cho biết. “Cả 2 ý tưởng đó đều không hiệu quả vì chúng tôi không có nền tảng cơ khí”. Tháng 3/2016, Carr giới thiệu ý tưởng về hệ thống đường ray của mình với 3 doanh nghiệp và tất cả từ chối. Nhưng anh không hề bỏ cuộc.
Anh cũng từng khởi xướng một phong trào vận động hành lang, với tư cách đại diện cho các nhà sáng chế sinh viên, khi anh nhận ra rằng chính sách chuyển giao công nghệ của trường đại học Colorado có thể cho phép đơn vị này yêu cầu những đặc quyền từ phía các doanh nghiệp. Chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dày 10 trang của trường được cho rằng mang ngữ nghĩa mập mờ, cho phép đơn vị này có thể kiểm soát 100% doanh nghiệp và nhận đến 75% tiền hoa hồng. Trường đại học này khẳng định họ chưa bao giờ khẳng định quyền sở hữu với những sáng chế hay quyền sở hữu trí tuệ của Carr, cũng như sẽ không bao giờ vi phạm chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình, vốn ra đời để đảm bảo quyền lợi cho các sinh viên.
Caleb Carr (phải) và Derek Sikora (trái). Ảnh: Libby Greene |
Con đường kinh doanh của Carr chưa thực sự bắt đầu cho đến khi anh gặp Sikora, một sinh viên năm cuối đồng thời là một kỹ sư cơ khí điện tử tại Pathfinder Systems, công ty chuyên cung cấp phần mềm về hệ thống kỹ thuật cho quân đội. Sikora thông qua trường Đại học Colorado để trở thành một thực tập sinh không lương tại Vita vào cuối năm 2015. Mặc dù bằng tuổi với Car, Sikora lại sở hữu nền tảng kỹ thuật dày dặn. Bố mẹ của anh là những nhân viên tại Progeny Systems, một nhà thầu làm việc trong lĩnh vực quân sự, có trụ sở tạ Manassas, Virginia và anh có cơ hội được làm việc trên những chiếc máy bay trực thăng của quân đội của Pathfinder trong suốt những năm tháng đại học.
Chỉ sau vài tháng, Carr đã bổ nhiệm Sikora lên vị trí nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của của Vita. Họ sở hữu lượng cổ phần bằng nhau trong doanh nghiệp.
Sikora lao ngay vào nghiên cứu công nghệ cho Vita thông qua việc hợp tác với một vài kỹ sư khác, làm việc trong ngay chiếc ga-ra của gia đình tại Denver. Họ làm việc muộn vào đêm khuya và suốt cuối tuần. Họ phải tìm đến những ly cà phê Starbucks để có thể tỉnh táo trong suốt quá trình làm việc.
“Khoảng thời gian làm việc trong ga-ra là quãng thời gian tuyệt vời nhất”, anh nhớ lại. “Đó là một chiếc ga-ra ôtô, nên nó rất nhỏ. Tôi phải lái chiếc xe của mình ra ngoài để lấy không gian làm việc. Trời thì mưa tuyết. Tôi đã phải cào lớp tuyết đó đi rồi lái xe lại vào ga-ra khi lúc đó đã là 3 giờ sáng. Thú vị làm sao”.
Sikora cho biết anh không tin vào tính khả thi của hệ thống đường ray mà Carr đã từng gợi ý, vì nó khiến tăng khối lượng của máy bay, khiến cho phi công khó kiểm soát máy bay hơn và có nguy cơ gây tai nạn. Anh bắt đầu suy nghĩ về phương án sử dụng một chiếc quạt. Anh thường quan sát động cơ máy bay thông qua cửa sổ trong mỗi chuyến đi. “Hệ thống giữ cân bằng này là một công việc chúng tôi phải làm từ con số 0. Các thuật toán rất phức tạp vì bạn phải xác định được 2 điểm trong không gian, chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng bạn lại không thể xác định chính xác điểm còn lại ở đâu”.
Trong suốt năm 2018, Sikora và nhóm của mình đã thử nghiệm xây dựng một thiết bị mới, trong khi Carr đóng vai trò tổng động viên họ sớm hoàn thành công việc của mình. Cả 2 đều không nhận bất kỳ đồng tiền lương nào từ Vita. “Chúng tôi dành cả năm 2018 để cố gắng xây dựng nên một thiết bị có giá khoảng 10.000 USD từ nhựa và chiếc quạt có xuất xứ từ Trung Quốc. Đó là một chiếc hộp màu đen với những chiếc quạt màu đỏ gắn trên đó”, Carr cho biết. Sản phẩm đã không làm chúng tôi thất vọng.
Mùa hè năm 2018, họ mang sản phẩm của mình đến triển lãm EAA AirVenture Oshkosh, nơi quy tụ khoảng 600.000 người đam mê ngành hàng không. Trong tháng 11, họ đã hoàn thành chuyến bay thành công đầu tiên với hệ thống cân bằng thử nghiệm mà họ đã phát minh ra trên chiếc máy bay trực thăng Robinson R44.
Bước đột phá của Vita đến vào cuối năm 2018 khi công ty là một trong số ít những ứng cử viên tham gia chương trình Air Force Accelerator Powder by Techstars và nhận về khoản tiền đầu tư 50.000 USD từ AFWERX. Thông qua chương trình, công ty cũng được chấp thuận gia nhập thị trường khí tài toàn cầu. Công ty sớm thu về những hợp đồng có giá trị lên đến 6,3 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ, và có thể tự do đàm phán với các nhà cung cấp khí tài trên khắp thế giới.
Với việc sở hữu các hợp đồng sẽ được ký kết trong tương lai có giá trị lên đến 150 triệu USD, Vita, Carr và Sikora là những cái tên nổi bật nhất trong chương trình AFWERX. “Họ đã làm được những điều mà những người khác có thể mất 5 năm nữa mới có thể đuổi kịp”, theo Warren Katz, Giám đốc điều hành của chương trình Air Force Accelerator Powder by Techstars. "Họ là một trong những ngôi sao sáng nhất của chúng tôi”.
Carr và Sikora đang nhắm tới những hợp đồng với các khách hàng đang điều hành các giàn khoan dầu, các cần cẩu xây dựng. Hệ thống cân bằng của Vita giờ đây có thể giúp ổn định việc nâng những thiết bị, vật dụng có khối lượng lên đến 4,5 tấn. Một phiên bản mới được thiết kế riêng cho các cần cầu xây dựng có thể ổn định nâng các vật dụng có khối lượng lên đến gần 10 tấn. Katz ước tính một thị trường có giá trị lên đến 25 tỷ USD đang chờ đón họ, cho phép Vita trở thành một doanh nghiệp thành công cho dù chỉ chiếm một thị phần tương đối.
Carr tin rằng 2020 sẽ là một năm bùng nổ của Vita. “Nhìn đi nhìn lại, tôi vẫn thấy mọi chuyện diễn ra thật điên rồ”, anh chia sẻ.
Trọng Đại/Theo NDH