Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Forbes 30 under 30: Chàng trai bỏ học, biến công ty sắp phá sản thành doanh nghiệp 150 triệu USD

10/02/2020 19:04

Yaakoub Hijazi 19 tuổi khi cha của anh qua đời và để lại công ty giặt là bên bờ phá sản. Hijazi quyết định nghỉ học, xây dựng công ty thành một doanh nghiệp hiện có giá trị ít nhất 150 triệu USD, theo ước tính của Forbes.

“Tôi không muốn danh tiếng của cha mình bị ảnh hưởng”, Yaakoub Hijazi - Chủ tịch công ty giặt là Star Laundry có trụ sở tại Paterson, New Jersey (Mỹ) chia sẻ.

Cha của Hijazi qua đời năm 2011 - 4 tháng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Lúc đó, Hijazi mới 19 tuổi và là sinh viên tại Montclair State University. Anh hiểu rằng doanh nghiệp giặt ủi với doanh thu 4 triệu USD của cha mình đang trên bờ vực phá sản.

“Khi công ty bị phá sản, danh tiếng của bạn sẽ bị phá hủy”, Hijazi nói.

Vì vậy, Hijazi quyết định bỏ học để 'giải cứu' Star Laundry. “Tôi quẳng cuốn giáo trình đi - một hành động hơi quá khích và nói với mẹ rằng tôi không còn đường nào để quay lại trường đại học”, chàng trai 27 tuổi nhớ lại.

Hijazi vừa lọt vào danh sách 30 under 30 của tạp chí Forbes trong lĩnh vực Sản xuất & Công nghiệp. Không chỉ giúp cha tiếp tục duy trì doanh nghiệp giặt là, Hijazi còn đưa công ty này phát triển thành một đế chế trị giá ít nhất 150 triệu USD, theo Forbes.

1920x0-1995-1581317489.jpg

Yaakoub Hijazi, Chủ tịch Star Laundry. Ảnh: Forbes

Star Laundry làm sạch ga trải giường và khăn tắm tại hơn 100 trong tổng số 800 khách sạn của New York, bao gồm cả Conrad New York và W Times Square. Theo ước tính của Forbes, công ty chiếm khoảng 40% thị phần giặt là của các khách sạn ở New York, với doanh thu 70 triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, Hijazi cũng sở hữu bất động sản ở New Jersey và nhà máy sản xuất vải lanh ở Benin (châu Phi). Các công ty của doanh nhân trẻ này đem về tổng doanh thu khoảng 120 triệu USD mỗi năm.

Tại New York, chi phí giặt là thường dao động từ 30-45 cent/0,45 kg đồ. Thời gian qua, các công ty đua nhau giảm giá để cạnh tranh thị phần khiến không ít doanh nghiệp phải đóng cửa. Prestige Industries - từng là đối thủ lớn nhất của Hijazi - phải nộp đơn xin phá sản vào năm 2017. Tài sản của doanh nghiệp này sau đó được mua lại bởi một công ty cổ phần tư nhân sở hữu công ty giặt là PureTex Solutions.

“Các công ty đang tranh giành nhau thị trường với khoảng 200 khách sạn. Chúng tôi nghe nói một số đối thủ đã đưa ra mức giá 27-28 cent/0,45 kg. Điều đó thật điên rồ”, Sang Cho, CEO của Prestige đến năm 2012 và là người sáng lập Cooperative Laundry - chia sẻ.

Hijazi (nắm 100% cổ phần của Star Laundry) thuyết phục khách hàng bằng cách trực tiếp gọi điện thoại (bắt đầu từ 3h30 sáng) và đưa ra mức giá từ trung bình đến cao để thu hút khách sạn trong khi vẫn duy trì lợi nhuận. “Bí quyết bán hàng của chúng tôi là chất lượng. Đó là lý do chúng tôi không cần nhân viên sale”, chủ tịch 27 tuổi nói.

Cha của Hijazi là một người Lebanon di cư sang Mỹ từ năm 17 tuổi. Ông mở một số cửa hàng trước khi chuyển sang ngành giặt là. Hijazi cho biết khi còn sống, cha của anh không muốn anh làm việc tại các khu giặt là của Star Laundry.

Khi tiếp quản công ty, Hijazi gặp rất nhiều thách thức. Không phải ai cũng nghe theo sự chỉ đạo của một ông chủ mới 19 tuổi. Bên cạnh đó, Star Laundry đối mặt với khủng hoảng tiền mặt, nợ thuế, nhiều khoản phạt từ Cục quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp. Hijazi đã vay 300.000 USD để thanh toán mọi chi phí, từ bỏ công việc giặt khô trung gian và thuê một chuyên gia tư vấn để giải quyết các vấn đề an toàn.

Hijazi đem tuổi trẻ của mình ra làm lợi thế khi thuyết phục các khách sạn hợp tác. Don Fraser - người điều hành các khách sạn Park Central và WestHouse - thuê Star Laundry từ năm 2016 để xử lý khoảng 2.250 tấn đồ giặt ủi mỗi năm. “Hijazi có sự chọn lọc khi tìm kiếm các khách sạn”, Fraser nói.

Hijazi tập trung vào các khách sạn lớn và sang trọng ở Manhattan, nơi có tỷ lệ lấp đầy cao và ổn định. Điều đó đã giúp anh giảm bớt áp lực về giá cả và cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn.

Hijazi đang đàm phán để bán lại Star Laundry. Anh từ chối tiết lộ chi tiết nhưng chia sẻ, “Bán đi doanh nghiệp do cha tôi thành lập, nó thực sự là một cảm giác lo sợ”.

Linh Lam/Theo NDH