Vào tháng 3 hàng năm, tạp chí Forbes sẽ cập nhật lại danh sách tỷ phú đô la của mình. Trong 2 năm gần nhất, Việt Nam đều có thêm đại diện mới gia nhập là Tổng giám đốc Vietjet vào năm 2017 và chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long và chủ tịch Thaco Trần Bá Dương vào năm 2018.
Và năm nay rất có thể sẽ có thêm 2 cái tên mới gia nhập là Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Hồ sơ của 2 doanh nhân này đã được Forbes cập nhật những thông tin vắn tắt đầu tiên.
Mô tả ban đầu của Forbes về 2 vị doanh nhân này có điểm chung đều là doanh nhân tự thân, làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng.
Được biết đến là một trong những gương mặt thành công nhất của nhóm những doanh nhân "khởi nghiệp tại Đông Âu", bộ đội doanh nhân Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh đã thành công với lĩnh vực mì gói, tương ớt tại thị trường Nga.
Sau khi về nước, 2 doanh nhân này đã tiến hành xây dựng Masan Group với khởi đầu là Masan Food cũng như đầu tư vào ngân hàng Techcombank.
Hiện nay, Techcombank đã trở thành ngân hàng hàng đầu trong khối ngân hàng tư nhân còn Masan Group là một tập đoàn đa ngành hoạt động trên nhiều lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo).
Tính đến cuối tháng 2/2019, cả Masan Group và Techcombank đều nằm trong Top10 doanh nghiệp lớn nhất sàn HoSE với vốn hóa thị trường đạt lần lượt là 102.000 tỷ và 97.000 tỷ đồng.
Xét trong số các doanh nghiệp tư nhân, giá trị của Masan chỉ kém Vingroup, VinHomes, Techcombank và lớn hơn nhiều so với Vietjet, Hòa Phát hay Novaland... Bản thân Techcombank cũng là một công ty liên kết do Masan cũng như nhiều lãnh đạo chủ chốt của Masan nắm cổ phần lớn.
Trong khi những nhà sáng lập của Vietjet hay Hòa Phát đều đã xuất hiện trong danh sách tỷ phú đô la thì 2 nhà sáng lập và cổ đông chủ chốt của Masan là chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và Phó chủ tịch Hồ Hùng Anh lâu nay vẫn vắng bóng trong các bảng xếp hạng người giàu.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc 2 doanh nhân cùng nhau gián tiếp nắm quyền kiểm soát Masan Group thông qua 2 pháp nhân là CTCP Masan (Masan Corp) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Do đó mà việc xác định một cách chính xác nhất tài sản của mỗi người là việc không mấy dễ dàng.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được thì tỷ lệ sở hữu cụ thể của 2 doanh nhân này tại Masan Corp đã được xác định. Theo đó, ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 48,51% cổ phần và ông Hồ Hùng Anh sở hữu 47,56% cổ phần của Masan Corp.
Gần 4% cổ phần còn lại của Masan Corp thuộc về ông Nguyễn Thiều Nam (2%), ông Nguyễn Thanh Hải (1%) và bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ ông Quang (0,54%).
Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ 44,7% cổ phần của Masan Group, trị giá hơn 47.400 tỷ đồng theo thị giá hiện tại. Với 49,05% cổ phần của Masan Corp thì vợ chồng ông Nguyễn Đăng đang gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu Masan Group trị giá hơn 23.200 tỷ đồng.
Cộng cả lượng cổ phiếu Masan Group và Techcombank đang trực tiếp nắm giữ thì vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang - bà Nguyễn Hoàng Yến đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 27.400 tỷ đồng (1,2 tỷ USD).
Nắm giữ cổ phần ít hơn một chút so với ông Nguyễn Đăng Quang tại Masan Corp nhưng ông Hồ Hùng Anh cùng gia đình lại nắm giữ lượng cổ phiếu Techcombank rất lớn.
Cụ thể, ông Hồ Hùng Anh cùng mẹ, vợ, con trai và em dâu đang nắm giữ 17,02% cổ phần của Techcombank, trị giá hơn 16.500 tỷ đồng cùng với 1.000 tỷ đồng cổ phiếu Masan Group.
Tính cả phần sở hữu gián tiếp qua Masan Corp, ông Hồ Hùng Anh và gia đình đang sở hữu cả khối tài sản trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong nhiều trường hợp, Forbes tính chung tài sản cho cả một gia đình chứ không nhất thiết chỉ là một cá nhân riêng biệt. Giá trị cổ phiếu niêm yết đang nắm giữ là một trong những cơ sở quan trọng để tính toán tài sản. Bên cạnh đó là các tài sản khác như tiền gửi, bất động sản, siêu xe... và đi số nợ có thể xác định được.
Theo danh sách realtime của Forbes, hiện ông Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ khối tài sản 7,8 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 2,3 tỷ USD và ông Trần Bá Dương sở hữu 1,7 tỷ USD.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã ra khỏi danh sách do cổ phiếu HPG giảm mạnh giai đoạn trước. Tuy nhiên từ mức đáy 27.000 đồng, HPG đã bật tăng liên tục lên xấp xỉ 35.000 đồng và ông Long có thể sẽ sớm lại có tên trong danh sách.
Cổ phiếu của các tỷ phú đô la đều tăng mạnh từ đầu năm 2019, đặc biệt VIC lập đỉnh mọi thời đại
Theo Trí Thức Trẻ